Ngày 21/8/2024, trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế không khí sạch vì bầu trời xanh 7/9, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres chỉ rõ 99% nhân loại đang phải hít thở không khí ô nhiễm, dẫn đến ước tính 8 triệu ca tử vong sớm, trong đó có hơn 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi.
Trước đó, hồi 05/3/2024, theo kết quả số liệu quan trắc từ hệ thống AirVisual của tổ chức IQAir (Thụy Sỹ), Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) trung bình tại Hà Nội lúc 7 giờ sáng là 241 đơn vị, đứng đầu thế giới về tình trạng ô nhiễm không khí, thể hiện rõ ràng qua hình ảnh bầu trời thủ đô chìm trong sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế.
Tình trạng ô nhiễm đang làm ảnh hưởng đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, bao gồm phụ nữ, trẻ em và người già. Để góp phần cải thiện tình hình, việc theo dõi và đo lường AQI bắt đầu nhận được sự quan tâm chú ý.
Chỉ số Chất lượng không khí AQI là gì?
Năm 2019, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quyết định 1459 hướng dẫn kỹ thuật tính toán, công bố Chỉ số Chất lượng Không khí AQI. Theo đó, hướng dẫn cách đo AQI được áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các tổ chức, cá nhân có tham gia vào mạng lưới quan trắc môi trường và tham gia vào việc công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng.
Hướng dẫn Chỉ số Chất lượng Không khí AQI |
AQI là một thước đo được sử dụng để đánh giá và thông báo mức độ ô nhiễm không khí trong một khu vực cụ thể. AQI dựa trên các nồng độ của các chất gây ô nhiễm chính trong không khí như PM2.5, PM10, ozone (O₃), carbon monoxide (CO), sulfur dioxide (SO₂) và nitrogen dioxide (NO₂). AQI cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được thể hiện qua một thang điểm dao động từ 0 đến 500, mặc dù chất lượng không khí có thể được chỉ số vượt quá 500 khi có mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm cao hơn. Chất lượng không khí tốt dao động từ 0 đến 50, trong khi số đo trên 300 được coi là nguy hại.
Các ứng dụng đo lường Chất lượng Không khí AQI miễn phí có thể cài đặt dễ dàng trên điện thoại: IQAir AirVisual, Plume Labs: Air Quality, AirMatters, Blueair, Shoot! I Smoke,… |
Những ứng dụng đo lường AQI là công cụ đắc lực hỗ trợ người dân theo dõi mức độ ô nhiễm của không khí, chúng có thể dễ dàng cài đặt và sử dụng trên điện thoại thông minh. Các ứng dụng này thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm cơ quan chính phủ, hình ảnh vệ tinh và thông tin từ cư dân địa phương, từ đó cung cấp cảnh báo theo thời gian thực về chất lượng không khí. Thông tin về chất lượng không khí kết hợp với thời tiết được cập nhật liên tục, giúp người dùng nắm bắt kịp thời tình hình để thay đổi lộ trình, thói quen sinh hoạt hàng ngày hay lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời như đi du lịch, dã ngoại, hòa nhạc, hay thi đấu thể thao. Những khuyến cáo cụ thể hơn cũng có thể được đưa ra khi AQI cho thấy mức độ ô nhiễm đang tăng cao, như hạn chế ra ngoài, hay đeo khẩu trang có thể tránh bụi mịn...
Trang Nguyễn có sở thích vẽ ký họa đường phố Hà Nội, cô cho biết bản thân thường xuyên kiểm tra ứng dụng AQI để theo dõi chất lượng không khí trước khi ra ngoài: “Mặt tôi mà cứ nổi mẩn là y như rằng do lượng bụi mịn dày. Thói quen theo dõi AQI giúp tôi lựa chọn thời điểm và khu vực vẽ một cách an toàn nhất cho sức khỏe của bản thân.” Việc theo dõi AQI cho phép Trang điều chỉnh kế hoạch vẽ, tránh các khu vực có chỉ số ô nhiễm cao, giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề hô hấp. Cô cũng thường xuyên chia sẻ những tin tức về AQI hàng ngày lên mạng xã hội. Sự quan tâm của Trang đối với chất lượng không khí cũng phản ánh một ý thức cộng đồng mạnh mẽ, nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí và khuyến khích những người xung quanh chú ý hơn đến môi trường.
Việc theo dõi AQI cho phép Trang điều chỉnh kế hoạch vẽ ngoại cảnh, tránh các khu vực có chỉ số ô nhiễm cao, giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề hô hấp. |
Biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường
Khi người dùng nhận cảnh báo chỉ số AQI cao từ ứng dụng và theo khuyến cáo không ra ngoài, việc chia sẻ thông tin này trên mạng xã hội không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn có tác động tích cực đến cộng đồng. Khi nhiều người hạn chế di chuyển, lượng khí thải từ phương tiện giao thông giảm, góp phần làm giảm mức độ ô nhiễm không khí tổng thể. Hơn nữa, việc lan tỏa thông tin cũng giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích mọi người cùng hành động để bảo vệ môi trường. Điều này tạo ra một vòng tròn tích cực: hành động của từng cá nhân giúp bảo vệ bản thân, đồng thời giảm áp lực ô nhiễm từ giao thông, và xa hơn là cải thiện chất lượng không khí cho toàn bộ cộng đồng.
Không chỉ vậy, phần Tin tức của các ứng dụng đo lường còn cung cấp nhiều thông tin, kiến thức hữu ích liên quan đến sức khỏe, môi trường, cách giảm thiểu tác động ô nhiễm không khí, hay làm sao để tham gia vào những chiến dịch cải thiện chất lượng không khí, các hoạt động bảo vệ môi trường.
Chỉ số Chất lượng Không khí AQI đo vào chiều 25/8/2024 ở khu vực Hai Bà Trưng, trung tâm thành phố cao hơn so với khu vực Long Biên, phía Đông Bắc thành phố Hà Nội. |
Mặc dù ứng dụng đo lường AQI mang lại nhiều lợi ích và nhận được sự quan tâm, nhưng những ứng dụng này chưa thực sự phổ biến đối với người dân Việt Nam. Một trong những vấn đề chính là thiếu nhận thức của về tầm quan trọng của việc theo dõi chỉ số chất lượng không khí. Một bộ phận khác còn gặp khó khăn về kỹ thuật khi tải và sử dụng các ứng dụng này, đặc biệt là những người không quen với công nghệ, hoặc tiếp cận internet còn nhiều hạn chế.