Nằm cách Hà Nội chừng 50 km, làng cổ Đường Lâm đang là điểm đến thu hút những con người ưa hoài niệm. Bỏ quên phồn hoa của một thủ đô đang từng giờ đổi thay, tôi tà tà chạy Minsk về hướng Sơn Tây, theo tiếng gọi của những gì gọi là xưa, cũ. Khoảng cách từ trung tâm Hà Nội tới ngôi làng cổ hơn 300 năm không quá xa nên vật dụng duy nhất tôi mang theo là chiếc máy ảnh cùng một tâm trạng háo hức.
Cổng chính vào Làng cổ Đường Lâm. |
Một góc chùa Mía, ngôi chùa thờ vương phi của chúa Trịnh Tráng. |
Nét yên bình và tĩnh lặng của làng cổ Đường Lâm. |
Những bức tường xây dựng bằng đá ong khắp ngõ, xóm. |
Đường Lâm được công nhận làng cổ từ năm 2005, xếp hạng di tích gồm 12 ngôi nhà. Làng Đường Lâm có 956 ngôi nhà truyền thống, trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Thời gian tồn tại của mỗi ngôi nhà khác nhau (1649, 1703, 1850 ...) nhưng đều có đặc trưng chung. Đó là nhà cổ truyền thống đều được xây dựng từ những khối xây bằng đá ong.
Những góc tường vẫn vững chãi bất chấp thời gian. |
Tôi bước chân vào một ngôi nhà cổ ở gần giữa làng. Tiếp đón chúng tôi là một ông cụ đã ngoài 70 nhưng da dẻ hồng hào, sắc mặt còn tinh anh. Bác tên là Anh Ban. Cất giọng sang sảng ông chia sẻ: "Ngôi nhà ông đang ở được các cụ xây dựng vào năm 1750, dưới triều đại vua Lê Hiển Tông, đến năm nay đã hơn 260 năm. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc cổ của đồng bằng Bắc Bộ, theo lối nhà ngói đại hoa gồm 5 gian và hai vĩ. Hai gian buồng dùng cho các cặp vợ chồng, trẻ em sinh hoạt. Ba gian nhà ngoài, gian chính để thờ cúng tổ tiên, hai gian bên là nơi sinh hoạt của những người lớn tuổi (ông, bà, cụ ...)".
Ngôi nhà cổ của ông Kiều Anh Ban, một trong 12 ngôi nhà xếp hạng di tích. |
Đi một vòng vừa ngắm ngôi nhà vừa nghe ông giảng giải, được biết ngôi nhà gần như giữ lại tất cả những nét xưa, lối kiến trúc mà cha ông để lại. Truyền thống sinh hoạt, thờ cúng vẫn được gìn giữ. Sập gụ cổ, bàn hương án, sập thờ, khám thờ, hoành phi câu đối ... vẫn uy nghiêm, mộc mạc dù qua hàng trăm năm. Chính giữa nhà là ba chữ Hán cổ "Hậu Quyết Xương". Theo giải thích của chủ nhân ngôi nhà, ý nghĩa ba chữ là "Các cụ mong muốn cho con cháu hậu thế thừa hưởng di sản này, quyết sẽ gìn giữ gia phong nề nếp tốt đẹp mà các cụ để lại".
Đằng sau cánh cổng thô mục được bảo tồn ... |
Được biết, trải qua bao đời nay, không những kiến trúc, hình dáng, vật dụng ngôi nhà được lưu giữ mà gia phong cũng được bảo tồn. Gần trưa, chị con dâu của ông sau khi chuẩn bị cơm nước xong xuôi, lễ phép lên mời cha, mời khách dùng bữa. Tôi nhìn cái cách nói năng, cử chỉ dịu dàng, thùy mị của chị mà là lạ, bởi cũng đã khá lâu rồi tôi không gặp vẻ nết na, nhẹ nhàng vốn dĩ là bản tính trời cho của người phụ nữ.
... là cả nề nếp gia phong bao đời cũng được lưu giữ. |
Lễ phép chào tạm biệt ông Ban cùng gia đình, tôi bước qua cánh cổng gỗ lim tuổi đời gần 300 năm mà thấy lòng nhẹ bẫng. Một cảm giác dìu dịu, êm ái đầy hoài cổ lưu đọng. Đi vòng xe về phía cuối làng để về, tôi có cảm giác như đang chuẩn bị xa một nơi thân thuộc và yêu thương lắm, dù đây chỉ là lần đầu tới đây. Mặc cho những phát triển mạnh mẽ, đổi thay liên tục của xã hội hiện đại. Sự đổi thay cả về kinh tế, xã hội và con người. Nhưng làng cổ Đường Lâm vẫn trường tồn với lối kiến trúc đặc sắc của làng quê Việt Nam. Vẫn còn đó những sinh hoạt đậm chất xưa sau lũy tre làng. Và đẹp hơn, thanh cao hơn, quý giá hơn là gia phong lề lối, thuần phong mỹ tục bao đời cha ông để lại vẫn lưu giữ như nét hồn quê Việt giữa Hà Nội tấp nập, phồn hoa.
Xem thêm: