Báo cáo của UNESCO cho biết nhóm đối tượng này có nguy cơ cao phải sống trong tình cảnh nghèo đói dai dẳng, trở thành nạn nhân của bạo lực giới và lạm dụng tình dục, hoặc phải gánh chịu những tác động nghiêm trọng hơn từ các hiện tượng như di cư và biến đổi khí hậu. Trước tình hình đó, báo cáo cho rằng cần có những phản ứng trên quy mô lớn để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho nữ giới, đặc biệt là phụ nữ trẻ, vì tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm này cao gấp đôi so với dân số chung. Đối tượng này cũng ít được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hơn và phải đối mặt với nhiều tác động ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Báo cáo nêu rõ bất bình đẳng ở Mỹ Latinh và Caribe tiếp tục gây ra tình trạng thiếu bền vững, đòi hỏi tất cả các bên, đặc biệt là các quốc gia, phải tăng cường các cam kết và đưa ra chính sách phù hợp để thu hẹp khoảng cách giới.
Báo cáo cũng kêu gọi triển khai cách tiếp cận toàn diện - kết hợp giữa quan điểm giới với hướng tiếp cận thế hệ đối với thanh niên và tính đa chiều của vấn đề, vì tình trạng bất bình đẳng thể hiện trong hầu hết các lĩnh vực, như giáo dục, việc làm hay chăm sóc y tế. Cụ thể, báo cáo nhấn mạnh rằng ở Mỹ Latinh và Caribe, nhiều hành vi bạo lực giới không bị trừng phạt, và tỷ lệ này lên đến gần 99% ở Colombia và Mexico. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng khiến 114 triệu học sinh trong khu vực không được đến lớp học trực tiếp, dẫn đến hậu quả là tỷ lệ bỏ học tăng cao.
Báo cáo nằm trong khuôn khổ một dự án của UNESCO phối hợp với trường Cao đẳng Mexico (Colmex) và trường Cao đẳng Khoa học Xã hội Mỹ Latinh (Clacso), nhằm truyền cảm hứng và kêu gọi hành động cụ thể để đạt được những thay đổi bền vững trong bảo đảm công lý và bình đẳng trong khu vực.