Quỹ lớp, quỹ trường lại thêm… quỹ khuyến học
Hội phụ huynh hay tên gọi chính thức là Ban đại diện cha mẹ học sinh vốn có nhiệm vụ phối hợp với nhà trường để quản lý, giáo dục học sinh, đại diện cho tiếng nói của đa số phụ huynh… Nhưng hiện tại, hễ nhắc đến Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhiều phụ huynh lại phải đau đầu vì nhớ đến “quỹ lớp, quỹ trường”. Ngày xưa, quỹ lớp thường chỉ mấy mươi ngàn, chủ yếu mua khăn bàn, bình hoa, chổi quét… Còn ngày nay, quỹ lớp có thể lên đến vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng.
Anh Nguyễn S.P. có con học lớp 10, trường N.C.T., Quận Tân Bình phản ánh, đầu năm học, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã thu quỹ lớp mỗi người 1.200.000 đồng. Số tiền này dùng để lắp đặt máy lạnh, máy chiếu, chi trả tiền điện mỗi tháng. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm lại thông báo thêm quỹ trường tối thiểu là 400.000 đồng và quỹ khuyến học thì tùy ý đóng góp. Cho rằng, quỹ trường buộc phải tự nguyện, không được “ép” phụ huynh đóng theo định mức, anh P. nhiều lần góp ý với giáo viên chủ nhiệm.
Hiện tại, Ban cha mẹ phụ huynh tại các trường công lập thường dự trù kinh phí hoạt động cho một năm, rồi chia cho tổng số học sinh để ra "mức tối thiểu" phụ huynh phải đóng |
“Tôi đã góp ý rất nhiều lần, thậm chí dẫn các thông tư luật lệ ra, nhưng giáo viên chủ nhiệm lại cho rằng tôi đang gây khó dễ, ảnh hưởng đến các hoạt động của trường lớp, thậm chí còn nói điều này với tất cả phụ huynh khác trong lớp, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tôi. Những khoản quỹ theo thỏa thuận tôi đều sẵn sàng đóng đầy đủ, nhưng việc gì cũng phải rõ ràng, đã gọi là tự nguyện thì sao còn ép mức tối thiểu. Rồi đã có quỹ trường, lại còn thêm quỹ khuyến học?”, anh P. bức xúc.
Chị Lâm H., có con học khối 11 tại trường L.Q.Đ., Quận 3, cho biết: “Mỗi lần họp phụ huynh đầu năm, hay cuối kì là biết chắc phải đóng rất nhiều tiền quỹ. Quỹ lớp năm nay ban đại diện thống nhất thu 1 triệu đồng, quỹ trường 400.000 đồng. Mà quỹ lớp để làm gì? Để chi tiền photo tài liệu và để mua quà cáp tặng giáo viên nhân các ngày lễ. Thực sự tôi thấy khoản thu này quá cao so với thu nhập của gia đình”.
Khi chị H. phản ánh với nhà trường, thì được hiệu trưởng trả lời rằng, với quỹ lớp Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tự họp bàn và thỏa thuận. Còn quỹ trường ở mức 400.000 đồng là do Ban đại diện phụ huynh trường tự dự trù kinh phí hoạt động trong một năm, rồi chia ra ở mức bình quân thì được con số như trên. Đây là con số để dễ dàng vận động quyên góp, chứ nhà trường không hề bắt buộc đóng. Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, các loại quỹ đều thu dựa trên tinh thần tự nguyện.
Và hàng loạt khoản thu vô lý
Đầu năm học, chị Trần Hồng P. có con học lớp 7, trường THCS P.B.C., quận Tân Phú đã đóng tổng cộng 4.900.000 đồng 1 năm. Bao gồm học phí, tiền học ngoại khóa (Anh văn nâng cao, kỹ năng sống), tiền vệ sinh, nước uống… Sau đó, chị P. phải đóng thêm quỹ lớp, quỹ trường. Tưởng đâu đã xong, nào ngờ còn phải đóng thêm 100.000 đồng mỗi tháng cho quỹ lớp để “thuê máy lạnh” chi trả tiền điện. Theo chị Hồng P. đây là máy lạnh trường đã gắn sẵn cho mỗi lớp học.
Chị Hồng P. tính toán: “Mỗi lớp bình quân 40 em học sinh, vậy mỗi tháng, phụ huynh chúng tôi phải đóng 4 triệu đồng để các cháu được sử dụng máy lạnh. Nếu tính 8 tháng học, thì tổng cộng mỗi lớp là 24 triệu đồng. Với số tiền này, chúng tôi tự mua máy lạnh, tự chi trả tiền điện theo đồng hồ riêng, chắc chắn sẽ tiết kiệm hơn nhiều. Nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh dựa vào đâu mà bắt chúng tôi chi trả vô lý như thế?”.
Cũng theo chị Hồng P., nhiều phụ huynh cho rằng tuy vô lý nhưng cũng chỉ 100.000 đồng một tháng, nên… “lười ý kiến ý cò”. Đa phần đều sợ khi làm lớn chuyện sẽ ảnh hưởng đến cách cư xử của các bạn với con mình, và ảnh hưởng đến học tập của các cháu. “Đây chính là lúc mà Ban đại diện cha mẹ học sinh phải lên tiếng, chứ không phải chỉ để thu tiền, chi tiền”, chị Hồng P. nói.
Trường THCS - THPT Trần Văn Lắm bị buộc phải dừng thu tiền phụ huynh học sinh để sơn sửa trường lớp |
Tuy quy định là trường công lập không phải đóng góp tiền cơ sở vật chất, nhưng những khoản thu từ Ban đại diện cha mẹ học sinh lại có rất nhiều phần dùng để chi trả cho việc mua sắm, cải tạo cơ sở vật chất cho nhà trường. Như trường THCS – THPT Trần Văn Lắm, Bạc Liêu đã dùng Ban đại diện cha mẹ học sinh để “vận động” mỗi phụ huynh phải đóng 2.500.000 đồng. Số tiền này nhằm để… mua nước sơn, màn che nắng, sửa sang một số lớp học. Sau khi một số phụ huynh lên tiếng, Sở Giáo dục Khoa học và Công nghệ tỉnh này đã yêu cầu trường dừng thu khoản nêu trên.
Theo thông tư số 55/2011 của Bộ GD&ĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được phép được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban, và dựa trên nguyên tắc đóng góp tự nguyện. Nói là tự nguyện nhưng việc “vận động quyên góp” thường xuyên của Ban cha mẹ học sinh khiến nhiều phụ huynh rất “ngại” nếu không đóng. Thậm chí, có Ban đại diện cha mẹ học sinh còn gửi danh sách những phụ huynh chưa đóng góp cho giáo viên chủ nhiệm để nhắc nhở các em học sinh về “vận động” cha mẹ mình. Những khoản thu vô lý, cách “vận động” phản cảm, khiến vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh tại nhiều trường công lập vô cùng mờ nhạt. Thậm chí, ở nhiều trường, ban bệ này chẳng khác nào “công cụ” thu tiền.