Một cánh én vừa bay qua nhà

(Ngày Nay) - Người quanh làng đoán già đoán non bệnh tình của vợ chồng chị. Hai đứa con chị bị các ông bố bà mẹ hàng xóm ngầm tẩy chay, họ rỉ tai nhau, cấm đoán lũ con họ không được chơi đùa, kết thân. Ai nói gì chị cũng né, né đến mức tối đa, không né được thì đành phải… đỡ. 
Ảnh minh họa (Một bức tranh vẽ của trẻ em trong cuộc thi “Vẽ tranh và sáng tác Thông điệp dành cho trẻ em về Chăm sóc và chống kỳ thị đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS” năm 2016)
Ảnh minh họa (Một bức tranh vẽ của trẻ em trong cuộc thi “Vẽ tranh và sáng tác Thông điệp dành cho trẻ em về Chăm sóc và chống kỳ thị đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS” năm 2016)

Con uống thuốc vì con ốm

Con bé Chi lôi xềnh xệch búp bê từ tầng một lên tầng hai, ném vào lưng thằng Nam – anh trai hơn nó 7 tuổi phải giật mình bực bội. Nó cười khanh khách vì trêu được thằng anh cù lần, hiền lành như cục đất của mình. Cả buổi sáng, chỉ có hai đứa nhỏ chơi với nhau, chúng nghĩ ra đủ trò, khi thì chơi trốn tìm, khi thi hát, lúc lại thi xem ai nhảy lên chạm tay được vào cái quạt treo tường ngay gần tủ lạnh. Ngày hè của chúng “khoanh vùng” trong cánh cửa, đó là vùng an toàn.

Trò chúng thích nhất là nghe mẹ mở đĩa hát. Bao nhiêu bài hay nhưng con bé Chi thích nhất bài Cánh én mùa xuân: “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân. Rủ nhau én về theo làn nắng ấm dần…”. Chị An – mẹ hai đứa bảo, cứ nhắc đến cánh én mùa xuân chị lại muốn khóc, “còn gì để hi vọng hả các con?”…

Cho chúng chơi chán, chị gọi hai con xuống nhà uống thuốc và uống sữa. Chi và Nam đã quen với việc dùng thuốc hàng ngày. Nhưng là thuốc gì thì hai đứa trẻ không biết. Chúng cũng không bao giờ tò mò hay thắc mắc. Hỏi vì sao con uống thuốc, Chi trả lời nhanh lắm: “Vì con ốm. Không uống thuốc là mẹ đánh đòn”. Đứa nọ nhìn đứa kia uống, rất ngoan. Có lẽ vì chúng chưa biết các bạn đồng trang lứa có phải uống thuốc hay không nên luôn nghĩ, trẻ con phải uống thuốc.

Tháng nào hai anh em cũng được mẹ cho ra BV Nhi, vui như hội. Ở đấy có nhiều bạn bè cùng trang lứa, lại có nhiều hoạt động liên hoan, ca múa… rất vui vẻ. Dù sổ mũi, hắt hơi… nhẹ thôi, mẹ cũng ôm hai đứa ra BV Nhi để lấy thuốc hỗ trợ. Tuổi thơ của Chi và Nam gắn liền với căn phòng khám ấy, nơi dành riêng cho những đứa trẻ mang HIV trong người.

Chiều tối nay, ra khỏi nhà, thấy lũ trẻ trong xóm đang chơi đùa vui vẻ, con bé Chi lao vào xin chơi. Lũ trẻ lúc đầu chơi quay quần bên nhau thích lắm, sau có một bà mẹ chạy ra gọi con về tắm, rồi cứ thế, phụ huynh kéo con về với lý do này nọ. Chị An nhìn con từ ô cửa sổ, không nói gì, chỉ thấy cần phải mạnh mẽ hơn để làm sao con có một cuộc sống bình thường. Bởi những đứa trẻ mang H sống chung trong cộng đồng, không phải những trung tâm bảo trợ trẻ em từ thiện như Chi và Nam, đều rất dễ bị tổn thương.

“Đời chị nhọ lắm, đen đủ đường”

Ngày biết mình lây HIV từ chồng, chị An đau không nói được gì, chồng chị cũng suy sụp vì cảm giác có lỗi với vợ.

Chồng An nghiện heroin từ ngày chưa gặp chị, thói xấu ấy nhiễm vào anh khi huyện Từ Liêm cũ “cựa mình” chuyển từ làng lên phố. Quê nghèo nơi anh sinh sống bất ngờ thành quận Bắc Từ Liêm, thanh niên làng đua đòi, sa chân vào nàng tiên nâu, rồi chích hút ma túy… và lây bệnh từ lúc nào không rõ. Cưới chị về, đến khi chị mang bầu 6 tháng đi kiểm tra thai kỳ, cả anh và chị mới biết đã mang căn bệnh thế kỉ trong người.

“Tôi đã từng hỏi bố tôi, nếu con mắc bệnh nguy hiểm, bố có buồn không, bố trả lời thế này: Nếu mày không tỏ ra buồn, bố sẽ cố gắng không buồn…” - chị An lau nước mắt. Và rồi chị cố gắng không để lộ nỗi buồn, để bố mẹ đẻ và các con không gục ngã…

Ngoài cán bộ trung tâm y tế cấp phát thuốc ARV cho hai vợ chồng, còn lại, thông tin về bệnh tật đều “chìm” trong bóng tối. Hai anh chị nguyện chết mang xuống mồ, bất cứ giá nào cũng không nói ra vì “miệng lưỡi thế gian vẫn còn quá kinh khủng”. Chị bảo: “Mọi vấn đề chúng tớ đều né, né đến mức tối đa, không né được mới đành phải đỡ”.

“Năm 2006, nếu không bắt đầu có thuốc điều trị ARV thì chồng tôi chết, cơ thể anh ấy xập xệ lắm, sập toàn bộ, chuyển sang giai đoạn cuối cùng rồi, không thể cuối hơn được nữa. Lúc ấy cả nhà chỉ chờ ngày chờ giờ lo hậu sự. Anh còn không thể bò đến trung tâm lấy thuốc về uống, tất cả đều một mình tôi xoay sở. úng năm 2006 có thuốc ARV, chồng tôi thoát chết. Phác đồ điều trị như thuốc tiên, uống thuốc một ngày đã khác, đến giờ này phải hơn chục năm rồi, chồng tôi vẫn may mắn sống sót”.

Chồng An thì ham sống, nhưng chị thì không. Ngày biết mình mang thứ bệnh kinh khủng trong người, chị không thiết gì đến đứa con trai trong bụng. Điều trị ARV cũng rất khó khăn vì chị không thiết tha uống thuốc. Chị không cần thuốc, không cần con, không nghĩ gì. Đó là thời kỳ căn bệnh HIV ở Việt Nam, nhất là ở cấc vùng ngoại thành Hà Nội bị kỳ thị nhất, thông tin mù mờ, người dân chỉ nghe đến lây nhiễm đã “chạy mất dép”.

Hồi còn thiếu nữ sức khỏe chị đã yếu sẵn. Sau khi đẻ con, chồng ốm yếu ở nhà, chị vào viện chẳng có đồng nào trong người. Con ẵm trên tay rồi mẹ chồng mới vội vã vay tiền chạy vào bệnh viện phụ sản Trung ương đóng viện phí cho con dâu. “Đẻ xong tôi nghĩ không có tương lai, không vui cũng không buồn, không thiết cả con và sự sống, lúc ấy tuyệt vọng. Con vừa lọt lòng đã gửi nhà chồng chăm sóc vì hai vợ chồng có mệnh hệ nào thì họ hàng cưu mang”.

Xong chuyện con lại quay sang chồng. Chị An tự nhủ: “Chờ chồng chết, lo hậu sự xong cho anh ấy tôi cũng “biến”, tôi về quê tôi, bỏ con cho nhà chồng”.

Nhưng rồi tiếng con khóc, tiếng con cười khiến lòng chị dịu đi, qua dần hoảng loạn. Nhiều đêm nghĩ hai vợ chồng lấy nhau chẳng cãi chửi nhau bao giờ, không bất đồng bao giờ, sao phải bỏ, chị lại gắng gượng nuôi con và chữa bệnh cho chồng.

“Tôi có con xong rất yếu, không đi làm được, trong tay có nghề may nhưng yếu quá không làm được. Tôi sống kiểu dựa dẫm, bà ngoại thương tình lặn lội từ quê đi tiếp tế đồ ăn cho, không lo đói. Chỗ ăn ở, sinh hoạt dựa vào bố mẹ chồng, không lo mưa, nắng”. Cứ thế, hai vợ chồng dựa vào nhau cùng sống. Điều trị ARV đồng nghĩa với việc chịu đựng tác dụng phụ, cơ quan nội tạng bị phá hoại dần dần. Hai vợ chồng chị hết điều trị ở trung tâm y tế Từ Liêm (cũ) lại rồng rắn nhau ra BV Đống Đa truyền thuốc bổ, nâng cao thể trạng.

“Cơ thể tôi nhiều cơ quan nội tạng đã bị suy yếu, từ tụy, gan đến dạ dày, phải đào thải và truyền thuốc bổ liên tục, cỡ 20-30 triệu đồng mỗi năm. Chồng tôi giai đoạn cuối, vừa HIV vừa bị viêm gan C, các cơ quan đều gần như “sập”, tiền truyền bổ lên tới 60-70 triệu đồng/năm… “Người ta cứ nói chúng tôi được bảo hiểm hỗ trợ thì lo gì, các hộ nghèo và cận nghèo như tôi được BHXH hỗ trợ 100%, nhưng ai biết được thuốc điều trị HIV đều nằm ngoài danh mục được bảo hiểm… Thuốc bổ dành cho đặc trị đắt vô cùng. Ốm trận nào phá sản trận đấy” – chị An ngậm ngùi.

Nhìn quanh, chị An thấy cuộc đời mình rơi vào vũng lầy, không có cơ hội thoát ra. “Chỉ chờ chết trong vũng lầy ấy thôi”.

Nuốt máu mà sống chứ không phải chỉ nuốt nước mắt

“Tôi điều trị được 7 năm thì sinh thêm bé Chi. Tự tin vì hiểu bệnh tình, lại hi vọng cơ chế phác đồ điều trị tốt sẽ sinh được con khỏe mạnh, ngờ đâu, đứa thứ hai cũng bệnh”.

Mọi thông tin về bệnh tình của cả nhà, chị đều giấu hai con. “Hàng ngày cả nhà cùng uống thuốc. Lũ trẻ vẫn lấy thuốc cho bố mẹ uống đều, chúng phân biệt thuốc của bố và mẹ rất giỏi, hiểu được bố mẹ bị ốm, còn ốm như thế nào thì con chưa biết. Các con cũng không hay biết bệnh tình của mình. Hai đứa trẻ liên tục phải đưa vào BV Nhi thăm khám”. 

Để bảo vệ con khỏi nỗi sợ căn bệnh thế kỉ, chị giảm thiểu tối đa va chạm xã hội tới lũ trẻ. Hàng xóm truyền miệng ác độc, chị không sợ bằng va chạm trong gia đình. Chỉ cần một người bác, người dì bực bội lôi cái tiếng HIV ra chửi vợ chồng chị là lộ hết bí mật. “Hồi thằng Nam được 4 tuổi, người nọ chửi người kia trong nhà, nó nghe xong ngơ ngác. Rồi nó nghe hàng xóm nói này nói nọ, nó về hỏi mẹ: Mẹ ơi người ta nói bố mẹ mắc bệnh này. Tôi điềm tĩnh hỏi con: “Thế con có thấy mẹ đáng sợ, thấy mẹ có giống bị bệnh đấy không? Nó bảo không, thế là tôi xoa đầu: “Con thấy bố mẹ vẫn khỏe, thế là vui rồi, không cần quan tâm đến người khác nói gì” – chị An kể.

Nói là vậy, nhưng lúc nào chị cũng lo sợ các con biết sự thật, sợ sự ác độc của miệng lưỡi thế gian. Nhất là sự kì thị. Nó như quả bóng căng hơi, lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi, chỉ cần một va chạm nhỏ là vỡ. Ngoài bác sĩ điều trị phác đồ ARV cho nhà chị, chẳng ai biết được bí mật khủng khiếp đó. Ngay cả nhà ngoại, mẹ đẻ chị cũng chẳng hay biết, chỉ biết là con gái ốm. “Chắc mẹ nghĩ con gái ốm yếu từ bé, chứ biết lây bệnh từ chồng, chắc bà không sống nổi. Người ở quê, đồn thổi này nọ khủng khiếp lắm” – chị nói.

Các con chị giờ vẫn đi học trường làng gần nhà, hai đứa được hỗ trợ điều trị thuốc thường xuyên. Nhưng dạo này chúng nghỉ học nhiều vì sức yếu, lại đến BV Nhi suốt. Mỗi lần nhìn con chạy nhảy trong nhà, chị muốn khóc.

“Bạn bè tôi có gia đình đã qua đời cả ba người: bố, mẹ và con. Có đứ trẻ bị bạn bè sợ hãi kì thị vì không giấu được bệnh tình. Có đứa cháu trai của tôi, cả bố mẹ đều nhiễm HIV nhưng nó âm tính với H vẫn không lấy nổi vợ vì nhà gái sợ… Tôi sợ con mình sẽ khổ nếu người ta biết hai vợ chồng tôi, biết lũ trẻ mắc bệnh. Ai có con mang HIV trong người đều khổ vô cùng. Giấu bí mật khủng khiếp như tuyệt mật. Dù môi trường lấy thuốc của chúng tôi nằm biệt lập, gần như không bắt gặp người quen. Chúng tôi cũng luôn hạn chế giao tiếp. Người ta truyền miệng nhau thì mình cãi bằng được để chối, còn lâu mới nhận. Nhận xong là chết. Chỉ vì các bạn tình nguyện ở trung tâm y tế giúp đỡ nhiều, nhờ tôi giúp đỡ nên tôi mới gặp nhà báo, chứ không tôi tránh cho bằng chết!”.

Rồi chị nhìn ra ngoài trời: “Trẻ con hệ miễn dịch kém lắm, nhiễm HIV từ mẹ sang con lại càng suy giảm hệ miễn dịch, thời gian sống ngắn ngủi, chẳng biết đến bao giờ. Tôi chỉ mong khi còn sống, hai vợ chồng cho con một cuộc sống bình thường…”.

Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.