Trong những tháng trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, các cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công, phương Tây từ đó đã theo đuổi hai chiến lược theo trình tự. Đầu tiên, họ cố gắng kiểm soát sự leo thang.
Tổng thống Joe Biden đã cam kết sớm và chắc chắn không điều quân đến Ukraine để giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện với Nga. Sau đó, ông chuyển sang chiến lược ngoại giao cưỡng bức, kết hợp đe dọa với dẫn dụ. Ông Biden cảnh báo về những hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu Putin phát động tấn công và đề nghị đàm phán với Nga về những lo ngại về an ninh của nước này.
Chiến lược đó đã thất bại ngay thời điểm xe tăng Nga lăn bánh qua biên giới Ukraine. Giờ đây, khi các lực lượng Nga tiến gần đến Kyiv, các nhà hoạch định chính sách phương Tây có hai mục tiêu cạnh tranh. Một mặt, họ muốn làm mọi thứ để giúp Ukraine ngăn cản đà tiến quân của Nga mà không cần NATO vào cuộc. Mặt khác, họ muốn ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện giữa Nga và NATO. Điều khiến thách thức trở nên khó khăn là phương Tây càng làm nhiều để đạt được một mục tiêu, thì khả năng đạt được mục tiêu còn lại càng thấp. Ngoại giao là sự trao đổi các điều kiện, nhưng hiếm khi có sự lựa chọn rõ ràng như ở Ukraine. Không có gì ngạc nhiên khi các thành viên NATO đang loay hoay cân bằng lợi ích hai bên.
Hãy xem xét yêu cầu về một vùng cấm bay mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẩn cấp muốn NATO thiết lập trên đất nước của mình. Một khu vực cấm bay sẽ giúp ích đáng kể cho các lực lượng của Ukraine, nhưng nó cũng sẽ làm tăng khả năng các lực lượng Nga có thể vô tình hoặc cố ý tấn công máy bay NATO, đó là lý do tại sao các thành viên của liên minh đã loại trừ điều đó. Nói cách khác, Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với tình thế khó xử: làm thế nào họ có thể bảo vệ Ukraine và đẩy lùi quân đội Nga, nhưng lại tránh được một cuộc chiến với Nga, quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới?
Vòng xoáy bất ổn
Khi các cuộc tấn công vào Ukraine tiếp tục diễn ra, tất cả đều quá dễ dàng để hình dung ra các kịch bản trong đó NATO và Nga rơi vào một cuộc xung đột trực tiếp mà không bên nào mong muốn.
Một con đường dẫn đến leo thang căng thẳng liên quan đến các đoàn xe tiếp tế khí tài từ Ba Lan và Romania tới Ukraine. Nga có thể tấn công các đoàn xe này để cắt đứt dòng quân nhu đang tạo ra sự khác biệt đáng kể trên chiến trường. Mặc dù không phải chính NATO đứng ra tổ chức các chuyến hàng này mà là các thành viên riêng lẻ, nhưng NATO là một tổ chức an ninh tập thể. Một cuộc tấn công chống lại bất kỳ thành viên NATO nào là một cuộc tấn công chống lại tất cả.
Hãy tưởng tượng nếu một máy bay phản lực của Nga ném bom các thiết bị quân sự của Pháp đang được dỡ hàng tại một căn cứ ở Romania. Liệu một cuộc tấn công như vậy có thể biện minh cho việc viện dẫn Điều khoản 5, cam kết phòng thủ tập thể trong hiến chương NATO? Đề xuất đó vẫn chưa được thử nghiệm, nhưng nếu các nhà lãnh đạo NATO kết luận rằng một cuộc tấn công như vậy là biện minh cho việc phòng thủ tập thể, thì NATO và Nga sẽ đụng độ nhau trên chiến trường.
Đáng báo động hơn nữa là các kịch bản trong đó cuộc khủng hoảng hiện tại có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trước khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các chính khách Nga đã nhiều lần nói về vũ khí hạt nhân.
Ông Putin đã nâng mức cảnh báo của các lực lượng hạt nhân chiến lược hai lần còn Ngoại trưởng Sergei Lavrov hôm 2/3 đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc chiến nào với NATO sẽ là một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Cho đến nay, các lực lượng Nga vẫn chưa tăng cường khả năng sẵn sàng đáp ứng với những cảnh báo này, và một số người cho rằng các mối đe dọa hạt nhân của Nga không khác gì những rào chắn để ngăn NATO cung cấp sự hỗ trợ quân sự trên không và trên bộ cho Ukraine. Nhưng không có thành viên nào của NATO, đặc biệt là các nước ở châu Âu, sẵn sàng loại bỏ các mối đe dọa hạt nhân của Nga và mở ra cánh cửa cho một cuộc chiến hủy diệt.
Cho đến nay, phương Tây đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc kiểm soát leo thang căng thẳng. Các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga đang diễn ra với tốc độ chậm chạp. Hai bên đã đồng ý chỉ thiết lập các hành lang nhân đạo cho người tị nạn và các khu vực an toàn xung quanh các nhà máy hạt nhân. Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Nga cũng đã thiết lập một đường dây nóng mới để tránh cho lực lượng của Mỹ và Nga đụng độ. Nhưng tất cả những biện pháp này chỉ là những vật cản yếu ớt để ngăn ngừa một cuộc xung đột toàn diện giữa Đông và Tây.
Sự răn đe ở mức trừng phạt hiện tại dường như không có tác dụng. Các biện pháp trừng phạt luôn mất thời gian để phát huy tác dụng, chúng không ngăn được những chiếc xe tăng đang lăn bánh. Các nhà lãnh đạo của Nga chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ thực sự quan tâm đến việc ngừng bắn hoặc đàm phán. Ngược lại, Nga đang muốn đẩy mạnh đà tiến công. Sau cuộc điện đàm ngày 3/3 với ông Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết người đồng cấp Nga có ý định kiểm soát toàn bộ Ukraine. Áp lực chiến trường có thể thúc đẩy Putin đưa ra lời đề nghị, nhưng ông đã nói rõ ý định lâu dài của mình với phương Tây trước khi phát động tấn công.
Hai xu hướng
Khi sự phẫn nộ của công chúng đối với tình hình chiến sự tại Ukraine ngày càng lớn và thương vong dân sự gia tăng, các nước NATO sẽ phải đi trên lằn ranh giữa việc ngăn chặn Nga và leo thang xung đột. Có hai cách để suy nghĩ về vấn đề này.
Điều đầu tiên dựa nhiều vào các lý thuyết có cơ sở về tính hợp lý và tính răn đe. Cách duy nhất để ngăn chặn một nhà lãnh đạo hiếu chiến, theo những lập luận này, là nâng cao phí tổn của hành động quân sự và thể hiện quyết tâm không thể lay chuyển, cả bằng lời nói và hành động.
Đó là cách nhà kinh tế học Thomas Schelling nhìn nhận cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Schelling cho rằng cuộc đọ sức với Liên Xô là một cuộc đấu liều chết, trong đó hai người lái xe lao thẳng về phía nhau trên một con đường hẹp. "Khi trong cuộc đấu này", Schelling lập luận, "chiến lược tốt nhất là bỏ vô lăng của bạn để đối phương thấy rằng bạn không thể lạng lách được nữa. Người đó không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đánh tay lái để tránh va chạm.''
Kể từ khi chiến tranh nổ ra, các nhà lãnh đạo NATO đã tăng cường khả năng răn đe. Họ đã lặp đi lặp lại cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của liên minh sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả. Họ đã triển khai lực lượng bổ sung cho các thành viên NATO có biên giới với Nga, bao gồm Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, cũng như Romania. NATO cũng đã kích hoạt lực lượng phản ứng nhanh của liên minh, một đơn vị đa quốc gia gồm 40.000 quân được thiết kế để triển khai nhanh chóng nếu một cuộc tấn công chống lại một thành viên NATO có nguy cơ xảy ra. Trong khi đó, các nước phương Tây tiếp tục làm sâu sắc thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế mà họ áp đặt đối với Nga.
Cách tiếp cận thứ hai ít quen thuộc hơn đối với các nhà phân tích chính sách đối ngoại nhưng được hỗ trợ tốt bởi các bằng chứng từ khoa học nhận thức. Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Daniel Kahneman và nhà tâm lý học Amos Tversky đã nhiều lần chứng minh trong các thí nghiệm rằng khi mọi người thấy trước hoặc trải qua tổn thất nghiêm trọng, họ có xu hướng phóng đại khả năng mất mát mà họ phải đối mặt và đưa ra các quyết định rủi ro hơn.
Putin chắc chắn phù hợp với thể loại này. Ông đã gọi sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ" và coi Ukraine là một phần lãnh thổ lịch sử của Nga. Ông đã nhiều lần phàn nàn về sự phản bội của phương Tây đối với Nga. Và giờ đây, sau khi khởi xướng chiến dịch quân sự tại Ukraine, Putin tiếp tục chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây đang sự bóp nghẹt nền kinh tế Nga.
Thông qua các bài phát biểu trong thời gian gần đây, Putin hiện lên như một người từng trải qua nhiều mất mát và không sẵn sàng lùi bước.
Chính trong những điều kiện này, các nhà tâm lý học mong đợi mọi người đưa ra những quyết định mạo hiểm. Nếu họ đúng, thì nhiều khả năng Putin sẽ chọn con đường leo thang đầy rủi ro hơn là rút lui giữa thời điểm chiến dịch quân sự đang tỏ ra khó khăn hơn nhiều so với dự kiến của ông.
Các thành viên NATO đang hết sức cố gắng tránh leo thang, nhưng chiến lược gia tăng sự răn đe của họ có thể làm tăng khả năng Putin, một nhà lãnh đạo tức giận và cảm thấy bị dồn vào chân tường, tiếp tục duy trì bộ máy chiến tranh. Nghịch lý thay, một chiến lược được thiết kế để kiềm chế lại có thể gây ra leo thang căng thẳng.
Những lựa chọn khó khăn
Hai xu hướng cạnh tranh này đề xuất các chiến lược rất khác nhau. Làm thế nào các nhà lãnh đạo phương Tây có thể giải quyết mâu thuẫn? So sánh các trường hợp lịch sử cho thấy rằng trình tự của các chiến lược có thể tạo ra sự khác biệt.
Trước hết, phương Tây phải thể hiện sự cứng rắn và kiên quyết, chỉ sau khi NATO đã thiết lập cam kết của mình, rồi quay sang "chiều lòng" Putin để giúp chấm dứt chiến tranh. Chiến lược này dù phù hợp, nhưng nó lại là một canh bạc lớn về thời gian. Nếu NATO chờ đợi quá lâu để đưa ra các biện pháp thúc đẩy, thì Putin sẽ leo thang. Và không ai, ngoại trừ chính Putin, biết bao lâu là đủ.
Một cách khác để giải quyết những mâu thuẫn này là sử dụng các kênh hỗ trợ Putin để khám phá các cơ hội giảm leo thang. Các ứng cử viên hợp lý cho những người đối thoại đáng tin cậy bao gồm các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Israel hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc một cá nhân có mối quan hệ lâu năm với Putin.
Việc thành lập một kênh đối thoại riêng sẽ không chỉ gửi thông điệp tới Putin rằng NATO sẵn sàng đàm phán nếu ông ngừng giao tranh mà còn giữ thể diện cho các nhà lãnh đạo phương Tây nếu nỗ lực hòa đàm của họ bị khước từ. Để làm theo chiến lược này, phương Tây cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế Nga. Cũng như các mối đe dọa phải được kết nối với hành vi mà các nhà lãnh đạo phương Tây đang cố gắng ngăn chặn, do đó, các hành vi gây ra phải được điều chỉnh để phù hợp với hành vi mà họ đang cố gắng thúc đẩy.
Tất nhiên, có những rủi ro đối với việc báo hiệu sự cởi mở trong đàm phán. Luôn có khả năng Putin coi đây là dấu hiệu của sự yếu kém và leo thang căng thẳng. Đó chính xác là những gì những người ủng hộ cấm vận Nga quan ngại. Nhưng phương Tây có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó. Chính phủ Mỹ thậm chí đã hủy bỏ một vụ thử hạt nhân được lên lịch vào đầu tháng 3 để tránh kích động Nga. Do đó, sẽ rất ngạc nhiên nếu chính quyền Biden không ngầm khuyến khích các phương pháp tiếp cận Putin thông qua các kênh ngoại giao.
Chỉ có một số cách khả dĩ để chiến dịch quân sự của Nga có thể kết thúc. Ukraine có thể ngăn cản những bước tiến xa hơn của Nga với cái giá là thương vong dân sự khủng khiếp nhưng vẫn bị chia cắt về mặt địa lý. Putin cũng có thể đàm phán về một lệnh ngừng bắn và để lại một Ukraine chỉ còn một nửa phía tây. Ngoài ra, Nga có thể khuất phục toàn bộ Ukraine để rồi đối mặt với một cuộc nổi dậy. Thậm chí có khả năng (mặc dù rất khó xảy ra) Putin sẽ đối diện với một cuộc lật đổ trong nội bộ Điện Kremlin. Cuối cùng, một Putin bị dồn vào chân tường, có thể leo thang và mở rộng chiến tranh.
Trong những tuần tới, các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ phải tiếp tục đi trên dây để tránh đẩy châu Âu rời vào một cuộc chiến toàn diện. Không ai tự tin rằng họ biết những gì Putin sẽ làm.
Mỹ và các thành viên NATO khác trên hết cần cố gắng ngăn chặn sự leo thang của một cuộc chiến có thể giết chết vô số dân thường vượt xa biên giới Ukraine. NATO đã thừa nhận rằng nguồn lực hỗ trợ cung cấp cho Ukraine cũng có hạn, vì việc tránh leo thang là rất quan trọng, liên minh này không thể vượt qua giới hạn nếu muốn tránh một cuộc chiến nguy hiểm với Nga. Không phải lần đầu tiên, nền chính trị quốc tế buộc phải lựa chọn khó khăn.