Theo thông tin trên báo An ninh Thủ đô, dự đoán với báo giới về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 có khả năng sẽ thấp hơn năm 2016 (trung bình 12,4%).
Lý giải điều này, ông Phạm Minh Huân phân tích, hiện nay so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam có năng suất lao động khá thấp. Nếu chi phí cho người lao động quá lớn, doanh nghệp sẽ không còn khả năng để đổi mới công nghệ. “Nếu chúng ta dồn cho lương tối thiểu quá lớn, doanh nghiệp sẽ không còn gì để đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị để tăng năng suất lao động. Đây là thách thức lớn trong vấn đề tăng lương tối thiểu vùng” - Thứ trưởng nói.
Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 có khả năng sẽ thấp hơn năm 2016. (Ảnh minh họa)
Chia sẻ trên báo Dân Trí, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho biết, đầu năm 2016, Tổng LĐLĐ VN đã triển khai khảo sát đánh giá việc tăng lương tối thiểu theo NĐ 122/2015/NĐ-CP, thu nhập đời sống người lao động. Mức lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Trong năm 2017, việc tăng lương tối thiểu khó có khả năng bù đắp hết còn số 20%.
Do vậy, để đảm bảo quyền lợi người lao động và theo tinh thần pháp luật. Tổng LĐLĐ VN vẫn kiên trì quan điểm tăng lương tối thiểu dần đảm bảo đời sống người lao động. Theo ông Quảng, mỗi năm tăng lên không dưới 10%, mới đáp ứng đúng lộ trình.
Trước đó, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng việc chuẩn bị của Hội đồng tiền lương quốc gia về tình hình lương tối thiểu vùng cho năm 2017 sẽ kỹ lưỡng hơn.
Với sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng như vậy, ông Phòng tin rằng năm nay sẽ sớm có được sự đồng thuận của các bên trong câu chuyện lương tối thiểu vùng.
Ông Phòng cho biết thêm, thông thường mức tiền lương tối thiểu chỉ nên bằng khoảng 40-60% tiền lương bình quân trên thị trường là phù hợp. Bởi nếu để mức lương tối thiểu quá cao thì về bản chất, lương tối thiểu đã trở thành mức lương thực trả cho người lao động bởi việc tăng mức lương tối thiểu quá cao còn có thể gây tác động tiêu cực ngoài ý muốn như ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.
Được biết, từ ngày 1/1/2016, mức lương tối thiểu vùng 2016 (Nghị định số 122/2015/NĐ-CP) và BHXH bắt buộc theo Luật BHXH (số 58/2014/QH13) chính thức được áp dụng.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng 2016 là:
- Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng;
- Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng;
- Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng;
- Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.
Mức đóng BHXH xã hội bắt buộc như sau:
- Người lao động đóng BHXH bằng 8% tiền lương tháng (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất).
- Người sử dụng lao động đóng bằng 18% tiền lương tháng (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản).
- Tổng tỷ lệ đóng BHXH là 26% tiền lương tháng.
Tính trung bình, mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng.
Q.M (t/h)