Đánh giá đầu tiên về cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các quốc gia trong thập kỷ tới, một thành phần quan trọng của Hiệp định khí hậu Paris, đã cho thấy rằng các quốc gia còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra.
Nếu tất cả các cam kết quốc gia đã đệ trình cho đến nay được thực hiện, lượng khí thải toàn cầu sẽ chỉ giảm 1% vào năm 2030, so với mức năm 2010. Các nhà khoa học cho biết cần phải giảm 45% trong 10 năm tới để giữ nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Bản đánh giá do Liên Hợp Quốc công bố hôm thứ Sáu, chỉ bao gồm các quốc gia chịu trách nhiệm về 1/3 lượng khí thải toàn cầu. Chỉ 75 trong số 197 nước ký kết Hiệp định Paris đã đệ trình các kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải từ nay đến năm 2030.
Một số quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, vẫn đang xây dựng kế hoách. Liên Hợp Quốc cảnh báo nếu 3 quốc gia này không trình được kế hoạch hành động, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Cop26 ở Glasgow vào tháng 11 tới sẽ thất bại.
“Năm 2021 là một năm tạm ổn để đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu. Báo cáo tạm thời lần này là một báo động đỏ cho hành tinh của chúng ta. Nó cho thấy các chính phủ không ở gần mức cần thiết để đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận Paris", Tổng thư ký António Guterres cho biết.
Các nước như Trung Quốc và Mỹ đã tuyên bố ý định đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, được coi là cam kết chính để thực hiện thỏa thuận Paris.
Tuy nhiên, ông Guterres cho biết các mục tiêu năm 2030 cũng rất quan trọng. “Các kế hoạch phục hồi sau đại dịch mang lại cơ hội xây dựng xanh hơn và sạch hơn. Các cam kết dài hạn phải được kết hợp bằng các hành động tức thì để khởi động một thập kỷ chuyển đổi mà con người và hành tinh đang rất cần", Tổng thư ký khẳng định.
Trung Quốc trong tuần tới có thể công bố kế hoạch hành động của mình trong tuần tới, khi nước này công bố kế hoạch 5 năm. Trong khi Mỹ sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn về khí hậu vào ngày 22/4 để trình bày tham vọng của mình.