Chuyên gia lên tiếng: “Cần hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường”

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Không hẹn mà gặp, các chuyên gia, nhà khoa học dự Hội thảo quốc tế dinh dưỡng người Việt (lần 2) đều cho rằng, dinh dưỡng học đường không chỉ là chìa khóa nâng cao sức khỏe học sinh, mà còn là nền móng vững chắc cho một xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.
Chuyên gia lên tiếng: “Cần hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường”

Vì thế, xây dựng hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhằm chuẩn hóa bữa ăn học đường, đồng thời nâng cao nhận thức về chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ trong lứa tuổi “vàng”.

Từ bữa trưa học đường của Nhật Bản…

Từ chỗ bị gọi là “Nhật lùn” vào những năm 1940, chiều cao trung bình của người Nhật hiện đứng hàng đầu thế giới. Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố năm 2023, chiều cao trung bình của nam giới nước này là 1m72, nữ là 1m58. Vào 50 năm trước, các con số này lần lượt chỉ là 1m50 và 1m49.

Chuyên gia lên tiếng: “Cần hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường” ảnh 1
Giáo sư Nakamura Teiji chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản.

“Trong quá khứ, thiếu hụt dinh dưỡng là vấn đề nghiêm trọng của chúng tôi, đặc biệt sau Thế chiến II”, GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản, chia sẻ tại Hội thảo quốc tế dinh dưỡng người Việt (lần 2) - Dinh dưỡng học đường do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) phối hợp Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội sáng 12.10 với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Viện Dinh dưỡng TH.

Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh đất nước khó khăn lúc đó, Nhật Bản đã đặt ưu tiên và chú trọng bữa trưa học đường nhằm duy trì và cải thiện sức khỏe của trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý. “Chúng tôi triển khai chương trình bữa trưa học đường từ năm 1945, lúc đó chỉ có sữa, và những bức ảnh chụp một nhóm học sinh ở các thời điểm 4 tháng và 2 năm sau đó cho thấy các em đã thay đổi rất nhiều. Đến năm 1951, chúng tôi mới triển khai bữa trưa hoàn chỉnh, gồm protein (thịt), bánh mì, rau quả. Cho tới hiện tại thì luôn có sữa tươi trong khẩu phần bữa trưa hàng ngày”, GS. Nakamura Teiji cho biết.

Đặc biệt, bữa trưa học đường được luật hóa rất sớm, từ năm 1954. Luật Bữa trưa học đường của quốc gia này vừa chuẩn hóa bữa ăn học đường, vừa chú trọng phát triển giáo dục dinh dưỡng. Tới năm 2005, Nhật Bản ban hành "Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng (Shokuiku Basic Act.). “Đây là luật cơ bản ở đất nước chúng tôi, hướng đến mục tiêu giúp trẻ em rèn luyện thể chất và tinh thần khỏe mạnh để phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và sống một cuộc sống trọn vẹn”, GS. Nakamura Teiji chia sẻ.

GS. Nakamura Teiji cho biết, hiện tại, 99% trường tiểu học, 91,5% trường THCS ở Nhật Bản áp dụng mô hình bữa trưa học đường. Nhờ đó, tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể và thanh niên Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ về thể chất và trí tuệ, với tầm vóc, chiều cao trung bình tăng trưởng vượt bậc so với 50 năm trước.

Có thể thấy, Nhật Bản trở thành ví dụ điển hình về cách một quốc gia có thể sử dụng dinh dưỡng học đường như một trong các công cụ mạnh mẽ để cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chất lượng sống của thế hệ trẻ là nhờ có hành lang pháp lý từ sớm, từ xa. Hơn thế nữa, dinh dưỡng học đường không chỉ được nhìn nhận là một giải pháp cải thiện sức khỏe học sinh, mà còn được xác định là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.

…tới sứ mệnh nâng cao tầm vóc Việt

Chia sẻ với Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản, các chuyên gia tham dự hội thảo đồng thuận rằng, 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12 tuổi và đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người. Vì vậy, chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này, đặc biệt là dinh dưỡng học đường, hết sức cấp thiết và cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả.

Tại Việt Nam, trẻ em đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi), thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Vấn đề dinh dưỡng học đường đã được quan tâm, nhưng chưa có các luật định, chính sách quy định cụ thể như một số quốc gia phát triển trên thế giới.

Chuyên gia lên tiếng: “Cần hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường” ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất chia sẻ về Mô hình điểm bữa ăn học đường.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, do chưa có hành lang pháp lý nên việc tổ chức, quản lý, và giám sát bữa ăn học đường, và công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các chương trình về dinh dưỡng học đường (như Sữa học đường, Bữa ăn học đường) chưa được thực hiện lâu dài, bền vững và đồng bộ trên cả nước.

“Bữa ăn học đường là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng học tập của học sinh. Tuy nhiên hiện nay chưa có các tiêu chuẩn cho bữa ăn học đường nên chưa có sự kiểm soát đồng bộ bằng các văn bản quy phạm pháp luật”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Đề nói. Trước thực tế này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất cho rằng, Bộ Y tế cần sớm ban hành tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường.

GS.TS.BS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), nguyên Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam

Ủng hộ xây dựng hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường, GS.TS.BS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), nguyên Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam, cho rằng, luật hóa vấn đề dinh dưỡng học đường là vấn đề cấp thiết hiện nay để triển khai hiệu quả các hoạt động dinh dưỡng.

Theo GS.TS.BS Lê Thị Hợp, Luật về dinh dưỡng học đường sẽ giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để giúp cho trẻ phát triển toàn diện, giảm nguy cơ mắc các mạn tính liên quan đến dinh dưỡng sau này. Luật cũng là căn cứ để những người làm công tác dinh dưỡng học đường phải được đào tạo bài bản; đưa kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa cho học sinh, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc dinh dưỡng cho học sinh.

Chuyên gia lên tiếng: “Cần hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường” ảnh 3
Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH

“Bản thân tôi chỉ cao 1m50 do thời xưa nhà nghèo và cả xã hội đều thiếu thốn thực phẩm. Sữa, nếu có, cũng chỉ dành cho trẻ em và người già. Thế nhưng, các con tôi vẫn rất cao, con trai tôi cao 1m83. Như vậy, chiến lược chăm sóc của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chiều cao, tầm vóc của con cái”, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà Sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ tại hội thảo.

“Nhật Bản từ năm 1954 đã ban hành Luật Dinh dưỡng học đường và đến giờ, sau 70 năm, thanh niên nước này không còn thấp còi nữa. Trong khi đó, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 15 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có người dân thấp nhất. Chúng ta cần một hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường đủ rộng và bao trùm để trẻ em được chăm sóc đầy đủ”, Anh hùng Lao động Thái Hương nói. Đồng thời, bà nhấn mạnh, các nhà kinh doanh thực phẩm, trong đó có TH, phải thực hiện sứ mệnh của mình, đó là cùng gánh vác trọng trách của đất nước về dinh dưỡng học đường.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.