Như vậy mọi điều kiện cần thiết cho một sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc khủng hoảng Libya đã sẵn sàng và chỉ còn đợi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, dự kiến vào ngày 8 hoặc 9/1/2020 tới. Nguy cơ về một cuộc chiến ngay cửa ngõ đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu “đứng ngồi không yên”.
Trên tài khoản Twitter, ông Fahrettin Altun Giám đốc Bộ phận truyền thông thuộc phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Chính phủ Libya đã yêu cầu sự hỗ trợ quân sự từ Ankara và cũng giống như Tổng thống Tayyip Erdogan từng nói, Thổ Nhĩ Kỳ tất nhiên sẽ tôn trọng thỏa thuận giữa hai nước.
Bình luận của ông Altun đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Erdogan khẳng định, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8 hoặc 9/1/2020 sẽ bỏ phiếu về quyết định triển khai binh sĩ tới Libya nhằm hỗ trợ Chính phủ đoàn kết dân tộc chống lại lực lượng Quân đội Quốc gia Libya của Tướng Khalifa Haftar: “Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận hàng hải và thỏa thuận hợp tác quân sự với Libya. Chúng tôi hi vọng thỏa thuận sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 8 hoặc 9/1 tới và chúng tôi sẽ chấp nhận yêu cầu hỗ trợ quân sự của Libya. Chúng tôi ủng hộ chính phủ hợp pháp của Libya và sẵn sàng hỗ trợ họ.”
Được sự bật đèn xanh từ hai phía, một sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya đã gần như chắc chắn. Tuy nhiên, một cuộc can thiệp như thế liệu có giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Libya hay chỉ làm gia tăng tình hình bất ổn tại khu vực?
Ngay phía bên kia bờ Ðịa Trung Hải, nằm cách Libya chỉ hơn 300km, các nước châu Âu không khỏi lo ngại trước tình hình bạo lực leo thang ở quốc gia Bắc Phi này. Là quốc gia trực tiếp hứng chịu làn sóng người di cư từ khu vực Trung Ðông, châu Phi, Italy mới đây kêu gọi EU chuẩn bị một kế hoạch hành động nhằm đối phó khả năng có một làn sóng người tị nạn tháo chạy khỏi cuộc xung đột.
Cần phải nhắc lại, cuộc khủng hoảng Syria năm 2015 cũng là một trong những yếu tố dẫn tới Brexit, cũng như sự nổi lên của các chính phủ dân túy tại châu Âu và tại Italy. Cuộc khủng hoảng Libya nếu không được kiểm soát sẽ có thể gây ra những hậu quả chính trị đáng tiếc đối với châu Âu.
Trên thực tế, từ năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngừng theo đuổi mục tiêu lãnh đạo Trung Đông và Libya là một phần không thể thiếu trong đó. Một sự can dự tại Libya không chỉ giúp nước này gia tăng đối trọng với các kế hoạch quân sự của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Saudi Arabia và Ai Cập, mà còn giúp đánh lạc hướng dư luận khỏi những khó khăn chính trị ở trong nước.
Tuy nhiên, tham vọng Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ lại không khỏi khiến nhiều người lo ngại. Thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya cũng đi kèm với một hiệp ước phân định hàng hải trùng lấn với những khu vực thăm dò ngoài khơi đảo cac Crete và đảo Síp, khiến những nước Đông Địa Trung Hải giận giữ.
Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias nhấn mạnh: “Thỏa thuận là một sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế về biển và quyền chủ quyền của Hy Lạp và các quốc gia khác. Hành động này là bất hợp pháp và sẽ không mang lại bất kỳ kết quả mang tính pháp lý nào.”
Gần 10 năm sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Muamar Gaddafi, Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc và bạo lực leo thang. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, một được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và một ở miền Đông do tướng Khalifa Haftar dẫn đầu. Chính phủ ở Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi chính quyền ở miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Phần còn lại của đất nước thì bị xâu xé giữa nhóm nổi dậy người Touareg, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay các nhóm phiến quân đến từ Cộng hòa Chad hay Sudan, các nhóm buôn lậu và buôn người. Với một đất nước bị phân mảng, song lại có vị trí địa chiến lược quan trọng và những nguồn tài nguyên dồi dào như Libya, thì một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng, cuộc chiến tại Libya đang bước vào giai đoạn nguy hiểm./.