Vào ngày 16/5, Triều Tiên đã đưa ra hai tuyên bố khiến khả năng diễn ra cuộc gặp mặt bị bỏ ngỏ. Tuyên bố thứ nhất nói rằng “Hoa Kỳ sẽ phải suy nghĩ cẩn thận về số phận của Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên – Hoa Kỳ”, bởi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận trên không Max Thunder, một động thái mà Bình Nhưỡng coi là vi phạm Thỏa thuận chung Panmunjom mà nước này đã ký kết với Hàn Quốc sau cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo liên Triều vào tháng trước.
Tuyên bố thứ hai của Triều Tiên công kích trực tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và việc ông này kêu gọi thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa theo “hình mẫu Libya” (cụ thể, ông Bolton mong Triều Tiên vận chuyển toàn bộ vũ khí hạt nhân của mình cho Mỹ). Triều Tiên nói rằng nếu Mỹ tiếp tục ép nước này đơn phương “giải giáp” vũ khí hạt nhân, họ “sẽ xem xét lại việc tham gia cuộc Họp thượng đỉnh Triều Tiên – Hoa Kỳ” sắp tới.
Mặc dù đây là sự thay đổi hoàn toàn về giọng điệu của Triều Tiên, song hoạt động ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Dựa trên những tuyên bố của Triều Tiên, chúng ta có thể rút ra được những điều sau đây:
1. Triều Tiên và Mỹ không thực sự nhất trí về quan điểm như Mỹ nghĩ
Định nghĩa và trình tự của “quá trình phi hạt nhân hóa” sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp mặt Trump – Kim. Mỹ nói rằng mục tiêu của họ là Triều Tiên phải giải giáp vũ khí hạt nhân hoàn toàn, một cách xác tín và không thể đảo ngược. Trong khi đó, Triều Tiên coi việc giải giáp hạt nhân phải được cả hai bên tiến hành. Trong tuyên bố mới đây nhất, Triều Tiên nói rằng yêu cầu của ông Bolton là mối đe dọa tới sự an toàn của Triều Tiên và họ không muốn “đơn phương giải giáp vũ khí”.
Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tin rằng ông Kim có cùng quan điểm với Triều Tiên, song tuyên bố này đã làm dấy lên sự hoài nghi lớn. Sự bất đồng giữa Triều Tiên và Mỹ có thể sẽ dẫn đến thảm họa lớn, bởi nếu Mỹ tiếp tục thúc ép Triều Tiên phi hạt nhân theo mong muốn của mình, đàm phán với Triều Tiên sẽ không đi đến kết quả tốt đẹp.
2. Việc ông Kim làm tươi mới hình ảnh của mình không có nghĩa rằng Triều Tiên thay đổi quan điểm lâu năm
Quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên trong năm 2017 rất không tốt đẹp, sau khi hai bên đưa ra nhiều tuyên bố mạnh bạo để chỉ trích nhau, còn các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nên tiếp tục được áp dụng với Triều Tiên. Sang năm 2018, Triều Tiên đã có sự thay đổi khi họ liên lạc trở lại với Hàn Quốc, gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (hai lần), đồng thời bày tỏ cam kết sẽ tiến hành phi hạt nhân hóa. Ông Kim đang cho thấy rằng mình là một lãnh đạo có lý trí và đáng tin cậy.
Những động thái nhằm thay đổi hình ảnh của ông Kim và gia đình có thể là chiến lược để chứng tỏ với thế giới rằng chính phủ Triều Tiên có thể tin tưởng được. Tuy nhiên trong lúc này, truyền thông Triều Tiên vẫn tiếp tục có những phát ngôn chỉ trích Mỹ. Kể từ khi cuộc gặp mặt Trump – Kim được công bố, họ vẫn tiếp tục nói rằng Mỹ là một đế quốc hung hăng và rằng sự hỗ trợ của Mỹ đã khiến nhiều đất nước “tan vỡ”.
Tuyên bố ngày 16/5 là lần đầu tiên Triều Tiên đe dọa sẽ rút khỏi cuộc gặp mặt Trump – Kim, song đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên cảnh báo với Mỹ rằng hành động của họ đang khiến cuộc họp có nguy cơ đổ vỡ. Việc ông Kim muốn đàm phán không có nghĩa là Triều Tiên sẽ chấp nhận những yêu cầu quá mức của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp mặt lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 4. |
3. Quá trình ngoại giao Mỹ - Triều Tiên sẽ không dễ dàng
Tiến trình ngoại giao với Triều Tiên cho đến thời điểm này tưởng như rất dễ dàng, khi đầu năm 2018 Triều Tiên tuyên bố mong muốn đàm phán. Chỉ trong vòng vài tuần, các cuộc hội đàm liên Triều cấp cao được tổ chức, và trong vòng một tháng vận động viên hai nước đã cùng nhau sánh vai dưới một ngọn cờ tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang. Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc thông báo cho ông Trump về chuyến thăm Triều Tiên của mình, và từ đó cơ hội để cuộc gặp Trump – Kim diễn ra xuất hiện.
Lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc sau đó đã có cuộc gặp mặt đáng chú ý, dẫn đến việc một tuyên bố chung đã được đưa ra nói về việc chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và tiến hành phi hạt nhân hóa. Song tuyên bố ngày 16/5 của Triều Tiên là những dấu hiệu đáng lo ngại đầu tiên và nó cho thấy rằng quá trình ngoại giao với Triều Tiên sẽ không đơn giản. Một cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên sẽ gửi đi những tín hiệu tích cực, song nó cũng có thể đẩy cao căng thẳng giữa hai bên và khiến những quyết định sai lầm được đưa ra.
Dù vậy, quá trình ngoại giao giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn sẽ tiếp tục. Đã có một số dấu hiệu cho thấy Triều Tiên vẫn quan tâm đến cuộc gặp mặt với Mỹ. Ông Kim nói rằng ông sẽ cho đập bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Tuyên bố ngày 16/5 cũng nói đến “tham vọng nhằm đưa những điều chưa có tiền lệ có thể xảy ra” của ông Trump và nói rằng nếu ông không thay đổi chiến lược Triều Tiên của mình, ông sẽ “đối mặt với những hậu quả thất bại” hơn cả những người tiền nhiệm.
Đây là những dấu hiệu cho thấy Mỹ không được từ bỏ các biện pháp ngoại giao với Triều Tiên. Cuộc gặp mặt Trump – Kim có thể sẽ không giải quyết triệt để vấn đề Triều Tiên, song giá trị của nó vẫn nguyên vẹn. Cho dù không đạt được quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, các cuộc đàm phán cũng sẽ giúp Mỹ và Triều Tiên liên lạc rõ ràng với nhau, giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thu thập các thông tin tình báo về Triều Tiên và thực hiện những bước nhỏ để đảm bảo an ninh khu vực.