May áo mới cho cồng, chiêng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cuối năm, sau mùa gặt, khi thóc lúa đầy kho là lúc các hộ dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên tổ chức các hoạt động ăn mừng cho một năm mùa màng bội thu và chuẩn bị chào đón năm mới.
May áo mới cho cồng, chiêng

Người dân tộc Jrai vùng biên giới xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) cũng đang tất bật chuẩn bị những tiệc cúng mừng, đặc biệt ở đây còn có một nét văn hóa độc đáo đặc trưng vùng đất đỏ bazan, đó là may áo cho cồng, chiêng.

Theo ông Ksor Tuâng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O, người dân tộc Jrai ăn Tết theo dương lịch nên cứ gặt vụ lúa xong là bà con tổ chức nhiều lễ hội. Đối với họ, những lễ hội này không thể thiếu tiếng cồng, chiêng vì cồng chiêng là tài sản vô giá của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Để bảo vệ cho những bộ cồng, chiêng được mới, an toàn, các nghệ nhân của làng thường tổ chức đan áo cho chúng mỗi năm. Những chiếc áo này ngoài tác dụng giữ tránh thất lạc, còn có tác dụng giữ sạch, tránh va chạm làm vỡ, móp méo các bộ cồng chiêng của dân làng. Ngoài ra, chiếc áo còn là vật trang trí đẹp mắt khi những bộ cồng, chiêng được treo trong nhà rông truyền thống.

Để bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa tại Tây Nguyên, nghệ nhân buôn, làng tự mình đi chặt mây, vót tre, nứa và đan thành những chiếc áo xinh xắn cho các bộ cồng, chiêng của làng hoặc của gia đình. Bộ áo tiện lợi nhất là khi làng có lễ hội, đám ma, đám cưới thì các bộ cồng, chiêng được di chuyển từ nơi này đến nơi khác gọn gàng hơn.

Già làng Hyai, làng Mít Jep, xã Ia O, chia sẻ: Trước đây mây, tre nhiều dễ tìm nguyên liệu, nay mây, tre khan hiếm nên nguyên liệu đan áo cho cồng, chiêng cũng khó tìm hơn.Tuy nhiên, điều thuận lợi là hầu hết đàn ông người Jrai đều biết đan lát nên việc truyền dạy cho thế hệ trẻ cũng thuận tiện hơn.

Anh Siu Phưnh, 30 tuổi, làng Mít Jep, cho hay việc học đan áo cho chiêng cũng khá đơn giản vì từ nhỏ đàn ông Jrai đã được cha ông dạy đan lát rồi. Cái khó ở đây là đan các họa tiết trên áo sao cho bền, đẹp thì đã có nghệ nhân cầm tay chỉ việc, rồi tách ra làm từ từ sẽ có kinh nghiệm.

Như thông lệ, cứ xong mùa gặt, các nghệ nhân lại bảo con trai trong làng đi chặt mây, chặt tre, nứa về đan áo cho những bộ cồng, chiêng trong làng. Các nghệ nhân sẽ đảm nhiệm công đoạn uốn mây thành các khung áo rồi đưa cho con, cháu đan như đan gùi.

Khi đến các họa tiết hoa văn, các nghệ nhân lại chính tay mình thực hiện và hướng dẫn cho lớp trẻ. Để đan xong một chiếc áo mới cho một bộ cồng, chiêng mất khoảng 3 ngày. Chiếc áo sau khi hoàn thành còn được gắn nơ hai bên quai với màu sắc rất đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.

Những bộ cồng, chiêng của làng Mít Jep hằng năm vẫn luôn được thay áo mới như một sự cảm ơn vì đã góp phần gìn giữ những chiếc cồng, chiêng an toàn. Công việc đan áo cho cồng, chiêng cũng đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Mỗi chiếc áo được làm từ mây, tre, nứa sẽ có giá khoảng 1,5-1,6 triệu đồng nếu có người đặt mua. Người Jrai quan niệm cồng chiêng là tài sản quý giá cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, nếu không tự đan được thì họ cũng sẽ bỏ tiền ra mua.

Theo ông Ksor Huyên, 76 tuổi, nghệ nhân đan áo cho chiêng, làng Mít Jep, đan áo cho cồng, chiêng tức là để bảo vệ tài sản quý giá của địa phương; không để bị thất lạc, mòn, cũ, hư hỏng cồng, chiêng.

Nhiều gia đình không đan thì cũng thỉnh thoảng mua những bộ áo mới để bảo vệ các bộ cồng, chiêng của gia đình. Để duy trì việc đan áo cồng chiêng của người Jrai, xã tập trung vận động bà con trồng một số cụm tre để có nguyên liệu đan áo cho cồng, chiêng. Làng Mít Jep hiện còn 4 nghệ nhân chuyên đan áo cho cồng, chiêng, nên rất tích cực vận động và hỗ trợ các nghệ nhân này truyền dạy cho con, cháu, thế hệ trẻ trong làng.

Theo bà Ksor H'Nga, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ia Grai, cồng, chiêng được coi là một trong những tài sản quý của cộng đồng người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần. Mỗi bộ cồng, chiêng đầy đủ có khoảng hơn 20 chiếc, trị giá hàng chục triệu đồng, nhưng do công tác cất giữ, bảo quản không thống nhất, nên nhiều bộ bị thất lạc.

Hoặc trong quá trình di chuyển, người dân mang vác làm rơi vỡ khiến âm thanh cồng, chiêng bị méo mó. Việc người dân làng Mít Jep, xã Ia O thiết kế, đan áo, giúp bảo quản những bộ cồng chiêng còn nguyên hiện trạng, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.