Ông José Castillo, Giám đốc điều hành (CEO) Quantoom bioscatics, công ty con của Univercells, cho biết công ty này đã cải tiến phương pháp tiếp cận cũng như cách sản xuất. Sau khi lấy mẫu và giải trình tự virus, sẽ có mã DNA trong vòng 28 ngày và 2 tuần sau đó có thể phiên mã và tổng hợp được RNA. Tiếp đó tiến hành đóng gói ngay để đảm bảo chất lượng. Tổng cộng, trong 3 tháng, Quantoom bioscatics có thể sản xuất vaccine thử nghiệm đầu tiên.
CEO Quantoom bioscatics cho biết thêm công ty sẽ sản xuất 50 triệu liều vaccine mỗi năm tại châu Phi.
Bỉ đã đầu tư 4 triệu euro (4,33 triệu USD) vào công ty Afrigen kể từ năm 2021. Quốc gia châu Âu này có "hệ sinh thái" công nghệ sinh học lớn thứ haitrên thế giới, chỉ sau Israel. Thêm vào đó, công ty Univercells có trụ sở tại Jumet thuộc tỉnh Hainaut của Bỉ, đã nhận được 40 triệu USD do Quỹ Bill & Melinda Gates đầu tư kể từ năm 2016. Công ty này hiện có 400 nhân công làm việc tại 2 cơ sở ở Hainaut và Nivelles, chịu trách nhiệm thiết kế phân tử DNA và sản xuất RNA. Univercells ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục về doanh thu với 20 triệu euro (21,6 triệu USD) vào năm 2022 và dự kiến đạt 50 triệu euro (54 triệu USD) vào năm 2023.
Theo ông Castillo, đại dịch COVID-19 là một hồi chuông báo động. Nhiều nhà virus học cảnh báo thế giới ngày càng đông dân nên khả năng lây nhiễm sẽ tăng lên đáng kể. Hiện tượng virus từ gia cầm truyền sang người có thể sẽ gia tăng trong tương lai. Do đó, từng khu vực trên thế giới đều quan tâm đến việc tự trang bị các cơ sở sản xuất vaccine nhỏ nhằm chuẩn bị cho những đại dịch như COVID-19, hoặc những đợt bùng phát như dịch Ebola tại Tây Phi. Trong những tình huống này, công nghệ RNA thông tin sẽ phát huy hiệu quả ứng phó dịch bệnh.
Etherna, một công ty khác của Bỉ có mặt tại Cape Town, đã phát triển một quy trình ổn định nhiệt, vì RNA vốn không ổn định, cần phải bảo quản ở nhiệt độ thấp: - 80 độ C đối với vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna và -20 độ C đối với vaccine của hãng Pfizer, khiến vaccine loại này không sử dụng được trên quy mô lớn ở châu Phi.
CEO Etherna, ông Bernard Sagaert, nhấn mạnh công nghệ do Etherna phát triển sẽ giúp việc bảo quản trong tủ lạnh thông thường dễ tiếp cận hơn so với tủ đông ở -20°C hoặc -80°C, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và sẽ cải thiện đáng kể triển vọng giúp ngày càng nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận được với vaccine phòng bệnh.
Đại dịch COVID khiến ngành y tế châu Phi bộc lộ nhiều hạn chế và khiến hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới phải siết chặt các biện pháp phòng dịch, đồng thời nhận thức rõ sự cần thiết phải mở rộng phát triển sản xuất vaccine phòng bệnh.
Trên thực tế, hãng dược phẩm Cape Town sẽ là trung tâm đào tạo của mạng lưới vaccine RNA rộng lớn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập, gồm 16 quốc gia, trong đó có Kenya, Brazil... WHO khuyến khích triển khai các chương trình chuyển giao công nghệ RNA thông tin. Các tổ chức khác sẽ đến Nam Phi theo học các khóa đào tạo và sau đó áp dụng kiến thức thu nhận được tại đất nước của họ. Mục tiêu là mỗi khu vực trên thế giới sẽ có thể tự chủ sản xuất vaccine một cách nhanh chóng cho từ khu vực đó trong trường hợp bùng phát dịch bệnh.