Trong một thông điệp video phát tại sự kiện này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ghi nhận vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong xã hội hiện nay, trong khi cảnh báo rằng quyền của nữ giới đang giảm sút ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong thời kỳ dịch COVID-19 hoành hành. Hậu quả của cuộc khủng hoảng y tế này là trẻ em gái không được đến trường và phụ nữ không có việc làm, từ đó dẫn tới đói nghèo và bạo lực.
Trong khi đó, bà Sima Bahous - Giám đốc điều hành Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) - nhận định rằng những tiến bộ hướng tới một thế giới bình đẳng hơn đang bị hủy hoại bởi nhiều cuộc khủng hoảng phức tạp và đan xen. Theo bà, thực trạng này đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Tình trạng mất an ninh ngày càng gia tăng như là một trong những hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, trong đó phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng bị ảnh hưởng đáng kể.
Để giải quyết tình trạng này, cộng đồng quốc tế có thể đặt nữ giới vào trung tâm trong quá trình lập kế hoạch và hành động, cũng như đưa bình đẳng giới vào luật pháp và chính sách toàn cầu và mỗi quốc gia.
Tại sự kiện này, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 Abdulla Shahid khẳng định thế giới hoàn toàn có thể đạt tới một tương lai bền vững, trong bối cảnh chính phủ các nước đã thông qua nhiều khuôn khổ như Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Mặc dù vậy, ông Shahid chỉ ra rằng trong tiến trình này, mặc dù có nhiều đóng góp, nữ giới vẫn "ít được đại diện, không được hỗ trợ và không được công nhận" trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị cần thiết cho sự phục hồi bền vững. Do đó, ông cho rằng cộng đồng quốc tế cần "tăng cường các cơ chế, cung cấp cách tiếp cận và hỗ trợ phát huy tài năng, sự sáng tạo và tham vọng" của nữ giới, đồng thời "xóa bỏ các trở ngại ngăn cản phụ nữ tham gia".