Kỳ thi THPT quốc gia 2016 có nhiều điểm mới. (Ảnh: Đào Ngọc Thạch)
Bỏ làm tròn đến 0,25 điểm với bài trắc nghiệm, điểm 1 được tính là điểm liệt
Một trong những điểm đáng chú ý nhất là thay đổi về làm tròn điểm bài thi trắc nghiệm. Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm (quy chế năm 2015 cho phép lấy đến 0,25 điểm). Điều này có nghĩa có thể lấy đến 0,01 điểm. Như vậy năm nay nếu thí sinh được 4,99 cũng không được cộng tròn thành 5, chỉ trường hợp là 4,995 trở lên thì mới được cộng tròn điểm.
Ngoài ra, mức điểm liệt là 1 nên các thí sinh phải làm bài hết sức cẩn thận, tránh trường hợp cố làm bài để được 1 điểm là… yên tâm như mọi năm.
Bị đình chỉ 1 môn sẽ không được xét tốt nghiệp, xét tuyển
Những thí sinh vi phạm quy chế đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và được thông báo.
Kỷ luật mức khiển trách đối với các thí sinh nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác. Hình thức này do cán bộ coi thi quyết định tại biên bản được lập. Thí sinh bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của môn đó.
Kỷ luật mức cảnh cáo nếu thí sinh đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách; trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác; chép bài của thí sinh khác hoặc để thí sinh khác chép bài của mình. Hình thức kỷ luật cảnh cáo do cán bộ coi thi quyết định tại biên bản được lập, kèm tang vật (nếu có).
Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi của môn đó. Những bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50% điểm toàn bài.
Đình chỉ thi với các thí sinh đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong môn thi đó vẫn tiếp tục vi phạm ở mức cảnh cáo hoặc khiển trách; mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.
Cán bộ coi thi trong phòng thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo trưởng điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. Nếu trưởng điểm thi không nhất trí thì báo cáo trưởng ban coi thi quyết định.
Thí sinh bị đình chỉ thi môn thi nào sẽ bị điểm 0 (không) môn thi đó; không được tiếp tục dự thi các môn thi tiếp theo; không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Các hội đồng được công bố điểm thi
Năm 2016, các hội đồng thi được công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT và hoàn thành việc đối chiếu giữa dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ GD&ĐT với dữ liệu kết quả thi lưu tại hội đồng thi.
Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu thi của thí sinh; các sở GD&ĐT sử dụng dữ liệu thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; các trường ĐH, CĐ, trung cấp sử dụng dữ liệu thi để tuyển sinh.
Siết chặt quy định về chấm phúc khảo
So với Dự thảo, Thông tư sửa đổi chính thức đã bổ sung một số nội dung nhằm quy định chặt chẽ hơn về kết quả chấm phúc khảo. Nếu kết quả chấm phúc khảo bài thi tự luận của 2 cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy kết quả đó làm điểm phúc khảo và giao bài thi cho 2 cán bộ chấm phúc khảo ký xác nhận.
Nếu kết quả chấm của 2 cán bộ chấm phúc khảo có sự chênh lệch thì rút bài thi giao cho trưởng ban phúc khảo tổ chức cho cán bộ thứ 3 chấm trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác; nếu kết quả chấm của 2 trong 3 cán bộ chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm phúc khảo.
Nếu kết quả chấm của cả 3 cán bộ chấm phúc khảo lệch nhau thì trưởng ban phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến hai chữ số thập phân làm điểm phúc khảo rồi ký tên xác nhận.
Mỗi thí sinh có một giấy chứng nhận kết quả thi
Năm 2015, thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Tuy nhiên, năm nay mỗi thí sinh chỉ được cấp một Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất.
Để việc giám sát được sát sao hơn, Bộ GD-ĐT quy định trưởng điểm thi bố trí cán bộ giám sát phòng thi; đảm bảo mỗi cán bộ giám sát không nhiều hơn 7 phòng thi.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ, mỗi môn thi phải có ít nhất ba cán bộ chấm thi và mỗi điểm thi cần bố trí một điện thoại cố định dùng để liên hệ với Hội đồng thi. Mọi cuộc liên lạc trong thời gian thi đều phải bật loa ngoài và nghe công khai.
Cộng điểm ưu tiên cho học sinh có chứng nhận nghề
Học sinh giáo dục THPT, học viên GDTX trong diện xếp loại hạnh kiểm, học viên GDTX tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT có giấy chứng nhận nghề do sở GD&ĐT hoặc các cơ sở GD&ĐT và dạy nghề do ngành giáo dục cấp trong thời gian học THPT được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong giấy chứng nhận nghề như sau:
- Loại giỏi: cộng 2,0 điểm;
- Loại khá: cộng 1,5 điểm;
- Loại trung bình: cộng 1,0 điểm.
Xuân Bách (tổng hợp)