Một bước sẩy chân của ông Tập

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bất chấp việc Bắc Kinh có cảnh báo trước về động thái của Nga tại Ukraine hay không, quyết định nâng cấp mối quan hệ Nga-Trung trở thành “không có giới hạn” có thể là chính sách đối ngoại sai lầm nhất trong gần mười năm cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Một bước sẩy chân của ông Tập

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nước Nga đang trở thành tâm điểm chỉ trích và cấm vận kinh tế từ phương Tây, nhưng tuyên bố công khai của ông Tập, cùng với sự hỗ trợ ngoại giao liên tục của Bắc Kinh dành cho Moscow, đã làm suy yếu danh tiếng của Trung Quốc và gây ra những lo ngại mới về tham vọng toàn cầu của nước này. Trên thực tế, cuộc chiến ngày càng leo thang ở Ukraine đã thúc đẩy nhiều lời kêu gọi Đài Loan (Trung Quốc) cải thiện khả năng phòng thủ của mình và mang lại cho các quan hệ đối tác an ninh như NATO, bộ tứ Quad hay bộ ba AUKUS (Mỹ-Anh-Úc) một nhận thức mới về mục đích.

Đáng chú ý, sự ủng hộ của ông Tập dành cho Moscow trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine không phải là bước sẩy chân đầu tiên trong chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo 68 tuổi. Tháng 3 năm ngoái, việc Trung Quốc đã trả đũa các quan chức EU nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt về hoạt động kiểm soát ở Tân Cương khiến chính quyền Bắc Kinh mất một thỏa thuận đầu tư với châu Âu từ lâu.

Quan điểm cứng rắn đối với vấn đề Đài Loan của ông Tập cũng khiến Washington và Đài Bắc xích lại gần nhau hơn và buộc các cường quốc khác trong khu vực, chẳng hạn như Úc và Nhật Bản, phải tuyên bố mối quan ngại của riêng họ đối với an ninh của Đài Loan. Cuộc đụng độ của quân đội Trung Quốc với quân đội Ấn Độ tại Thung lũng Galwan hồi năm 2020 cũng tạo nên quan điểm cứng rắn ở New Delhi.

Những bước sẩy chân ngày càng gia tăng này làm nổi bật một xu hướng ngày càng rõ ràng: ông Tập càng trở nên mạnh mẽ hơn và ông càng có nhiều quyền hành trực tiếp hơn đối với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, thì kết quả càng bất lợi cho lợi ích chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Sau nhiều thập kỷ điều hành tương đối nhanh nhẹn và hiệu quả dưới sự lãnh đạo của thời hậu Mao Trạch Đông, ông Tập đã xoay chuyển chính sách đối ngoại theo một hướng mới — một định hướng được xác định bởi sự kiên nhẫn lớn hơn trong các xích mích với Mỹ, châu Âu và các cường quốc láng giềng và được đặc trưng bởi việc hạn chế các tranh cãi nội bộ hoặc quan điểm từ bên ngoài. Điều đang hình thành không phải là chính sách đối ngoại của Trung Quốc mà là tư tưởng đối ngoại của Tập Cận Bình.

Với việc ông Tập sẽ đảm nhận nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Đại hội Đảng lần thứ 20 sắp tới, điều quan trọng là phương Tây phải hiểu không chỉ các động lực và đường lối trong chính sách đối ngoại của Tập mà còn cả hệ sinh thái chính trị trong vòng tròn nội bộ nơi ông đưa ra các quyết định. Như ván bài liều lĩnh của Putin ở Ukraine đã chứng minh, một nhà lãnh đạo chuyên quyền được bao quanh bởi những người thân cận và được thúc đẩy bởi những bất bình lịch sử và tham vọng lãnh thổ là một viễn cảnh đầy thách thức. Tập không phải Putin, và Trung Quốc không phải Nga, nhưng sẽ không khôn ngoan nếu bỏ qua những điểm tương đồng ngày càng tăng.

Kẻ mạnh

Có một điều hiển nhiên đó là ông Tập đã liên tục gia tăng quyền lực kể từ khi lãnh đạo đất nước. Rất ít người tranh cãi về vị thế độc tôn của ông Tập trong bộ máy chính quyền của Trung Quốc, và ngày càng khó phủ nhận rằng nhà lãnh đạo này đang trở thành hạt nhân cho các phương tiện truyền thông nhà nước và các kênh tuyên truyền khác. Tuy nhiên, tác động của thực tế này vẫn chưa được đánh giá đúng mức, đặc biệt là tác động của nó đối với hành vi của Trung Quốc.

Hãy xem xét một mô hình đã xuất hiện trong các hệ thống chính trị chuyên quyền, trong đó các nhà lãnh đạo tại vị lâu hơn nhiều so với những người đồng cấp có giới hạn nhiệm kỳ. Nhà lãnh đạo càng nắm quyền lâu thì các thể chế nhà nước càng mất đi năng lực hành chính và tính độc lập khi chúng phát triển để phù hợp với sở thích cá nhân của nhà lãnh đạo đó. Các đợt thanh trừng và thăng chức liên tiếp định hình tính cách của bộ máy hành chính, vận hành nó từng bước theo hướng giống như tầm nhìn lớn của nhà lãnh đạo.

Người lãnh đạo cũng trở nên xa cách và cô lập hơn, dựa vào một nhóm ngày càng nhỏ các cố vấn đáng tin cậy để đưa ra quyết định. Hầu hết những người đó vẫn sẽ tại vị vì họ thể hiện lòng trung thành tuyệt đối.

Đến lượt mình, vòng tròn nhỏ này đóng vai trò là cửa sổ để nhà lãnh đạo nhìn ra thế giới, các nhân vật thân cận sẽ biết lựa chọn góc nhìn nào từ bên ngoài cho lãnh đạo. Quá trình ra quyết định không rõ ràng như vậy khiến các nhà quan sát bên ngoài khó giải thích được ý đồ của các lãnh đạo.

Nhưng quan trọng hơn, nó khiến các tác nhân trong các hệ thống chính trị này khó lường trước và diễn giải hành động của các nhà lãnh đạo của họ. Kết quả là một chính sách đối ngoại ngày càng khó dự đoán, với việc người lãnh đạo đưa ra các quyết định chớp nhoáng một cách bí mật và phần còn lại của bộ máy hành chính phải chạy đua để thích nghi và đối phó.

Điểm tương đồng rõ ràng trong trường hợp Trung Quốc là Mao Trạch Đông. Sự phụ thuộc vào Mao đã khiến bộ máy trở nên quan liêu, và việc thăng chức dựa trên sự nhận thức đúng đắn về tư tưởng của lãnh đạo.

Mặc dù vẫn còn các tác nhân khác có tầm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, đặc biệt là Thủ tướng Chu Ân Lai, nhưng yếu tố quan trọng nhất định hình hành vi chiến lược của Trung Quốc là quan điểm cá nhân của Mao. Nhưng việc xác định sự thống trị của Mao đối với bộ máy hành chính của Trung Quốc không tự nó cung cấp manh mối về các quyết định chính sách đối ngoại trong tương lai.

Niềm tin của Mao vào cuộc đấu tranh cách mạng toàn cầu đã khiến ông ủng hộ các phong trào cách mạng ở Đông Nam Á, và ý thức làm chủ thực tế đã khiến ông bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Điểm mấu chốt trong chính sách đối ngoại của Mao, cũng như ngày nay đối với Tập, là các nhà phân tích cần phải hòa hợp với thế giới quan, tham vọng và lo lắng của ông nếu họ muốn hiểu và dự đoán trước các động thái của người đó.

Tất nhiên, Tập không phải là Mao. Nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc không có mong muốn thúc đẩy phong trào cách mạng toàn cầu, và quan điểm của ông về trật tự chính trị trong nước có phần bảo thủ hơn nhiều so với quan điểm của Mao. Cũng cần lưu ý rằng sự phản đối trong nội bộ đối với chính sách đối ngoại ngày càng mang tính dân tộc và tư tưởng của ông Tập rõ ràng tồn tại và có khả năng tăng lên khi các quyết định của ông ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc.

Nhưng đồng thời, có rất ít đối thủ có thể cản trở ông Tập, điều này phản ánh mức độ áp đảo của quyền lực chính trị và quan liêu mà ông hiện đang nắm giữ. Những người ủng hộ ông chiếm giữ các vị trí ở cao cấp của tất cả các trung tâm quyền lực của nhà nước, bao gồm quân đội, an ninh và nền kinh tế quốc doanh. Ông Tập không điều hành hệ thống chính trị của Trung Quốc một mình, nhưng cũng giống như ở nước Nga của Putin, việc củng cố quyền lực được cá nhân hóa trong một thời gian dài đã kéo dài quá trình ra quyết định có lợi cho người đương nhiệm và các cố vấn của ông ta.

Do đó, về các vấn đề từ Đài Loan đến Ukraine, toàn bộ hệ thống chính trị ở Trung Quốc đều chờ lệnh của ông Tập. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội Đảng lần thứ 20, với nhiệm kỳ 5 năm từ 2022 đến 2027, sẽ được thúc đẩy bởi quan điểm chủ quan của Tập về các sự kiện quốc tế và hệ sinh thái ra quyết định ngày càng cô lập xung quanh ông.

Đội ngũ thân cận

Kỷ nguyên mới này sẽ như thế nào? Ở cấp độ thực tế, nó sẽ cho thấy các cơ quan đối ngoại của chính phủ bị gạt sang một bên. Trên lý thuyết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải là một đường dẫn quan trọng để hiểu các hành động và ý định của lãnh đạo cấp cao về chính sách đối ngoại. Thật vậy, đây là lý do tại sao cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao thường được coi trọng, vì đây là một trong số ít cơ hội để các nhà quan sát bên ngoài có cái nhìn kỹ hơn về quan điểm của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Ngoại giao đang ngày càng bối rối trong việc giải thích các tín hiệu phát ra từ văn phòng của ông Tập, bằng chứng là các luận điểm thường xuyên thay đổi hàng ngày về cuộc khủng hoảng Ukraine. Động lực tương tự cũng tồn tại trong Văn phòng Các vấn đề Đài Loan (TAO), ít nhất là trên giấy tờ thì cơ quan này chịu trách nhiệm về chính sách xuyên eo biển Đài Loan. Rõ ràng là trong những năm gần đây, TAO thường bị che khuất bởi các quyết định của ông Tập và bỏ mặc việc phân tích và sau đó thực hiện các chính sách của mình.

Điều quan trọng là phải hiểu tình hình chính trị thực tế như vậy trong tương lai, vì các tuyên bố của chính phủ Trung Quốc có thể không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác quan điểm của ông Tập. Quan trọng hơn các bộ máy quan liêu truyền thống sẽ là các cơ quan không rõ ràng và bí mật như Ủy ban An ninh Quốc gia và các “nhóm nhỏ lãnh đạo” khác nhau mà ông Tập chỉ huy.

Nhóm cố vấn của ông Tập cũng sẽ tiếp tục thu hẹp. Mặc dù không có gì lạ khi các nhà lãnh đạo trong bất kỳ hệ thống chính trị nào muốn các cố vấn của mình có những tiếng nói khác nhau để có quyết định khách quan. Vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về cách Putin tin rằng ông có thể đạt được chiến thắng nhanh chóng trước Ukraine, nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy các cố vấn quân sự của ông cũng không nhận thức được khả năng thực sự của quân đội Ukraine. Đây là một lời nhắc nhở về mức độ quan trọng của thông tin chính xác đối với bất kỳ tổ chức chính trị nào, đặc biệt là trong các hệ thống khép kín và chuyên quyền hơn.

Theo những gì mà các nhà phân tích hiểu, những người thân tín của ông Tập, bao gồm Lật Chiến Thư, Đinh Tiết Tường và Vương Hỗ Ninh, đây đều là những cái tên già dặn trên chính trường, nhưng vẫn trung thành tuyệt đối với Tập. Và khi một số quan chức cấp cao này nghỉ hưu, ông Tập sẽ ngày càng bị bao quanh bởi các lãnh đạo cấp cao trẻ hơn, thiếu kinh nghiệm hơn và dễ uốn nắn hơn. Những gì ông Tập cần là một đội ngũ thân cận tỉnh táo. Nhưng không chắc ông sẽ tập hợp được cho mình một đội ngũ tương tự sau Đại hội 20.

Có một vấn đề quan trọng về thế giới quan của Tập. Qua các bài phát biểu và bài báo của ông, có thể thấy rõ rằng triển vọng của ông Tập về môi trường an ninh của Trung Quốc trong thập kỷ tới ngày càng bi quan. Như ông đã nói gần đây, "tình hình quốc tế tiếp tục có những thay đổi sâu sắc và phức tạp", hay "cuộc chơi của các cường quốc ngày càng gay gắt, và thế giới đã bước vào một thời kỳ bất ổn và thay đổi mới."

Ông Tập tin rằng Mỹ đã chính thức hóa chính sách kiềm chế đối với Trung Quốc. Khi Washington nói về việc hợp tác với “các đồng minh và đối tác”, ông Tập lại liên tưởng về tình trạng bao vây cấm vận thời Chiến tranh Lạnh, được thể hiện qua cái mà ông gọi là “các vòng tròn nhỏ độc quyền và các khối phân cực thế giới”. Chính quan điểm này đã khiến ông Tập xích lại gần Putin và đó là lý do tại sao ông sẽ không từ bỏ Nga trong tương lai.

Nhưng không phải chỉ có sự bi quan mới làm sống động thế giới quan của ông Tập, đó còn là ý thức dân tộc mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự tin tưởng của ông vào sức mạnh kinh tế và quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thái độ bác bỏ của ông đối với sự gắn kết và ổn định của các nền dân chủ phương Tây. Mặc dù người ta cho rằng Bắc Kinh đã nhấn mạnh quá mức về sự suy tàn của Mỹ cho các mục đích tuyên truyền trong nước, tuy nhiên, hành động của ông Tập cho thấy ông thấy thoải mái khi khẳng định lợi ích của Trung Quốc ngay cả khi nước này đụng độ với khả năng và quyết tâm của Mỹ và các đồng minh.

Có rất nhiều ví dụ về động lực này, từ việc Trung Quốc siết chặt quản lý chính quyền Hong Kong, cho đến chiến dịch cưỡng bức kinh tế đang diễn ra chống lại Úc. Vấn đề ở đây không phải là việc Bắc Kinh áp dụng các chính sách đối đầu này mà không phải trả giá, mà là khả năng chấp nhận rủi ro của ông Tập dường như đã tăng lên theo những đánh giá thay đổi của ông về cán cân quyền lực toàn cầu.

Sự kết hợp của một nhà lãnh đạo chuyên quyền không bị hạn chế và chủ nghĩa dân tộc, cái nhìn ngày càng ảm đạm về môi trường bên ngoài tạo nên một thời kỳ tiềm tàng đầy biến động phía trước.

Vị thế của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu ngày nay mang tính hệ quả hơn nhiều so với thời của Mao Trạch Đông. Môi trường quốc tế mà ông Tập cố gắng hướng các lợi ích của Trung Quốc cũng khác biệt đáng kể so với những năm 1960 và 1970. Thiếu đi khả năng dự đoán tương đối về tính lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh, cạnh tranh ngày nay phức tạp hơn và khó điều hướng hơn.

Để bù đắp, Mỹ và các đồng minh phải ưu tiên trao đổi trực tiếp với ông Tập để đảm bảo rằng những ý tưởng thay thế sẽ làm thủng ''bong bóng'' lãnh đạo của ông. Việc các nhà lãnh đạo của các quốc gia có cùng chí hướng truyền tải những thông điệp nhất quán trong các tương tác riêng biệt của họ với giới lãnh đạo của Trung Quốc cũng sẽ rất quan trọng.

Xét cho cùng, việc Tập cho rằng Washington bị mắc kẹt trong “tâm lý Chiến tranh Lạnh” không nghiêm trọng bằng việc phớt lờ một liên minh rộng rãi gồm các đồng minh dân chủ. Trong bốn thập kỷ qua, Trung Quốc đã nhiều lần chứng tỏ rằng họ có thể thay đổi hướng đi trước khi gây ra thảm họa. Câu hỏi bây giờ là liệu nó có thể làm như vậy một lần nữa dưới thời ông Tập hay không?

Bài viết thể hiện quan điểm của Jude Blanchette - chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Theo Foreign Affairs
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.