Lời giải đáp cho bí ẩn lâu đời về kim tự tháp Ai Cập

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đại Kim tự tháp Ai Cập và các di tích cổ xưa khác ở Giza vốn tồn tại trên một dải đất biệt lập ở rìa sa mạc Sahara.
Lời giải đáp cho bí ẩn lâu đời về kim tự tháp Ai Cập

Vị trí khắc nghiệt này từ lâu đã là một dấu hỏi lớn đối với các nhà khảo cổ học. Một số người đã tìm ra bằng chứng cho thấy sông Nile từng chảy gần khu vực các kim tự tháp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các kỳ quan này từ 4.700 năm trước.

Một nghiên cứu mới được công bố hôm thứ Năm trên tạp chí Communications Earth & Environment đã sử dụng hình ảnh vệ tinh và dữ liệu phân tích lõi trầm tích để vẽ lại bản đồ một nhánh sông Nile khô cạn dài 64 km chôn vùi bên dưới đất nông nghiệp và sa mạc.

Tác giả chính của nghiên cứu - giáo sư Eman Ghoneim, giám đốc Phòng thí nghiệm Viễn thám không gian bằng máy bay không người lái tại khoa Khoa học Trái đất và Đại dương thuộc Đại học Bắc Carolina Wilmington - cho biết: “Mặc dù nhiều nỗ lực tái tạo lại sơ đồ dòng chảy của sông Nile đã được tiến hành nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở việc thu thập mẫu đất ở ​​​​các địa điểm nhỏ, nên việc lập bản đồ cũng chỉ giới hạn ở các phần rời rạc của hệ thống sông Nile cổ đại”.

“Đây là nghiên cứu đầu tiên cung cấp bản đồ đầy đủ về một nhánh cổ của sông Nile đã thất lạc từ lâu", giáo sư Ghoneim nói.

Ghoneim và các đồng nghiệp của cô gọi nhánh sông Nile khô cạn này là Ahramat, trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “kim tự tháp”.

Ghoneim cho biết nhánh sông cổ này có chiều rộng khoảng 0,5km với độ sâu ít nhất 25m – tương đương với sông Nile hiện nay: “Phạm vi rộng lớn của nhánh Ahramat cũng như vị trí gần với 31 kim tự tháp trong khu vực nghiên cứu cho thấy đây chắc chắn là một tuyến đường thủy có chức năng và vai trò quan trọng”.

Cô cho biết con sông đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển số lượng lớn vật liệu và nhân công cần thiết cho việc xây dựng các kim tự tháp Ai Cập cổ đại.

“Ngoài ra, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng nhiều kim tự tháp trong khu vực nghiên cứu có đường đắp cao và lối đi trang trọng chạy vuông góc với nhánh Ahramat và kết thúc ngay trên bờ sông.”

Dấu vết ẩn giấu của một tuyến đường thủy cổ đại

Ghoneim cho biết dấu vết của dòng sông không xuất hiện trong các bức ảnh chụp từ trên cao hoặc trong hình ảnh thu được từ vệ tinh quang học. Trên thực tế, cô chỉ vô tình phát hiện ra nhánh sông này khi đang nghiên cứu dữ liệu vệ tinh radar của khu vực rộng lớn hơn để tìm nguồn nước ngầm mới tại các hệ thống sông hồ cổ đại.

“Tôi là một nhà địa mạo học và nhà cổ thủy văn học nghiên cứu về địa hình. Tôi đã quen với việc nhận dạng những dấu vết như thế này. Khi làm việc với dữ liệu này, tôi nhận thấy dấu tích của nhánh sông hiện lên rất rõ ràng và điều đó là khá vô lý vì khu vực này thực sự rất xa sông Nile”.

Sinh ra và lớn lên ở Ai Cập, Ghoneim đã quen thuộc với cụm kim tự tháp ở khu vực này và luôn thắc mắc tại sao chúng lại được xây dựng ở đó. Cô đã nộp đơn lên Quỹ Khoa học Quốc gia để được tiến hành nghiên cứu thêm.

Dữ liệu địa vật lý thu thập được bằng cách sử dụng radar xuyên mặt đất và phương pháp chụp cắt lớp điện từ đã xác nhận đây là một nhánh cổ xưa của sông Nile. Hai lõi đất dài mà nhóm khai thác bằng thiết bị khoan đã tiết lộ trầm tích cát tương ứng với một dòng sông có độ sâu khoảng 25 mét.

Theo nghiên cứu, có thể có vô số ngôi đền vẫn đang bị chôn vùi dưới những khu đất nông nghiệp và sa mạc dọc theo nhánh Ahramat.

Nguyên nhân tại sao nhánh sông này lại khô cạn hay biến mất vẫn chưa được lý giải. Ghoneim cho biết rất có thể đã xảy ra một thời kỳ hạn hán và hiện tượng sa mạc hóa đã cuốn cát vào khu vực, làm phù sa sông dâng cao.

Nick Marriner, nhà địa chất học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp ở Paris, cho biết nghiên cứu đã chứng minh rằng vào thời điểm các kim tự tháp được xây dựng, địa lý và cảnh quan sông Nile khác biệt đáng kể so với ngày nay. Ông không tham gia vào nhóm nghiên cứu nhưng đã từng tiến hành nghiên cứu về lịch sử sông ngòi của Giza.

Marriner cho biết: “Nghiên cứu này là một manh mối quan trọng trong việc tái hiện lại cảnh quan thời cổ đại. Bằng cách kết nối những mảnh ghép này lại với nhau, chúng ta có thể có được bức tranh rõ ràng hơn về vùng đồng bằng ngập nước sông Nile vào thời điểm xây dựng kim tự tháp và cách người Ai Cập cổ đại khai thác môi trường của họ để vận chuyển vật liệu phục vụ việc xây dựng những kì quan vĩ đại.”

Theo CNN
Cận cảnh vị trí nơi trước đây từng tồn tại 02 bức tường ngăn cách lối đi riêng giữa hộ gia đình ông Cường và bà Loan.
Người dân “gặp khó” khi thực hiện theo chỉ đạo của chính quyền?
(Ngày Nay) - Trong quá trình thực hiện chỉ đạo của UBND phường Kim Mã, đó là phục hồi nguyên trạng bức tường ngăn cách giữa hai hộ đã bị hàng xóm phá sập trong quá trình xây dựng nhà, gia đình ông Nguyễn Phi Cường đã bị hàng xóm ngăn cản, chửi bới, thậm chí đe doạ tính mạng. Chính quyền địa phương dù đã nắm được sự việc, nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để…
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân. Ảnh: 123rf
Tỉ lệ phụ nữ Hàn Quốc chọn sống độc thân ngày càng cao
(Ngày Nay) - Ở bất cứ đâu, việc tìm kiếm một nửa để đồng hành suốt cuộc đời đều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, giới trẻ Hàn Quốc lại càng cảm thấy khó khăn hơn khi những tiêu chuẩn về một người bạn đời lý tưởng ngày càng cao, trong khi cơ hội để gặp gỡ và tìm hiểu nhau lại khá hạn chế.
Ảnh minh họa: TTXVN
10 đối tượng được miễn thu phí sử dụng đường bộ cao tốc
(Ngày Nay) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.