Tình trạng mua bán, vận chuyển các loại ma tuý tổng hợp với số lượng lớn từ khu vực “Tam giác vàng” (biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar) về Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi ấy, điểm vướng với ngành hải quan không chỉ bởi các quy định của pháp luật hiện hành mà còn ở đầu tư trang thiết bị.
Trộn ma túy vào cả... mắm tôm
Tại buổi họp báo chiều 17/5, ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng phòng Kiểm soát ma túy, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải Quan cho biết, trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý đang diễn biến phức tạp.
Các loại ma tuý tổng hợp dạng đá trước đây hầu như ít được giao dịch. Tuy nhiên, từ giữa năm 2017 đến nay, tình trạng mua bán, vận chuyển các loại ma tuý tổng hợp dạng viên và dạng đá kèm theo heroin với số lượng lớn từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào về Việt Nam có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân theo ông bởi đường biên giới chung giữa 2 nước Việt Nam - Lào dài, việc qua lại du lịch, buôn bán, đầu tư của nhân dân thuận lợi. Ngoài ra, quan hệ thương mại tăng cao cũng khiến lượng phương tiện qua lại 2 bên biên giới gia tăng và dễ dàng hơn.
Điều đáng chú ý khác được ông Thủy nêu lên là hiện nay tội phạm sản xuất ma tuý tổng hợp ở Trung Quốc đã chuyển địa bàn sang Myanmar và Lào, sau đó tìm cách đưa về Việt Nam qua biên giới các tỉnh.
Một vụ việc điển hình được nêu lên là ngày 20/3, hải quan phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ 13 đối tượng, thu giữ 300 kg ma túy đá. Đường dây này do các đối tượng quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc câu kết với một số đối tượng người Lào và Việt Nam tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia. Lượng hàng này từ khu Tam giác vàng, đưa qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) về Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó tìm cách đưa sang Đài Loan tiêu thụ.
Mới đây nhất, ngày 11/5, lực lượng chức năng đã triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép 500kg ma túy Ketamine từ nước ngoài vào địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để trung chuyển bằng đường biển sang nước thứ 3 tiêu thụ. Đường dây này do các đối tượng người Đài Loan cầm đầu.
Ở hướng khác, theo đại diện ngành hải quan là tội phạm thường xuyên lợi dụng hình thức vận chuyển hàng hoá qua đường hàng không, tuyến bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh để vận chuyển trái phép các chất ma tuý. Thủ đoạn của các đối tượng là chia nhỏ số lượng ma túy trà trộn vào hàng hóa, khai tên, địa chỉ người gửi, người nhận không rõ ràng.
Chưa kể, các đối tượng còn pha, tẩm tiền chất và ma túy vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, nước hoa, các loại thực phẩm phổ biến như bánh kẹo, thuốc lá, chè khô, càphê, mắm tôm, dầu gió và các loại bột.
Chưa có cơ chế đặc thù?
Nói về những khó khăn, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục hải quan cho rằng, tội phạm ma tuý đặc biệt nguy hiểm với thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi, tổ chức chặt chẽ bậc nhất trong các loại tội phạm hiện nay.
Tuy nhiên, trang bị, đầu tư với ngành hải quan đã có thời gian sử dụng lâu, lạc hậu và khó đáp ứng yêu cầu về lâu dài.
Góp ý thêm, ông Nguyễn Văn Thủy nêu thực tế, nếu không có máy móc, việc kiểm tra một ôtô nghi ngờ giấu ma túy rất khó và mất thời gian. Có trường hợp lực lượng chức năng phải tháo cả xe vì các đối tượng giấu kỹ trong các vách ngăn.
Ngoài ra, vị này nhận xét, các đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy hiện ngày càng manh động bởi với số lượng ma túy lớn, các đối tượng xác định "bị bắt là chết."
Lực lượng hải quan với thế đặc biệt là nhiều cửa khẩu ở xa trung tâm tỉnh, các trinh sát phải liên tục bám địa bàn đối tượng. Trong khi ấy, theo ông Thủy, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý của ngành hải quan chưa có chính sách đặc thù như hỗ trợ mức phụ cấp 20% giống với một số lực lượng khác.
Một điểm khó khác được đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu nêu lên là các quy định về thẩm quyền và nhiệm vụ của cơ quan hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới còn hạn chế.
Theo ông Hùng, tại một số địa phương, có nhiều vụ việc, do yêu cầu nghiệp vụ, lực lượng công an, bộ đội biên phòng đề nghị không tiến hành bắt giữ tang vật ngay mà để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ câu nhử bắt đối tượng.
Tuy nhiên, khi không bắt được đối tượng thì công tác bàn giao hồ sơ, tang vật vụ án theo quy định của pháp luật gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân vì điều kiện tố tụng đối với các vụ án ma tuý là phải có tang vật và đối tượng để điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can...
Đại diện Tổng cục Hải quan đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm mua sắm, bổ sung máy soi container, máy soi hàng hóa, nhất là các loại thiết bị chuyên dụng hiện đại phát hiện ma túy... để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, cần có chính sách đặc thù, hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý của ngành hải quan theo hướng tương đương với chính sách hỗ trợ lực lượng Công an (hưởng với mức phụ cấp 20%).../.