Vaccine là vấn đề cốt lõi trong phòng, chống dịch
Chiều 16/12, tại cuộc họp họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết 128/NQ-CP cần tiếp tục được thực hiện; việc phòng, chống dịch phải theo 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”. Tuy nhiên, việc áp dụng cần linh hoạt, sáng tạo theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Mục tiêu cần nhất hiện nay là phải hạn chế tối đa số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ca chuyển nặng và tử vong, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các biện pháp phòng, chống dịch cần được thực hiện như hướng dẫn; chống dịch bệnh xâm nhập, lây lan, nhất là tại địa bàn tập trung đông khu công nghiệp, các đô thị lớn; rà soát, xem xét lại cách chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định.
Cũng theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phòng, chống dịch nói chung, vấn đề vaccine là cốt lõi. Do đó, phải thần tốc tiêm vaccine cho người dân, phấn đấu đến 31/12/2021 hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên; đến hết tháng 1/2022 tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi. Bộ Y tế chịu trách nhiệm cung ứng đủ vaccine và vật tư, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tổ chức tiêm; các địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tổ chức các tổ lưu động tiêm vaccine cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn và có quy định, chế tài đối với những người cố tình không tiêm vaccine. Nếu thiếu vaccine, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm; nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine cho người dân thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Riêng việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên thì tiếp tục phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền xem xét.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh cải thủ tục hành chính để thúc đẩy sản xuất, cung ứng thuốc điều trị COVID-19, tổng hợp dự báo nhu cầu và khả năng đáp ứng thuốc điều trị COVID-19 để tránh bị động; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước; tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở; nghiên cứu, có đề xuất cơ chế, chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều động, bổ sung nhân lực cho các địa bàn đang có dịch; tiếp tục huy động cán bộ y tế đã về hưu, y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch.
Ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi các trường hợp mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong
Ngày 14/12, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công văn số 9136/VPCP-KGVX nêu rõ: Để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức hội nghị với các chuyên gia, nhà khoa học trong tháng 12/2021 để có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi các trường hợp mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Bệnh viện trực thuộc Trường Đại học; Y tế Bộ, ngành về việc giảm nguy cơ tử vong người bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ Y tế đánh giá: Việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong là rất cấp thiết. Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vừa an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế, Bộ Y tế đề nghị giám đốc các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ việc "Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị" theo Quyết định số 5525/QĐ- BYT ngày 1/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc và điều trị.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi tiếp nhận người bệnh, sàng lọc kỹ các đối tượng chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, kể cả các đối tượng mới tiêm 1 mũi vaccie; phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương bố trí tiêm vaccine cho các đối tượng nguy cơ khi đến khám bệnh, chữa bệnh (lưu ý với tất các trường hợp người bệnh phải nhập viện). Các đơn vị rà soát các đối tượng nguy cơ cao: Người trên 50 tuổi, người mắc các bệnh nền, suy giảm miễn dịch,... để quan tâm chăm sóc, dinh dưỡng, điều trị phù hợp và tổ chức tiêm chủng vaccine đầy đủ. Bộ Y tế yêu cầu các các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trước ngày 24/12/2021.
Hà Nội cách ly F0 tại nhà. |
Gần 82% dân số trên 18 tuổi tiêm đủ 2 liều vaccine
Cập nhật đến chiều 18/12 trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, cả nước đã tiêm gần 137,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021; trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.
Đến ngày 17/12, đã có 128.618.005 liều vaccine được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 69.254.548 mũi 1; 58.234.293 mũi 2; 985.218 mũi 3 (đối với vaccine Abdala); 4.814 liều bổ sung, 139.330 liều nhắc lại.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 97,0%; tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 81,6% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 93,8% và 75,1%; miền Trung là 94,3% và 80,8%; Tây Nguyên là 90,6% và 65,9%; miền Nam là 99,9% và 88,6%.
43/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 31 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95%;
20/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine dưới 90% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là Hà Giang (78,6%), Quảng Nam (82,0%), Cao Bằng (81,9%), Thái Bình (82,4%) và Bạc Liêu (83,1%).
17/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều trên 90%; 31/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều từ 70 – dưới 90%. 12/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều từ 50 – dưới 70%; 4/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ dưới 50% là Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Sơn La.
Về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 8.243.517 liều, trong đó có 6.306.790 liều mũi 1; 1.936.727 liều mũi 2.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 69,1% và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 21,2% dân số từ 12 -17 tuổi. Các tỉnh thành phố đã cơ bản bao phủ đủ 2 liều vaccine cho nhóm tuổi này là Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Theo kế hoạch Bộ Y tế đặt ra, chiến dịch tiêm vaccine COVID được triển khai từ tháng 7/021 tới tháng 4/022 với mục tiêu ít nhất 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine năm 2021 và hết tháng 1/022, sẽ phủ vaccine trên 70%.
Như vậy, chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam đã về đích sớm hơn dự kiến. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine của Việt Nam/dân số xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore và Campuchia, Brunei). Nếu tính cả số trẻ từ 12-18 tuổi được tiêm vaccine COVID-19, tỷ lệ dân số được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 ở Việt Nam đã đạt trên 60%.
Bộ Y tế cho biết mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 40% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine đến cuối năm 2021 và 70% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine đến giữa năm 2022.
Như vậy với hơn 60% dân số được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19, Việt Nam đã vượt 20% so với mục tiêu của WHO trong năm 2021.
Thay đổi cách thức quản lý, điều trị các trường hợp F0, F1 một cách linh hoạt
Bộ Y tế đã có các văn bản hồi đáp đề nghị của Thành phố Hồ Chí Minh về việc cho thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung còn 7 ngày đối với các trường hợp F0 không triệu chứng, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp, để thích ứng tình hình mới và bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng để thực hiện thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với các trường hợp trên. Khi hết thời gian cách ly tại cơ sở thu dụng điều trị, đề nghị thực hiện theo dõi tại nhà theo quy định, xuất viện và dự phòng lây nhiễm của Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 ban hành theo Quyết định số 4689 ngày 6/10/2021 của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá, báo cáo kết quả về Bộ Y tế hàng tháng để kịp thời điều chỉnh các quy định cho phù hợp.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ khi áp dụng hướng dẫn chẩn đoán điều trị do Bộ Y tế ban hành, đặc biệt sử dụng thuốc Molnupiravir kháng virus, đã có nhiều F0 hoàn toàn không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và mất hẳn các triệu chứng chỉ sau một tuần cách ly và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Tuy nhiên, các trường hợp trên vẫn phải tiếp tục cách ly đến hết thời gian theo quy định (14 ngày) cùng với số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày gây nên tình trạng quá tải tại khu cách ly tập trung và các bệnh viện.
Bộ Y tế cũng vừa cho phép Hà Nội xác định F0 khi có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính, thay vì xét nghiệm PCR mang giá trị khẳng định.
Cụ thể, ba trường hợp để xác định người nhiễm COVID-19 gồm: người nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính bằng kỹ thuật RT-PCR; trường hợp nghi ngờ, có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính. Test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Trường hợp thứ ba là người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm hoặc xác định mắc COVID-19 trong khoảng 14 ngày và test nhanh kháng nguyên dương tính với hai loại test nhanh khác nhau (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện). Trong trường hợp chỉ dương tính với một loại test nhanh thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người được xem là khỏi bệnh khi có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc tự test dưới sự giám sát của nhân viên y tế, đủ 10 ngày điều trị tại nhà sẽ được kết thúc cách ly.
F0 tại các cơ sở thu dung, điều trị, kể cả có bệnh nền, điều kiện ra viện là các triệu chứng lâm sàng phải hết từ ba ngày trở lên; kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc chỉ số tải lượng virus CT từ 30 trở lên, hoặc kết quả test nhanh âm tính trước ngày ra viện. Sau khi ra viện, họ tự cách ly, theo dõi tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày.
Người có bệnh nền sau khi khỏi COVID-19 tiếp tục được chuyển sang khoa điều trị chuyên môn thì áp dụng quy định về sàng lọc, theo dõi đối với bệnh nhân nội trú.
Ngày 16/12, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc cách ly y tế cho các trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Theo văn bản của Bộ Y tế, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao về bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người trong độ tuổi tiêm chủng, nhiều người thuộc trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh (gọi là F1) đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19.
Để kịp thời điều chỉnh các biện pháp đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị UBND dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung, cụ thể:
Những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19), thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú), tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo.
F1 phải tuân thủ Thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7).
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện.