Khi được hỏi bình luận về việc hãng vệ tinh ISI công bố hình ảnh ở đảo Chữ Thập cho thấy xuất hiện máy bay do thám KJ-500 & KQ-200 của Trung Quốc, bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Liên quan đến vụ việc tàu ngư dân Việt Nam bị đâm chìm trong khu vực EEZ của Indonesia và có 4 ngư dân mất tích, Người Phát ngôn cho biết theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 20/4/2020, tàu giám sát hải sản của Indonesia đã bắt giữ 2 tàu cá và 14 ngư dân trong vùng biển của Indonesia. Trong quá trình truy đuổi, 1 tàu cá của Việt Nam đã bị chìm và 4 ngư dân mất tích.
Sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã giao thiệp và có công hàm gửi Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Indonesia tích cực tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân bị mất tích, đối xử nhân đạo đối với các ngư dân trên các tàu bị bắt giữ, điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ra vụ chìm tàu dẫn đến thiệt hại về người và tài sản của ngư dân Việt Nam; đề nghị phía Indonesia cẩn trọng, kiềm chế, xử lý các vụ việc tàu cá, ngư dân trên tinh thần nhân đạo; các lực lượng chức năng hai nước tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, xử lý các vụ việc phát sinh, phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến ngư dân, tàu cá của Việt Nam trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược và cùng là thành viên trong cộng đồng của ASEAN.
Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã giao thiệp với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, đồng thời, tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Ngày 5/5/2020, Đại sứ quán đã thăm lãnh sự các ngư dân bị tạm giữ. Đại sứ quán cho biết các ngư dân đều trong sức khỏe và tinh thần ổn định.
Các cơ quan chức năng hai nước hiện vẫn đang tiếp tục trao đổi về vấn đề này. Trong những ngày qua, các cơ quan chức năng Indonesia cũng đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng Việt Nam trong việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Hiện nay đã tìm thấy tàu cá tuy nhiên chưa tìm thấy các ngư dân.
Việt Nam nhất quán chủ trương phát triển, đánh bắt cá theo hướng bền vững, chú trọng bảo tồn, phát huy các nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và hợp tác quốc tế; đồng thời cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục ngư dân tôn trọng các quy định của Việt Nam và pháp luật quốc tế, cũng như các cam kết quốc tế có liên quan.
Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam về việc Lào sắp xây dựng thêm đập thủy điện Sanakham trên dòng chính sông Mekong trong năm nay, bà Hằng cho biết là quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và lũy tích của các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong.
Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ, các quốc gia có lợi ích chính đáng trong sử dụng tài nguyên nước sông Mekong để phát triển, đồng thời có trách nhiệm chung trong việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong. Việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới, đến môi trường, đời sống kinh tế - xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước hạ nguồn, theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Việt Nam mong muốn và sẵn sàng chung tay cùng các nước ven sông tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước ven sông, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực.