Tìm ông như thể tìm trẻ lạc
Là một lão nông thực thụ, quanh năm chỉ biết một nắng hai sương mùa nào thức ấy nhưng ông Bùi Hồng Ba (Lương Sơn, Hòa Bình) rất thích đọc báo, nghiên cứu thời sự. Năm nay đã 70 tuổi, ông Ba vinh dự nằm trong danh sách những cựu chiến binh được phát báo miễn phí của tỉnh. Nhà ông lúc nào cũng có báo, chẳng số nào ông bỏ qua. Thậm chí có số báo ông đọc mấy bận. Thời gian rảnh phần lớn ông dành cho báo giấy, hàn huyên với bạn già hay chơi với cháu nội.
Ông Ba rất thích đọc báo hàng ngày... |
Sở thích đọc báo nhiều bao nhiêu thì sở thích dùng điện thoại ít bấy nhiêu. Chuyện ông dùng máy tính lại càng trở nên… xa xỉ.
Cậu con trai ông Ba kể lại, nhiều lúc đi xe máy tìm bố khắp xóm trong vô vọng vì… mất liên lạc, “chẳng khác nào đi tìm trẻ lạc” - anh cười. Nhà có điện thoại cố định ông Ba rất ít dùng, con trai để lại cho ông chiếc điện thoại “đen trắng” dễ gọi dễ nghe nhất hiện nay, ông cũng chẳng màng. Tính ông vốn không thích đồ công nghệ. Dù con cháu dạy thế nào, chỉ đến mấy ông cũng lắc đầu. Dạy cho ông dùng đồ công nghệ khó gấp ngàn lần so với việc dạy các cháu học chữ, đánh vần. Ông Ba bảo, ông không có nhu cầu dùng mấy thứ đó, khó và phức tạp lắm. Quan trọng hơn, ông làm nông ở quê, chẳng có lý do gì phải “sờ” đến điện thoại hay máy tính, thích nói chuyện thì cứ gặp trực tiếp là vui nhất.
... và chăm cháu |
Ông Ba làm nông ở quê đã đành, bà Nguyệt ở thành phố, khu vực trung tâm hiện đại, dân trí cao hơn, đồ đạc trong gia đình “xịn” hơn, công nghệ đầy nhà, từ máy giặt, tivi đến tủ lạnh, smartphone… nhưng bà không mặn mà với những vật dụng hiện đại. Càng hiện đại bà càng ngại dùng.
Trong khi chồng bà Nguyệt luôn cố gắng sử dụng smartphone, lúc nào cũng muốn các con dạy cho cách dùng Zalo, Facebook để kết nối với các con và các bạn già thì bà Nguyệt trái ngược hoàn toàn. Điện thoại di động bà chỉ biết mỗi nút bấm để nghe. Đang nói chuyện với con gái mà điện thoại hết pin, bà hốt hoảng không hiểu chuyện gì. Tin nhắn gửi đến điện thoại bà không biết đọc. Tivi là thứ công nghệ hiện đại bà hay sử dụng nhất, nhưng bà cũng chỉ loanh quanh nhớ được 5 nút bấm trên điều khiển, đó là 2 nút điều chỉnh âm thanh to - nhỏ, 2 nút chuyển kênh và nút tắt mở tivi, thế là hết. Cả ngày bà Nguyệt có thể không sờ đến điện thoại, tivi. Bà thích nấu ăn, vui vầy với con cháu, cùng các cháu đọc sách. Thấy cháu gái dán mắt vào màn hình điện thoại, iPad là bà phản đối gay gắt, bà thích con trẻ tham gia những hoạt động không liên quan gì đến đồ công nghệ.
Bà Nguyệt khuyến khích cháu gái chơi ngoài trời như nhặt rau, đi bộ, đạp xe... |
Đối với những người như ông Ba, bà Nguyệt, đồ hiện đại công nghệ cao là thứ gì đó xa lạ và không - quan - trọng như rất nhiều người trẻ đang ăn, ngủ, sống cùng công nghệ. Với những thế hệ 4X, 5X, 6X… chuyện làm việc, sinh hoạt với những chiếc smartphone, laptop hiện đại không phổ biến như bây giờ, nên dễ hiểu vì sao họ thấy lạ: “mất điện một ngày, mất mạng một ngày mà sao rối loạn hết cả” – bà Nguyệt tò mò.
Nhưng cũng có những người trẻ, dù sinh sau đẻ muộn, thuộc thế hệ 8X, 9X vẫn không thích công nghệ.
Nguyễn Văn là một ví dụ. Văn làm công nhân ở Công ty Cổ phần Hà Yến – một công ty ở khu công nghiệp Nhổn, Hà Nội chuyên sản xuất đồ bếp inox phục vụ các bếp ăn công nghiệp, các bếp ăn nhà hàng… Nhà có máy tính để bàn và laptop, nhưng Văn ít khi dùng, điện thoại của Văn cũng không phải Samsung hay iPhone, mà là Nokia “chày cối” một thời. Công việc chân tay không đòi hỏi Văn phải thành thạo công nghệ, Văn chỉ cần biết hàn, xì, đánh bóng… sản phẩm là có thể chờ lương đều đặn hàng tháng rót về.
Đi tìm mẫu số chung
Đặt hai “thái cực” nghiện công nghệ và “mù’ công nghê lên bàn cân, theo PGS - TS Trịnh Hòa Bình – chuyên gia xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cả hai đều có mặt được và không được. “Thật không tiện chút nào khi so sánh hai thái cực đó với nhau, vì nó khá khập khiễng nhưng rõ rang, cập nhật công nghệ, theo kịp thời cuộc là rất hay, giúp mọi người khám phá cuộc sống, khám phá những tiện ích mới nhất, thành tựu khoa học mới mà trước đây người ta không thể tưởng tượng rằng sẽ có ngày hai con người cách nhau hàng chục giờ ngồi máy bay vẫn có thể nói chuyện với nhau, đối thoại với nhau, nhìn thấy nhau như truyền hình trực tiếp trên tivi” - PGS Trịnh Hòa Bình nói.
Theo PGS Bình, thông qua các ứng dụng, tiện ích của các trang mạng xã hội hiện nay, con người đang ngày càng tiện giản các hoạt động của mình: “Chúng ta có thể trao đổi thông tin và trò chuyện không giới hạn thời gian và địa lý. Sự bùng nổ của các thiết bị công nghệ và độ phủ sóng internet rộng rãi đang là một lợi thế cho người sử dụng, giúp rút ngắn được thời gian tìm kiếm, xử lý thông tin. Công viêc hàng ngày cũng đòi hỏi phải gần gũi với các thiết bị công nghệ để nhận các công văn, thông tư,… vì tất cả các tài liệu hiện nay đều đươc trao đổi qua Facebook, Mail, Skypes... Nhìn một cách khách quan, sống trong xã hội hiện đại, người ta không nên từ chối sử dụng công nghệ. Hãy biết tận dụng công nghệ để cuộc sống của mình muôn màu, muôn sắc hơn. Nhưng phải biết cách sử dụng nó một cách điều độ, bắt công nghệ phục vụ mình thay vì mình lệ thuộc, làm nô lệ của nó. Bất cứ biểu hiện “nghiện” công nghệ đều là “quá trớn” và chính những người nghiện cũng phải đối mặt với những hiểm họa khôn lường”.
PGS. TS Trịnh Hòa Bình nói thêm, với người trẻ, ông khuyến khích tìm hiểu và khám phá công nghệ. Muốn làm việc hiệu quả trong xã hội hiện đại hiện nay không có cách nào tốt hơn là biết vận dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đối với những người thế hệ trước, “mù” công nghệ không phải cái tội, lỗi do công nghệ phát triển quá nhanh, các cụ không “đuổi kịp”. Nhưng không vì thế mà cứng nhắc, đứng ngoài sự phát triển mạnh mẽ của thời cuộc vì đồ công nghệ cũng chứa đựng rất nhiều tiện ích, giải tỏa căng thẳng cho mọi người trong nhịp sống bộn bề hiện nay. Không quá khó để “xóa mù” công nghệ cho những người thế hệ cũ trong gia đình, có thể là con cháu dạy bố mẹ mỗi hôm một chút, có thể cùng bố mẹ sử dụng các đồ công nghệ để các cụ cảm thấy thích thú, muốn khám phá công nghệ…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh quan điểm trong một sự kiện ra mắt mạng 4G: “Trước đây khi mới giành được độc lập, để đất nước phát triển, chúng ta đã thực hiện chương trình “bình dân học vụ” để xóa mù chữ. Và bây giờ, trong cuộc cách mạng 4.0 này, chúng ta phải thực hiện xóa mù công nghệ cho tất cả mọi người. Đề án xây dựng hệ tri thức số hóa của người Việt được sự tham gia rất tích cực của Viettel và một số công ty, các nhà khoa học sẽ tạo ra một môi trường, một điều kiện thật tốt để cho mọi người Việt Nam được thừa hưởng những thành tựu tri thức chung của nhân loại”.