Ngày 30 Tết thịt treo trong nhà

(Ngày Nay) - Chui vào một căn nhà người Dao, đã nhìn thấy những tảng thịt lợn mới treo trên gác bếp. Thịt để ăn Tết. Thêm rượu men lá tự nấu nữa, là xong cái Tết của nhà nghèo.  
Người Dao trong rừng Hữu Liên
Người Dao trong rừng Hữu Liên

Trong khu rừng đã chết

Bà Liều là thày lang. Ngoài cây thuốc hái trên rừng đang phơi, nhà bà chẳng thấy đồ đạc gì, chỉ là căn nhà gỗ bình thường của người Dao, bốn phía quây vách gỗ thưa, mái ngói đã thủng nhiều chỗ. Có hai tấm phản kê cao làm giường, và một bếp lửa giữa nhà. Trên bếp lửa, đã thấy cái Tết: sáu bảy miếng thịt lợn to treo lủng lẳng chờ ám khói.

Bà Liều không nghèo, cũng chẳng giàu. Bà có một đàn gà, mấy con lợn. Khách đến nhà cũng giết con gà, đem xáo, luộc mấy quả trứng, uống với rượu ủ bằng men lá có sẵn trong nhà. Đêm đến, ngồi quanh bếp lửa, vùi củ sắn vào than hồng, nhâm nhi với rượu. Thế là đầm ấm. Tết nhất, chắc cũng chỉ đến thế.

Thậm chí Tết của bà còn vui. Nhiều người Kinh sẽ thấy ghen tị. Nó vẫn còn những nét văn hóa cổ xưa - như là những bài hát. Giữa núi rừng, người phụ nữ ngoài năm mươi cất lên một ca khúc dài về năm mới, về niềm vui. Nếu có một người Dao Đỏ ở xã khác, huyện khác gọi điện đến làm quen, họ có thể hát đối với nhau hàng tiếng đồng hồ qua điện thoại.

Như phần lớn những đồng bào sống giữa rừng khác, dù là người Mông, hay người Dao, sẽ rất dễ để kết luận rằng người phụ nữ ấy hài lòng với cuộc sống. Bà có nương, có đàn gà đàn lợn, lại có nghề làm thuốc.

Nhưng bỏ một đêm ngủ trong căn nhà gỗ ấy, có thể bạn sẽ nghĩ khác. Có nhiều thứ có thể tốt hơn trong đời sống của bà lang người Dao Đỏ này. Những vách gỗ đã cũ, hở toác như răng người già thành những khe rộng cả năm bảy phân, gió lùa rét buốt. Mặt trời lên, ánh nắng chiếu xuyên thành vệt qua những lỗ thủng trên ngói báo bình minh. Những đứa cháu - con cậu út - tha thẩn sang nhà bà nội ăn sáng. Chúng ngồi gặm thịt gà trong những bộ quần áo lem luốc, đã rất lâu rồi không được giặt. Và bạn chợt nhớ ra, lần gần nhất bạn đến thăm bà Liều, những đứa trẻ này cũng mặc chiếc áo rét ấy. Có thể chúng chẳng bao giờ được cởi ra để mà giặt.

Ngày 30 Tết thịt treo trong nhà ảnh 1Những đứa cháu - con cậu út bà Liều tha thẩn sang nhà bà nội ăn sáng...

Mọi thứ đã có thể tốt hơn - nếu bà Liều kiếm được nhiều hơn từ nghề làm thuốc, nếu cây thuốc Nam trong rừng Hữu Liên, nơi bà sống, trở thành một thứ được trọng vọng. Hay rộng hơn, nếu những giá trị thầm kín của khu rừng này, được trân trọng bởi ai đó khác hơn là lâm tặc.

Nhưng rừng Hữu Liên chỉ là một khu rừng đã rỗng.

Tình trạng của rừng đặc dụng Hữu Liên, từng là một trong những khu dự trữ sinh quyển quý nhất của Việt Nam, đã được cảnh báo từ hơn một thập niên trước. Mười năm trước, trong một phóng sự của báo Tiền Phong, những cây nghiến cổ thụ cứ liên tục đổ xuống, trong sự khinh nhờn của lâm tặc. Tình trạng này diễn ra liên tục trong nhiều năm. 5 năm trước, trả lời phỏng vấn VTC, đại diện Chi cục Kiểm lâm Lạng Sơn thừa nhận: “Hiện tại tất cả những cây gỗ rừng cổ thụ, quý hiếm ở rừng đặc dụng Hữu Liên đều bị phá sạch”.

Không chỉ có cây cổ thụ, gỗ quý. Diện tích rừng nói chung cũng thu hẹp lại vì bà con phá rừng làm nương rẫy. Và vì kế sinh nhai, đồng bào sống trong rừng đi theo lời mời gọi của những thương lái từ xa đến, đào rỗng khu rừng ở ngay cả những chỗ người ta ít ngờ đến và ít kiểm soát nhất: Những cây thuốc dưới tán.

Ngay giữa rừng, trên mặt đường, là một hộ thu mua cây thảo dược - chất đầy hàng hóa trong sân. Tất nhiên, bạn thỉnh thoảng có thể tìm được những cây nằm trong danh mục được bảo vệ ở đó. Hoặc nếu chịu khó lật những bao cám ngụy trang ở ngoài cửa tiệm lên, bạn sẽ nhìn thấy vài khúc gỗ nghiến.

Theo chân bà Liều lên núi, chui qua những bụi gai, trườn xuống những vách vực dốc đứng, người phụ nữ Dao Đỏ vung con dao trên hông chặt một nắm dây thuốc. Một hành trình khiến dân đồng bằng thấy run chân. Và giá của cái dây thuốc mới chặt từ khe vực ấy lên, là một nghìn rưỡi một kilogram.

Và đồng bào sẽ trông chờ vào điều gì hơn để sống? Tài nguyên của rừng Hữu Liên, sau khi lâm tặc đã lấy hết gỗ quý, thì đến doanh nghiệp đào... đá. Hết nạc, vạc đến xương. Một khu khai thác đá khổng lồ xuất hiện ngay phía ngoài khu rừng. Bây giờ đường vào Hữu Liên trở thành một cuộc hành trình khổ ải qua những ổ voi mấp mô, và một thảm họa của khung cảnh: Những vạt núi lớn đã bị nổ mìn sạt trắng hếu. Người ta kể rằng, thời mới bắt đầu phá những quả núi ấy, những củ bình vôi cả trăm năm tuổi, to bằng nồi cơm điện, vị thuốc quý giá của rừng Hữu Liên nói riêng (và dân tộc Việt Nam nói chung) - một loài cây được đưa vào danh sách bảo tồn - văng ra trên sườn đá và lăn lông lốc, vỡ tan rồi bị vùi trong đất, chẳng ai thèm nhặt.

Số cô không giàu thì nghèo. Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà. Có lẽ là bà Liều hay những người Dao Đỏ sống trong vùng đất này, cũng chẳng dám nghĩ một lần rằng đời mình có thể đã tốt hơn. Những cái Tết, có thể đã đỡ rét hơn. Đứa trẻ con lem luốc đứng ở trước cửa ngôi nhà gỗ, ngơ ngác nhìn khách đi qua, đã có thể có thêm nhiều manh áo mới.

Nếu, nghề làm thuốc của họ được khai thác đúng mức, trở thành một chủ trương. Những bài thuốc của người Dao vốn đã nổi tiếng. Nếu những sản vật của rừng Hữu Liên được thương mại hóa một cách đàng hoàng, tạo thành giá trị gia tăng, như là du lịch, hay là sản phẩm nông sản có đóng gói. Chứ không phải là bán thô với giá vài nghìn đồng một cân cho thương lái, và chắc chắn sẽ đi sang bên kia biên giới, phục vụ cho công cuộc chăm sóc sức khỏe của... nước bạn.

Rượu mỡ gấu

Chai rượu trong nhà Lở ngâm mỡ con gấu. Lở đem ra mời khách. Sắp Tết rồi, đây là thứ để dành ăn Tết đây.

Rượu ngâm mỡ gấu? Vị khách ngần ngại. Chưa thấy bao giờ, khách không dám thử đưa lên miệng. Lở cười, kể chuyện: Ở bản xa có người mổ con gấu, Lở đến xem nhưng không có tiền mua mật gấu hay tay gấu. Lở chỉ có hai trăm nghìn, nhưng muốn ngâm rượu con gấu, nên mua mỡ gấu về. Ông bố trẻ cũng chẳng biết mỡ gấu thì nó tốt cho cái gì, chẳng qua không có tiền, thì đành mua thứ không ai mua. Có cái ngâm rượu là tốt mà.

Rượu mỡ gấu uống hơi tanh, lại có vị ngấy đặc trưng của mỡ động vật, những chén đầu uống cảm giác như đang uống dầu ăn Neptune. Nhưng vì Lở nhiệt tình quá: Cả nhà anh chỉ có cái chai rượu ngâm mỡ gấu ấy là quý, để tiếp khách, đã lôi ra rồi. Trên bàn ăn, chỉ thấy có một nồi cải mèo nấu canh với một nồi cơm trắng. Thịt có một miếng trâu khô bé bằng nửa lòng bàn tay, Lở cũng đã dúi vào than hồng nướng lên để khách uống rượu.

Cũng chẳng ai nói rằng những người Mông này không vui. Họ có rượu uống, có miếng thịt nhắm rượu. Họ không đói. Nhà nào khá giả trong bản còn có cả cái tivi - người Tàu đã làm cả những chiếc đĩa DVD thu hình phim hành động hầm bà lằng trên nền nhạc truyền thống của người Mông, trẻ con ngồi xem chăm chú.

Nhưng cũng như khi đứng trong căn nhà của bà lang người Dao trong rừng Hữu Liên, bạn sẽ tự đặt câu hỏi: Liệu họ có thể đón một cái Tết khác?

Lở là người Mông, sống cách thị trấn du lịch nổi tiếng nhất vùng Tây Bắc - Sa Pa - không bao xa. Thậm chí là từ thị trấn, những vị khách Tây ưa khám phá có thể đi bộ trekking xuống bản của anh. Nhưng Lở chẳng có gì: Chỉ có ít nương, với một con trâu mới mua được. Trâu độ này cũng hay chết, phải đem mổ thịt ăn.

Ở cái bản “ngoại vi” vùng du lịch này, người dân chủ yếu trông vào hoạt động nông nghiệp đầy bấp bênh, khi thời tiết mỗi ngày một khắc nghiệt. Thảo quả có những năm mất trắng. Trâu bò chết rét.

Họ có thể làm gì để sống? Đi làm cửu vạn cho đám thị dân leo núi, hay là lên thị trấn bán hàng rong. Đấy là những lựa chọn bây giờ. Nhưng nếu bạn tâm sự với Lở đủ lâu, ngồi uống hết nửa chai rượu ngâm mỡ gấu ấy, anh sẽ giới thiệu bạn với bà cụ. Bà vẫn thêu thổ cẩm truyền thống - một loại sản phẩm vô cùng cần mẫn và không dễ tìm trong những địa điểm du lịch. Ở các quầy lưu niệm, người ta sẽ bán cho bạn những thứ thổ cẩm “nhái” được may công nghiệp ở đâu đó, có thể là bên kia biên giới. Bà dắt bạn về nhà, lôi từ trong bọc ra những thứ đồ mình không rao bán trên chợ. Thổ cẩm của người Mông rất phức tạp. Một chiếc áo có thể thêu mất cả năm. Và bạn chợt nghĩ ra, rằng mình muốn đến đây, xem bà cụ thêu những chiếc áo, chiếc mũ truyền thống này...

Vốn văn hóa của người Mông nơi này thực chất đã được khai thác khá sơ sài thông qua những gì sặc sỡ bày ra trên phố chợ.

Ở khắp vùng núi rừng Tây Bắc, bạn sẽ đi và gặp nhiều cái Tết đầm ấm. Họ hát, họ có thịt uống rượu say sưa. Mọi chuyện tưởng như thật an nhiên và không có gì thay đổi từ ngàn đời. Nhưng khi tĩnh lại, bạn nhìn thấy những đứa trẻ đã lâu rồi không có áo mới, cái áo cũ đã bẩn đen sì, những vách tường trống hoác và mâm cơm ngày thường của họ chỉ thấy rau cải muối. Trẻ con thì vẫn được đi học theo kiểu được chăng hay chớ.

Bạn nhìn thịt treo trên vách bếp, chợt nhớ đến một câu ca dao: “… Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”.

Những người Mông, người Dao này, vốn bị lãng quên trong sự tiến lên của đô thành, là người giàu hay người nghèo?

Ngày Tết miền cao, gợi ra nhiều suy nghĩ khác hơn là những cuộc luận chiến về gộp tết Tây tết ta trên mạng. Hay những băn khoăn về tiêu pha đi lại mệt mỏi nơi thị thành.

TIN LIÊN QUAN
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.