‘Mẹ hiền’ không được đánh

(Ngày Nay) - Người ta thường ví “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Vậy nhưng tình trạng “mẹ hiền” bị bệnh nhân hoặc người nhà hành hung lại trở thành vấn nạnnhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại các quốc gia đang phát triển và đông dân như Ấn Độ. 
‘Mẹ hiền’ không được đánh

1.     Tháng 3/ 2017, Rohan Mhamunkar, một bác sĩ chỉnh hình 35 tuổi, làm việc tại Bệnh viện đa khoa Dhule thuộc bang Maharashtra, Ấn Độ tiếp nhận hai người đàn ông bị thương nặng trong một vụ tai nạn xe máy được gia đình đưa tới bệnh viện cứu chữa. Một người chấn thương nghiêm trọng ở đầu, gây xuất huyết tai, mũi và miệng.

Bác sỹ Mhamunakar khuyên người nhà rằng bệnh nhân cần chiếu chụp vùng chấn thương. Tuy nhiên, gia đình để lại người bệnh và bỏ đi. Khi người đàn ông này tử vong vài giờ sau đó, nhiều người nhà đã quay lại bệnh viện Dhule và hành hung bác sỹ Mhamunkar, cáo buộc ông chần chừ trong việc điều trị và không chuyển bệnh nhân tới trung tâm y tế có bác sỹ chuyên khoa thần kinh. Bác sỹ Mhamunkar bị đánh gãy xương và chấn thương ở mắt, đứng trước nguy cơ mù lòa.

‘Mẹ hiền’ không được đánh ảnh 1Ảnh minh họa

Tháng 9/2017, Achutha Reddy – bác sỹ tâm thần học người Mỹ gốc Ấn, 57 tuổi – bị đánh đến tử vongở bang Kansas, Mỹ sau một cuộc tranh cãi với bệnh nhân. Kẻ sát nhân đã truy sát bác sỹ Reddy từ phòng khám của ông ra con hẻm gần đó. Các bác sỹ và cộng đồng dân cư bang Kansas cho rằng cái chết của bác sỹ Reddy là “mất mát bi thương” cho xã hội.

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ tấn công nghiêm trọng nhằm vào bácsỹ ở Ấn Độ và Mỹ trong những năm gần đây. Thực tế cho thấy bạo lực nhằm vào bác sỹ và các nhân viên y tế đã trở thành hiện tượng xã hội mang tính toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 8% - 35% nhân viên y tế, đặc biệt là y tá, nhân viên phòng cấp cứu, nhân viên trực tiếp cung cấp dịch vụ y tế,từng bị bạo hành trong thời gian hành nghề. Phần lớn bạo hành do các bệnh nhân và người nhà gây ra. Ngày càng nhiều bác sỹ bị đe dọa hoặc phải chịu đựng những lời lẽ công kích.

Tại Mỹ, hơn 100 nhân viên y tế đã thiệt mạng vì bạo lực (giai đoạn 1980-1990); 57% nhân viên y tế phòng cấp cứu bị đe dọa bằng vũ khí (giai đoạn 1990-1995). Thống kê của Hội điều dưỡng Mỹ cho thấy trong năm 2014, 21% điều dưỡng bị xâm hại thân thể, hơn 50% bị hành hung bằng lời. Tại Trung Quốc, năm 2010 có hơn 17.000 vụ bạo hành nhằm vào nhân viên trực tiếp cung cấp dịch vụ y tế. Tại Ấn Độ, trên 75% bác sỹ đương đầu với nạn bạo hành ở nơi làm việc.

WHO khẳng định bạo lực nhằm vào các bác sỹ, nhân viên y tế là không thể chấp nhận. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của các “mẹ hiền” mà còn ảnh hưởng tới động lực làm việc của họ. Hậu quả là chất lượng y tế giảm sút và nghề chăm sóc sức khỏe trở nên nguy hiểm; nó cũng khiến ngành y bị thiệt hại không nhỏ về tài chính. Một nghiên cứu gần đây tại Anh cho thấy, 25% bác sỹ bị bạo hành gặp stress trong 2 tuần, 21% bị stress trong 3 tuần, 7% bị stress kéo dài hơn. Nếu các bác sỹ vẫn phải làm việc trong giai đoạn này thì chắc chắn chất lượng khám, chữa bệnh sẽ không hiệu quả như bình thường. Như vậy, bệnh nhân đến khám, chữa bệnh phải gánh chịu hậu quả của việc bạo hành này.

Theo Tạp chí Y học Quốc gia Ấn Độ (The National Medical Journal of India), một số nguyên nhân chính dẫn tới nạn bạo hành bác sỹ và nhân viên y tế ở các nước đang phát triển, trong đó có Ấn Độ, gồm:

Thứ nhất, hình ảnh bác sỹ “hoen ố” trong mắt công chúng, trong khi truyền thông đôi khi “đổ dầu vào lửa”. Tại Ấn Độ, bác sỹ từng là nghề được xã hội nể trọng. Nhưng gần đây, việc một số bác sỹ tư đặt tiền bạc lên trên hết đã khiến người dân có ấn tượng không tốt về ngành y. Hình ảnh “áo blouse trắng” càng xấu đi bởi sự kích động của các tin tức truyền thông, vốn hay hùa với công chúng chỉ trích bác sỹ trong các vụ việc “mẹ hiền” bị cáo buộc cẩu thả, dù đôi khi cáo buộc này vô lý. Chẳng hạn một phóng viên truyền hình ở thủ đô Delhi (Ấn Độ) có thể tường thuật cảnh đám đông bệnh nhân phản đối bệnh viện không cấp thuốc chống sốt rét cho một bệnh nhân…sốt xuất huyết vừa tử vong. Điều này khiến khán giả nghĩ rằng không cấp thuốc chống sốt rét cho nạn nhân là sự vô trách nhiệm của bác sỹ.

Thứ hai là điều kiện y tế thảm hại mà bệnh nhân phải trải qua ở các bệnh viện công. Bệnh nhân và người nhà cảm thấy bực bội trước cảnh chen chúc, thủ tục hành chính rườm rà, xếp hàng rất lâu mới được gặp bác sỹ. Ở nhiều bệnh viện, 2-3 bệnh nhân nằm chung 01 giường, trong khi vệ sinh bẩn thỉu. Ngoài ra, người dân thất vọng với những vấn đề mang tính hệ thống ở các bệnh viên công, từ trang thiết bị cũ kỹ cho tới việc thiếu hụt nhân viên y tế. Ở Ấn Độ, chỉ có hơn 106.000 bác sỹ ăn lương Nhà nước, phục vụ hơn 1,2 tỷ dân nên áp lực rất lớn.

Thứ ba là sự mất niềm tin vào luật pháp. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân và người nhà bất bình, không tin vào sự phán xử của tòa án. Nhiều người nghĩ rằng bác sỹ có thể trốn tội. Do vậy, họ sử dụng “luật rừng” bạo hành bác sỹ, thay vì chờ công lý. Ở Ấn Độ, một số người nhà bệnh nhân cho rằng tấn công bác sỹ sẽ không bị trừng phạt.

Thứ tư là thiếu hiểu biết về y học. Mặc dù bệnh nhân thiệt mạng vì bệnh tật trước đó song vẫn có những lời đồn đại hoặc cáo buộc sai nhằm đổ lỗi cho bác sỹ, nhân viên y tế. Trong lúc người nhà đau khổ trước sự ra đi hoặc hấp hối của bệnh nhân, các bác sỹ rất khó đưa ra lời giải thích thỏa đáng. Bên cạnh đó, có những bệnh nhân và người nhà kỳ vọng quá mức vào công nghệ y tế hiện đại. Khi kết quả không như mong đợi, họ trút sự giận dữ lên đầu bác sỹ.

Thứ năm là chi phí y tế gia tăng. Đây là lý do chính khiến quan hệ giữa bác sỹ và bệnh nhân đổ vỡ. Ngay cả ở quốc gia phát triển như Mỹ, khoảng 1/2 số vụ vỡ nợ cá nhân có liên quan tới việc chi trả hóa đơn y tế. Ở Ấn Độ, nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nợ nần và nghèo đói vì phải chi trả tiền chữa bệnh. Sự tức giận, đau khổ của gia đình người bệnh vì mất tiền, thậm chí mất người thân, là điều có thể hiểu được. Nhiều vụ hành hung bác sỹ đã xảy ra vào đúng thời điểm gia đình bệnh nhân phải trả hóa đơn viện phí.

Thứ sáu là quan hệ bất bình đẳng giữa bệnh nhân và bác sỹ, nhân viên y tế. Nhiều người làm dịch vụ y tế có thái độ bề trên, kiêu căng, lời lẽ cục cằn, thích ban phát ân huệ và không cảm thông với bệnh nhân. Nhiều người bệnh bức xúc nhưng không dám phản ánh vì sợ nói ra bác sỹ “không cứu, không ban ơn”.

Cuối cùng là an ninh tại các cơ sở y tế lỏng lẻo. Do thiếu kinh phí, nhiều bệnh viện công không thuê đủ nhân viên an ninh chuyên nghiệp, có nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc bạo hành bác sỹ.

2.     Các chuyên gia y tế thế giới cho rằng để giải quyết nạn bạo hành bác sỹ ở tầm vĩ mô,chính quyền các quốc gia cần ban hành luật, chính sách chống bạo hành y tế. Để giúp làm được điều này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã ban hành bản Hướng dẫn giải quyết nạn bạo lực trong ngành y tế. Tại Ấn Độ, từ tháng 3/2009, bang Maharashtra đã ban hành Luật chống bạo hành y tế, theo đó có các điều khoản quy định rõ ràng mức xử phạt tăng nặng với hành vi bạo hành các cán bộ y tế đang chăm sóc bệnh nhân, cũng như mức đề bù trang thiết bị tài sản bị phá hoại của các cơ sở y tế.

Các nhà chức trách ở nhiều quốc gia đã bắt đầu tính đến phương án cần thiết để bảo vệ các bác sĩ trước các đối tượng quá khích trong môi trường bệnh viện. Để tăng cường an ninh, các bệnh viện ở Mỹ kiểm soát bệnh nhân bằng thẻ nhận dạng và thiết lập một đội ngũ an ninh riêng để bảo vệ bệnh nhân và nhân viên bệnh viện. Các dịch vụ y tế tại quốc gia này cũng có một bộ quy tắc riêng,  trong đó chú ý đến các hành động, lời nói với bệnh nhân, bác sĩ cần phải đúng mực. Chỉ cần có một hành động quá khích, nhân viên an ninh hoặc cảnh sát sẽ yêu cầu người đó phải rời đi.

Trước các vụ bệnh nhân, hay người nhà bệnh tấn công bác sĩ gần đây, một số bệnh viện lắp đặt máy phát hiện kim loại tại các cửa ra vào, đồng thời hạn chế số khách thăm viếng trong khoảng thời gian nhất định. Nhiều bệnh viện Mỹ còn tăng cường thêm camera và các nút báo động. Tại Úc, chính quyền tiểu bang Tây Úc tuyên bố sẽ chi khoảng 2,2 triệu AUD (tương đương 39 tỷ VND) trang bị cho y bác sĩ, nhân viên bảo vệ tại các bệnh viện công áo vét chống đâm cùng chuông báo động để bảo vệ họ trước những bệnh nhân bạo lực hoặc say ma túy. Theo kế hoạch trên, trong vòng 3 năm tới, khoảng 250 chiếc áo chống đâm sẽ được cung cấp chủ yếu cho nhân viên an ninh tại các bệnh viện, trong khi khoảng 2.500 chuông bấm báo động được trao cho y bác sĩ. Việc trang bị áo vét chống đâm và chuông báo động sẽ ưu tiên cho những nơi có nhiều nguy cơ xảy ra bạo hành như khoa cấp cứu, phòng hộ sản và bệnh viện tâm thần…

Về phía bác sỹ, họ cần cải thiện quan hệ với bệnh nhân và người nhà, nhất là học các kỹ năng giao tiếp. Ngành y thế giới cũng đã đúc kết 03 nguyên tắc nhân viên y tế cần lưu ý để tránh nguy cơ bị bạo hành ở nơi làm việc:

-  Nguyên tắc thứ nhất: Người nhà, bệnh nhân và bác sỹ không đứng sát nhau quá, phải cách ít nhất một cánh tay. Điều này giúp bạo lực xảy ra thì chấn thương cũng không quá nghiêm trọng, vì khi khoảng cách vượt quá cánh tay thì lực đánh giảm nhiều, nhất là khi có dùng hung khí.

-  Nguyên tắc thứ hai: Khi tiếp xúc với người nhà, bệnh nhân thì phải có người thứ ba đứng cạnh để vừa làm chứng, vừa bảo vệ. Có 02 người thì sự manh động cũng giảm đi.

Nguyên tắc thứ ba: Không đứng xoay lưng lại bệnh nhân, nếu đứng ở tư thế xoay lưng thì phải có người khác quan sát bệnh nhân, người nhà. Khi bị tấn công, không quay lưng chạy mà đi lùi. Hành động này để đề phòng trường hợp người tấn công dùng hung khí, vật sắc nhọn đâm sau lưng.

Nếu bạo hành xảy ra, các bác sỹ cần bình tĩnh trước sự khiêu khích, đề nghị nhân chứng chụp ảnh, ghi hình hoặc ghi âm vụ việc; lập tức thông báo cảnh sát và luật sư; nhận diện những kẻ gây rối trong đám đông; không dùng tiền để tìm cách giải quyết mâu thuẫn…

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.