Ngày 5/5, người phát ngôn của Tổng thư ký (TTK) Liên hiệp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết quan điểm này được đưa ra giữa lúc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang thảo luận về việc miễn trừ bản quyền sáng chế vắc xin ngừa COVID-19 nhằm thúc đẩy hoạt động cung cấp vắc xin cho các nước đang phát triển. Người phát ngôn trên nhấn mạnh TTK kêu gọi các hãng chuyển giao công nghệ chia sẻ bản quyền cũng như giấy phép sản xuất vắc xin ngừa COVID-19.
WTO đang đánh giá những tiến triển sau 7 tháng đàm phán liên quan đến đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ về việc miễn trừ bản quyền sáng chế đối với các loại vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, những quyết định của WTO đều dựa trên sự đồng thuận, vì vậy phải có sự nhất trí của tất cả 164 thành viên. Trong một động thái liên quan, Tổng Giám đốc WTO bà Ngozi Okonjo-Iweala cùng ngày đã kêu gọi Nga xem xét tăng nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19. Bà cũng hối thúc Trung Quốc, Brazil, Cuba và Nga - những quốc gia đang phát triển các loại vắc xin ngừa COVID-19 - có hành động tương tự. Trước đó, người đứng đầu WTO cho rằng Anh cần tặng vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước nghèo, mà không nên chờ đợi dư thừa nguồn cung. Bà Okonjo-Iweala tin rằng những chiến thuật như vậy sẽ phục vụ lợi ích của cả nước nghèo và nước giàu.
Đồng quan điểm trên, cùng ngày, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ miễn trừ bản quyền vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu và sẽ đàm phán các điều khoản liên quan tại WTO. Trong một thông báo, Đại diện Thương mại Mỹ bà Katherine Tai cho biết mặc dù quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhưng Washington “ủng hộ miễn trừ các biện pháp bảo hộ đối với các loại vắc xinngừa COVID-19”. Bà Tai nhấn mạnh đây là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và những tình hình đặc biệt của đại dịch COVID-19 cần các biện pháp đặc biệt.