Chính phủ Trung Quốc dự định áp đặt kiểm soát chặt chẽ hơn về cách các nhà thuốc xử lý đơn thuốc, sau khi phát hiện ra một vụ gian lận bảo hiểm lớn trị giá hơn 14 triệu USD.
Theo thông tin mới nhất, 4 nhà thuốc ở thành phố Cáp Nhĩ Tân đã bị tình nghi thực hiện số lượng lớn đơn bảo hiểm y tế giả mạo bằng cách sử dụng giấy tờ giả của bác sĩ. Các hiệu thuốc này được cho là đã ngụy tạo hàng ngàn đơn thuốc viết tay để yêu cầu bồi thường bảo hiểm có trị giá lên đến hơn 14 triệu USD.
Cục Quản lý An ninh Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHSA) sau đó đã thông báo kế hoạch thay đổi toàn diện đối với cách thức các nhà thuốc trên khắp toàn quốc xử lý phiếu thuốc, nhằm ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các nhà thuốc bán lẻ cung cấp thuốc cho bệnh mãn tính và thuốc “chẹn kênh canxi” (thuốc cản trở hoạt động bình thường của kênh canxi), những loại thuốc có giá trị cao và cần thiết cho bệnh nhân sẽ được yêu cầu xử lý đơn thuốc thông qua hệ thống trực tuyến mới.
Động thái này nhằm đảm bảo rằng tất cả các đơn thuốc đều có thể được theo dõi và giám sát, đồng thời ngăn chặn tội phạm sử dụng giấy kê đơn giả của bác sĩ.
Trước đây, bệnh nhân có thể mua thuốc tại các hiệu thuốc được chỉ định với đơn thuốc có chữ ký của bác sĩ. Tuy nhiên, sau khi bệnh viện cấp đơn thuốc giấy, việc theo dõi trở nên khó khăn hơn, dẫn đến tăng nguy cơ gian lận tiền bảo hiểm. Vụ việc tại thành phố Cáp Nhĩ Tân đã bộc lộ rõ những điểm yếu của hệ thống này.
Hiện nay, có đến 51 người bị nghi ngờ tham gia vào phi vụ gian lận này, bao gồm dược sĩ, chủ hiệu thuốc, bác sĩ, bệnh nhân và đại diện ngành dược. Các nghi phạm được cho là đã yêu cầu thanh toán bảo hiểm bằng cách mua các mẫu đơn thuốc trống, viết khống và đóng dấu giả của bệnh viện. Một người dân ở thành phố Cáp Nhĩ Tân đã có thể mua được 140.000 USD thuốc Avatrombopag, loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh gan mãn tính, trong vòng hai năm bằng phương pháp lừa đảo này.
Quy định mới yêu cầu nhà thuốc ở các khu vực đã có trung tâm đơn thuốc bảo hiểm y tế điện tử sẽ được yêu cầu xử lý tất cả các đơn thuốc thuốc "chẹn kênh canxi" thông qua nền tảng này bắt đầu từ năm 2025.
Các cửa hàng ở khu vực chưa triển khai trung tâm đơn thuốc bảo hiểm y tế điện tử sẽ tiếp tục sử dụng đơn thuốc giấy, nhưng phải có chữ ký của bác sĩ phụ trách bảo hiểm y tế của bệnh viện và con dấu tương ứng. Các hiệu thuốc cũng được yêu cầu lưu giữ bản sao của mọi đơn thuốc giấy trong ít nhất 2 năm.
Theo NHSA, chính phủ Trung Quốc đã ưu tiên xây dựng hệ thống đơn thuốc trực tuyến từ năm 2023. Tính đến cuối năm 2023, 26 tỉnh thành ở Trung Quốc đã triển khai các nền tảng riêng nhằm kết nối giữa bệnh viện với nhà thuốc. Thế nhưng, nhiều bác sĩ và nhà thuốc vẫn chưa bắt đầu sử dụng các hệ thống mới.
Ông Hoàng Tú Tường, cựu Tổng Thư ký Hiệp hội Phân phối Dược phẩm Hồ Nam, cho biết hệ thống đơn thuốc điện tử sẽ tăng cường trách nhiệm giải trình, vì có thể theo dõi dược sĩ nào tại bệnh viện và hiệu thuốc liên quan đã xử lý từng đơn thuốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng những quy định thắt chặt có thể khiến bệnh nhân khó tiếp cận thuốc hơn, khi các yêu cầu nghiêm ngặt có thể làm chậm thời gian xử lý hoặc khiến các bác sĩ thận trọng hơn khi kê đơn. Thế nhưng, vấn đề này đã được giải quyết bằng việc cách quy định rằng các bệnh viện có nghĩa vụ cung cấp đơn thuốc nếu họ không thể cung cấp thuốc thiết yếu cho bệnh nhân tại chỗ.
Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ tăng cường kiểm tra để đảm bảo hệ thống y tế đã thực hiện các quy định mới. Theo NHSA, đến cuối năm 2024, các phòng bảo hiểm y tế sẽ xem xét tổng quan các hệ thống hiện có về kê đơn thuốc điều trị bệnh mãn tính và bệnh đặc biệt, cũng như các loại thuốc có chi phí cao có nguy cơ gian lận.