'Nghiện Internet'– Ác cảm xã hội hay căn bệnh?

(Ngày Nay) - Khi điện thoại di động ngày một rẻ hơn và mạng Wifi đang phủ khắp thế giới, hiện tượng sử dụng Internet quá đà đang ngày một trở nên cực đoan. “Bệnh nghiện mạng ảo” đang trở thành một nguy cơ ngày một hiện hữu, đặc biệt là với thế hệ thanh thiếu niên lớn lên trong thời đại Internet.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một khảo sát quan trọng về thói quen sinh hoạt của thiếu niên 15 tuổi trên khắp thế giới do Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế OECD tiến hành cho thấy có tới 16% đối tượng này sử dụng Internet nhiều hơn 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày ngoài giờ học ở trường. Đây chính là mức sử dụng được coi là “cực đoan”. Tình trạng thiếu niên sử dụng Internet ở mức cực đoan diễn ra không chỉ ở các nước phát triển. Nếu như có tới 37,3% thiếu niên 15 tuổi ở Anh sử dụng Internet ở mức cực đoan, thì ở những nước đang phát triển như Brazil và Chile số giờ online trung bình của các thiếu niên lại ở mức cao nhất: hơn 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Internet và sức khỏe tâm thần

Hàng loạt nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên kết giữa việc sử dụng Internet ở mức cực đoan với các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một báo cáo khoa học do Viện Chính sách Giáo dục Anh EPI công bố hồi tháng 6 năm nay cho thấy có tới 27% trẻ em sử dụng mạng xã hội nhiều hơn 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày có biểu hiện “các triệu chứng bệnh sức khỏe tâm thần”, cao hơn so với tỉ lệ 12% ở trẻ không sử dụng mạng xã hội.

Các nghiên cứu khoa học không chỉ chỉ ra mối liên hệ giữa các vấn đề sức khỏe tinh thần với mạng xã hội mà còn với các công nghệ hiện đại nói chung, và ảnh hưởng tới cả thanh thiếu niên và người trưởng thành. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Tin học và Hành vi Con người năm 2016 cho thấy việc sử dụng điện thoại di động với tần suất cao có mối liên hệ đáng kể với các hội chứng rối loạn lo âu và trầm cảm.

Những nghiên cứu này đã nhanh chóng khơi lên một cơn sốt truyền thông, do chúng đã phần nào lý giải những vấn đề sức khỏe tâm thần mà rất nhiều người đã gặp phải giữa thời đại Internet. Phụ huynh bắt đầu trở nên lo lắng khi đọc được những bài báo về việc mạng xã hội có ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến sự tự tin và lòng tự tôn của thanh thiếu niên, khi nó mở ra một môi trường lý tưởng cho việc phân bì hơn thua và nạn bạo lực Internet. Người lớn trưởng thành cũng bắt đầu nhận thấy những nguy cơ từ chiếc điện thoại thông minh, thứ khiến cán công công việc – đời sống của họ bị lung lay do những thư điện tử xuất hiện vào bất cứ giờ nào, và khiến chất lượng giấc ngủ của họ bị giảm sút do việc sử dụng bất kể sáng tối.

Nguyên nhân hay kết quả?

Tuy nhiên, cộng đồng khoa học vẫn đang tranh cãi về việc phải giải quyết vấn đề này như thế nào. Các nghiên cứu đều chưa thể đưa ra một kết luận thực sự rõ ràng. Nghiên cứu của Viện Chính sách Giáo dục Anh nhận định chưa có cơ sở để khẳng định rằng việc sử dụng công nghệ đóng vai trò xúc tác kích hoạt các vấn đề về sức khỏe tâm thần, hay các vấn đề về sức khỏe tâm thần khiến người ta lạm dụng công nghệ. Một nghiên cứu khác về thói quen sử dụng điện thoại thông minh thì đưa ra nhận định rằng, các hội chứng rối loạn lo âu và trầm cảm chỉ có liên hệ với những người sử dụng điện thoại thông minh để giải sầu, chứ không có liên hệ với những người sử dụng phương tiện này để giải trí.

“Chúng ta có thể nhận thấy rằng những người dùng Internet ở mức độ cao, và những người gặp phải các vấn đề trên mạng ảo thường có sức khỏe tâm thần kém hơn,” giáo sư tâm lý học Sonia Livingstone thuộc Trường Kinh tế London cho biết. “Nhưng chúng ta không biết nguyên nhân ở đâu. Tình trạng sức khỏe tâm thần là nguyên nhân hay là kết quả của việc sử dụng Internet?”

Ngay cả mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và mức độ sử dụng Internet cũng chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt là ở đối tượng thiếu niên và nhi đồng: “Chúng ta chưa có đủ bằng chứng cho thấy sự gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần đi song hành với sự gia tăng mức độ sử dụng Internet, và cũng chưa có đủ bằng chứng cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần sử dụng Internet nhiều hơn người bình thường,” Giáo sư Livingstone cho biết.

Giải quyết tình trạng sử dụng Internet cực đoan

Dù các nghiên cứu khoa học chưa thật sự đầy đủ, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới đang quyết liệt giải quyết tình trạng sử dụng Internet quá đà. Trung Quốc, nước có số người sử dụng Internet đông nhất thế giới, cũng là nước có quan điểm cứng rắn nhất về vấn đề này. Chính phủ Trung Quốc là chính phủ đầu tiên trên thế giới công nhận “nghiện Internet” là một loại bệnh cần can thiệp y tế vào năm 2008, và nước này cũng nhận định rằng có khoảng 10% người sử dụng Internet dưới 18 tuổi ở Trung Quốc là “con nghiện”.

Quan điểm này đã được Trung Quốc biến thành hành động. Có thể thấy rõ nhất là sự xuất hiện của các trung tâm cai nghiện Internet, nơi hàng nghìn phụ huynh đã đưa con cái tới điều trị trong nhiều tháng trời với chi phí từ 5000 đến 22.000 USD.

'Nghiện Internet'– Ác cảm xã hội hay căn bệnh? ảnh 1Ảnh minh họa

Trong số các trại cai nghiện này, có những trại áp dụng các chế độ nghiêm ngặt như trong quân đội. Nhiều trại cai nghiện đã nảy sinh những vấn đề bất cập như bạo hành trẻ em hoặc khiến “con nghiện” gặp thêm nhiều vân đề về sức khỏe tâm thần hơn do phải trải qua các liệu pháp gây tranh cãi như đánh đập hoặc sốc điện. Mặc dù chính phủ đã cấm việc sử dụng các hình thức trừng phạt xâm phạm đến thân thể “con nghiện”, nhưng một số trường hợp tử vong vẫn xảy ra.

Tuy nhiên, do nhu cầu của phụ huynh rất lớn, nên các trung tâm cai nghiện Internet vẫn hoạt động vô cùng sôi động.

Trung Quốc có thể chỉ là một nước có quan điểm cứng rắn đặc biệt xung quanh vấn đề sử dụng Internet, nhưng trên thực tế, trên khắp thế giới, khái niệm về bệnh nghiện Internet đang ngày một trở nên phổ biến hơn. Tại nhiều nước như Mỹ và Anh, tâm lý ác cảm với việc sử dụng công nghệ quá đà đang ngày một nhiều. Tại đây, rất nhiều người còn cho rằng Internet là một “lời nguyền của thế hệ”.

Trong sổ tay hướng dẫn chẩn đoán các hội chứng rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ mới đây được bổ sung thêm thuật ngữ “Hội chứng rối loạn Game Online IGD”. Đây là một động thái cho thấy tình trạng lạm dụng Internet đang ngày càng trở thành một chủ đề khiến giới khoa học quan tâm. Tuy nhiên, “Hội chứng rối loạn Game Online” mới chỉ dừng lại là một khái niệm trong phụ lục nghiên cứu do chưa có đủ cơ sở khoa học để xác nhận đây là một hội chứng thật sự. Chưa có thông tin cụ thể gì về những triệu chứng của bệnh này và phương pháp chẩn đoán, điều trị của hội chứng này.

“Những thuật ngữ như IGD là sản phẩm của tâm lý lo sợ trong xã hội hơn là sản phẩm của những nghiên cứu khoa học đáng tin cậy,” Giáo sư tâm lý học Christopher J. Ferguson thuộc trường Đại học Stetson cho biết. “Ở một mức độ nào đó, các cá nhân có thể lạm dụng một số hoạt động khiến họ thấy thoải mái như ăn, làm việc, quan hệ tình dục, tập thể thao, mua sắm…- và không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy trò chơi điện tử hay mạng xã hội dễ gây nghiện hơn những hoạt động đó.”

Một vấn đề xã hội

Mối lo ngại xung quanh vấn đề sử dụng công nghệ quá đà có thể có nguyên nhân từ các vấn đề xã hội hơn là từ các số liệu khoa học thật sự. “Chúng ta cần nhớ rằng mọi phương tiên truyền thông, ví dụ như chữ viết hay sách báo, khi mới xuất hiện đều được cho là gây nghiện”, Giáo sư xã hội hoc Frank Furedi thuộc Đại học Kent cho biết.

“Hồi thế kỷ 18, bệnh nghiện đọc từng làm dấy lên những mối lo ngại về sự băng hoại đạo đức xã hội. Ngày này, mối lo ngại về việc con người bỏ ra quá nhiều thời gian trên mạng Internet cũng đang được đẩy lên mức độ y tế,” Giáo sư Furedi nói. “Việc nhiều người đang sử dụng Internet quá đà là điều không thể chối cãi – tuy nhiên việc chẩn đoán họ là ‘con nghiện Internet’ là một cách kha thô thiển để chỉ trích những hành vi mà chúng ta không thích.”

Trong bối cảnh chưa có đủ cơ sở khoa học đáng tin cậy, thì phản ứng của xã hội với hành vi ham mê mạng Internet của các cá nhân có thể lợi bất cập hại. “Ác cảm của xã hội đối với việc sử dụng Internet gây trở ngại cho việc xây dựng một văn hóa sử dụng Internet tích cực và hiệu quả,” Giáo sư Furedi nhận định.

'Nghiện Internet'– Ác cảm xã hội hay căn bệnh? ảnh 2Ảnh minh họa

Giáo sư Livingstone cho rằng, nỗi lo ngại của phụ huynh về hành vi sử dụng Internet của con cái sẽ “làm xói mòn lòng tin giữa cha mẹ và con cái, xâm phạm quyền học hỏi và thể hiện bản thân của trẻ, và cản trở cha mẹ tham gia tích cực vào việc giúp con cái sử dụng Internet hiệu quả”.

Các nhà khoa học cho rằng, mấu chốt của vấn đề nằm ở cách chúng ta nhận định về mạng Internet. Internet không nên được coi là một vấn đề tiêu cực, mà chỉ là một hạ tầng nơi các nhược điểm của con người bộc lộ một cách rõ ràng và rộng rãi hơn. Với nhận thức này, câu trả lời sẽ nằm ở việc chúng ta cần hiểu phương tiện Internet và những người sử dụng chúng đến đâu, chứ không phải ở việc hạn chế và cấm đoán.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.