Giảm hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự
Nhằm khắc phục tình trạng hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự, bảo đảm minh bạch, an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường, dự thảo BLHS phi tội phạm hóa hai tội danh kinh doanh trái phép và báo cáo sai trong quản lý kinh tế; đồng thời cụ thể hóa, bổ sung thêm các tội danh để thay thế “tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, đại biểu (ĐB) QH tỉnh Lào Cai cho biết, hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự là vấn đề không mới nhưng đang là trở ngại, rào cản đối với công cuộc đổi mới, sáng tạo, làm nản lòng rất nhiều nhà đầu tư, doanh nhân. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp (DN) đều phản ánh và rất lo lắng việc này. Trong lĩnh vực kinh tế, các sai phạm đều nhằm thu lợi nhuận nhiều hơn, mục tiêu cuối cùng vẫn là tiền. Cho nên, chỉ những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội ở mức cần thiết mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn lại, phải được xử lý bằng các biện pháp kinh tế, để thu hồi lợi nhuận, khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp.
Cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù Luật Doanh nghiệp đã bỏ quy định đăng ký kinh doanh, nhưng theo Luật Đầu tư vẫn còn những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên chưa thể phi tội phạm hóa hành vi kinh doanh trái phép, mà cần sửa đổi cho phù hợp.
Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Doãn Khánh (ĐBQH tỉnh Phú Thọ) phân tích, tội tham nhũng là tội ẩn. Trong nhiều trường hợp vì lý do khách quan và chủ quan không làm rõ được tính vụ lợi thì sử dụng “tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” để xử lý. Nếu bỏ tội này sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội tham nhũng.
Cần xử hình sự pháp nhân
Tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân kinh tế ở Việt Nam trong những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ nguy hiểm ngày càng nghiêm trọng, phổ biến là các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, kinh doanh, thương mại, thuế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội và cho đời sống của người dân. Nhưng việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự không đủ sức răn đe sự vi phạm, nên Chính phủ đề xuất xử hình sự pháp nhân đối với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng và tội rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Theo ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam), truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không phải là vấn đề mới. Trên thế giới có 119/173 nước quy định. Nhưng chúng ta cần hết sức thận trọng, có lộ trình, bước đi phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn trong việc thực hiện chính sách pháp luật hình sự, tạo sự ổn định cho BLHS.
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, DN Việt Nam sang nước ngoài vi phạm có khi bị xử lý hình sự. Nhưng DN nước ngoài vào Viêt Nam vi phạm luật lại chỉ xử hành chính? Không ai nhân danh pháp nhân để phạm tội hiếp dâm, giết người mà chỉ phạm những tội như lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo, cạnh tranh bất hợp pháp, cho vay nặng lãi, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường là vấn đề rất bức xúc ở Việt Nam hiện nay như vụ Vedan, Nicotex...
Tuy nhiên, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp của QH đề nghị cân nhắc. Vì những vướng mắc trong việc xử lý pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, mà không phải do thiếu cơ sở pháp lý. Căn cứ quy định hiện hành, vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân.
Cẩn trọng về quy định không thi hành án tử hình
Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định về việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do mình gây ra bằng hình thức nộp tiền, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện đang còn duy trì hình phạt tử hình thì việc quy định các trường hợp không thi hành án tử hình phải được cân nhắc hết sức thận trọng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội. ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, hình thức này chỉ áp dụng cho người nhiều tiền, giàu của, có tiền nộp cũng mua được mạng sống, làm cho pháp luật mất công bằng, méo mó... Do vậy, phải hết sức thận trọng nếu áp dụng quy định này.
ĐB Đỗ Ngọc Niễn (tỉnh Bình Thuận) còn nhấn mạnh, quy định như vậy là không công bằng với các tội tử hình khác, tạo kẽ hở để tội tham nhũng có thể lợi dụng “dùng tiền để đổi mạng”, chẳng khác nào khuyến khích, dung túng, bao che tham nhũng.
ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) |
Liên quan quy định chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành, ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) đồng tình và cho rằng đề xuất này của Chính phủ là khả thi. Nhưng một số ĐBQH vẫn thấy cần phải cân nhắc hết sức thận trọng vì đây là việc chuyển đổi hình phạt theo hướng nặng hơn.
BLHS có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sau khi QH thảo luận, cho ý kiến sẽ xem xét tổ chức lấy ý kiến nhân dân về một số vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau, làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật, bảo đảm chương trình cho ý kiến và thông qua dự án BLHS qua hai kỳ họp.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Bắt khẩn cấp 2 đối tượng trộm 200 triệu đồng của du khách tắm biển