Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (17/7/1924 - 17/7/2024), những người yêu nghệ thuật đã nhớ đến ông với những tình cảm chân thành, sự kính trọng đối với một nghệ sỹ đa tài nhưng lận đận.
Họa sỹ đa tài
Họa sỹ Dương Bích Liên sinh ngày 17/7/1924 tại Hà Nội, nhưng quê ông ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; xuất thân trong một gia đình trí thức nho học, nổi tiếng có nhiều người thành đạt, lập nghiệp theo con đường nhân sỹ, giáo chức, thày thuốc, một dòng tộc có nhiều cống hiến lớn lao cho đất nước. Ông nội và bác ruột của ông là những sỹ phu yêu nước từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Người bác ruột khác của ông là Giáo sư Dương Quảng Hàm, một Nho sỹ yêu nước, nhà nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, tác giả của nhiều công trình học thuật nổi tiếng, đã hy sinh khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946. Người anh ruột và em trai ông cũng là những liệt sỹ thời kháng chiến chống thực dân Pháp…
Khác với việc hướng nghiệp của truyền thống gia đình, ông một mình theo đuổi nghệ thuật. Từ năm 16 tuổi, ông đã là sinh viên khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1940 – 1945). Năm 1946, Dương Bích Liên và nhiều trí thức văn nghệ sỹ Hà Nội tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông hoạt động ở Đoàn kịch của Phạm Văn Khoa, Đoàn văn công của Nguyễn Xuân Khoát, vào Đoàn Văn hóa kháng chiến cùng với họa sỹ Tô Ngọc Vân, Thế Lữ…, làm báo "Vệ quốc đoàn”.
Năm 1949, ông là một trong những họa sỹ đầu tiên được kết nạp Đảng tại vùng kháng chiến, cùng một ngày với họa sỹ Mai Văn Hiến và nhà văn Trần Đăng. Năm 1952, ông được giao trọng trách lên chiến khu sống gần và vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1954, họa sỹ Dương Bích Liên trở về tiếp quản Thủ đô. Được tổ chức biên chế vào “tổ sáng tác” cùng các họa sỹ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng…
Họa sỹ Dương Bích Liên là người tài ba, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó bức "Thiếu nhi đi khai hoang" của ông đã giành giải Nhì tại Triển lãm hội họa kháng chiến năm 1948. Nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của ông như: “Đi học đêm”, “Hành quân đêm”, “Thiếu nữ áo trắng”, “Chiều vàng”, “Ngày mùa”, “Hào”… đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật.
Những năm tháng sống gần Bác đã để lại cho danh họa Dương Bích Liên nhiều ký ức sâu sắc. Đó chính là nguồn cảm hứng để sau này ông sáng tác bức sơn mài “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” (còn có tên khác là Hồ Chủ tịch qua suối) – tác phẩm đoạt giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Ngoài những tác phẩm nổi tiếng, họa sỹ Dương Bích Liên đặc biệt thành công với những tác phẩm về chân dung thiếu nữ. Giới mỹ thuật thường nhắc “Phố Phái, gái Liên”, để nói đến việc khi xem tranh phố thì nên xem tranh của Bùi Xuân Phái, còn xem tranh về thiếu nữ thì Dương Bích Liên là người vẽ đẹp nhất.
Dành cả cuộc đời cho nghệ thuật, họa sỹ Dương Bích Liên sống cô đơn, không vợ con và ít bạn hữu. Ông qua đời vào ngày 12/12/1988, trong căn nhà nhỏ ở số 55 Bà Triệu. Ông tự chọn cho mình một cái chết lặng lẽ, không bệnh tật, không đau ốm mà tịch cốc không ăn, chỉ uống rượu. Năm 2000, họa sỹ Dương Bích Liên được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt II).
Một biệt lệ trong "bộ tứ" huyền thoại
Cho đến tận bây giờ, họa sỹ Đặng Thị Khuê, Ủy viên Thường vụ - thường trực khóa I Hội Mỹ thuật Việt Nam, vẫn nhớ mãi những kỷ niệm về họa sỹ Dương Bích Liên, nhớ dáng đi liêu xiêu như muốn ngã, nhớ đôi giày nhà binh nặng trịch ông mang, nhớ ánh mắt như muốn nói, bộ quần áo ông mặc bốn mùa, nhớ những cử chỉ lịch lãm, ân cần khi tiếp bạn và nhớ cả những điều chưa tiện kể về ông...
Nói về họa sỹ Dương Bích Liên, họa sỹ Đặng Thị Khuê cho rằng, người đời gọi các họa sỹ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái là "tứ trụ" - hẳn đã coi các ông như những cột trụ của “ngôi đền” nghệ thuật. Bởi cùng với "tứ trụ" thứ nhất là Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, các ông đã tạo nên nền móng của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam, đến nay đã gần một thế kỷ. Và cũng có nghĩa họa sỹ Dương Bích Liên đã đồng hành cùng thế kỷ lịch sử nghệ thuật Việt Nam.
Theo họa sỹ Đặng Thị Khuê, Dương Bích Liên là một hiện tượng điển hình nhất của giao thoa văn hóa, ở cả tinh thần nghệ thuật lẫn bút pháp. Pha trộn lối tả thực đơn giản với bút pháp ấn tượng nhẹ nhàng. Tranh ông là một cảm hứng lãng mạn, trữ tình, của một phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ. Và ông giữ mãi cái nhìn ấy, dẫu hiện thực đổi thay, dẫu biến thiên lịch sử - điều ấy khiến ông là một biệt lệ trong "bộ tứ" huyền thoại. Việc ông được tôn vinh là một trong những cột trụ của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, cũng là một đánh giá công bằng của lịch sử, cho thấy mọi giá trị đều bình đẳng trước thời gian và công chúng là trọng tài vô tư nhất đối với nghệ thuật mọi thời đại.
Tác phẩm của Dương Bích Liên |
Sinh thời, nhà lịch sử mỹ thuật Thái Bá Vân đã nhận xét: Xem tranh của Dương Bích Liên là được cảm thông với một thân phận nghệ sỹ, đã tự nguyện chọn tiếng nói im lặng của hội họa làm bản thân. Hội họa Dương Bích Liên không là mới, không là cũ, mà là hiện tại. Hiện tại với cái nghĩa là sự có mặt đời đời của mặc cảm cô đơn, và cô đơn đó là hiện diện.
Lựa chọn tiếng nói im lặng của hội họa làm bản thân, nhưng họa sỹ Dương Bích Liên còn say mê cả triết học, văn học và sân khấu. Với vốn ngoại ngữ giỏi, ông luôn cập nhật thông tin về thế giới nghệ thuật hiện đại, lấy sách và những người bạn trí thức trẻ thuộc nhiều ngành giới làm bạn tâm giao, tri kỷ.
Khiêm nhường, ẩn dật và nhẫn nhịn trong đời sống, ông dồn hết năng lượng và nhiệt huyết cho nghệ thuật. Vì thế ở tranh Dương Bích Liên dù là chất liệu gì, thể loại nào cũng đều mang vẻ đẹp huyền ảo, lung linh, lãng đãng cổ kính vừa gợi cảm vừa bí ẩn. Tái tạo vẻ đẹp tự nhiên qua nhãn thức của riêng mình, ông gửi gắm cả tâm tình trong mối ưu tư da diết. Vì thế những khoảng trống trong tranh Dương Bích Liên lại chứa nhiều ý nghĩa nhất khiến người xem bị ám ảnh. Thế giới nghệ thuật của họa sỹ chứa đầy tương phản: vừa lánh đời lại vừa cuồng nhiệt, vừa bình dị lại vừa uyên thâm, vừa bâng quơ, vừa cao thượng.
“Là người đồng hành cùng thế kỷ nghệ thuật họa sỹ Dương Bích Liên đã là một tượng đài của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, là ánh chớp thầm lặng trên bầu trời nghệ thuật, là danh họa của xứ sở mình”, họa sỹ Đặng Thị Khuê chia sẻ.
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam may mắn có được bộ “tứ trụ” cuối cùng “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”, kết thúc “giai đoạn vàng” của Mỹ thuật Đông Dương. Đây là gạch nối hết sức quan trọng cho xu thế ngày càng đa dạng của mỹ thuật đương đại Việt sau này.
“Dương Bích Liên là nhà trí thức uyên bác, đời sống nghệ thuật của ông như một mạch chảy đầy nghị lực, đầy cảm xúc, đầy tính quyết liệt của một chính kiến nghệ thuật. Ông yên lặng bên cạnh cuộc sống ồn ào của đô thị, từ xa nhìn ngắm thế gian, tạo nên tâm hồn đẹp đẽ, lành sạch của người nghệ sỹ cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.
“Nhớ đến Dương Bích Liên vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, chúng ta nhớ đến người họa sỹ tài ba vô cùng, nhưng cũng lận đận vô cùng. Nghệ thuật của ông càng đẹp đẽ, chúng ta càng nhớ đến con người lận đận trong đời sống kham khổ”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.