18 tuổi muốn chết
Sinh ra ở làng quê nghèo cuối huyện Thường Tín (Hà Nội), Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1984) hiểu rõ thế nào là cái nghèo đeo bám tuổi thơ. Bố mất từ khi Chung đang học lớp 1, mẹ nghèo chật vật nuôi 6 chị em hột gà hột vịt. Trong khi các anh chị chỉ được học đến lớp 5, lớp 6 thì Chung là con út, được mẹ và các chị động viên học đến lớp 12, rồi biết đâu đấy Chung có thể thi đại học hay học nghề, sẽ có cả chân trời tương lai mới…
Tuổi trẻ trong Chung tràn ngập ước mơ được bay nhảy, được lái xe đi khắp các cung đường ba miền Tổ quốc. Chung yêu thể thao, bơi lội rất giỏi. Cuộc sống đói nghèo đã có thể có cơ hội đổi màu nếu không có ngày định mệnh 19/5/2002 ấy, không có buổi trưa nghiệt ngã cách đây tròn 15 năm.
Trưa hôm ấy, Chung nhanh nhẹn nhảy xuống sông giúp cán bộ xã mò cái cờ-lê bị rơi, chẳng may người anh bị hút vào cái máy bơm nước. Bàn quạt trong máy bơm lạnh lùng vặn đứt đôi chân Chung. Chung lịm đi, không hay biết mình mất chân, chỉ nghĩ mình chết rồi! Một lúc sau, nước xuôi chiều, sức mạnh “bẻ gãy sừng trâu” của chàng trai mới lớn giúp Chung bật lên, vùng vẫy thoát khỏi dòng nước. May mắn thay, lúc ấy đúng ngày mùa, đồng ruộng đông đúc người cấy cày. Anh trai Chung hay tin đã phi đến thật nhanh, nhảy xuống hồ ôm eo, kéo em trai lên bờ. Chung thoát chết, nhưng đôi chân mãi mãi nằm lại lòng hồ.
Nguyễn Văn Chung (trái) thuở thiếu niên với vóc dáng dong dỏng, trước khi gặp tai nạn |
“Nhiều lúc buồn lắm. Tuổi trẻ mới bắt đầu đã phải nằm bất động một chỗ, muốn tìm đến cái chết cho nhẹ người” - Chung nói ít, nhưng mỗi tâm sự đều như rút ruột.
Một chàng trai mới lớn, chưa chạm ngưỡng 20, lòng rộn ràng hi vọng. Một chàng trai đáng lẽ sẽ trở thành một thanh niên cao to mét bảy, mét tám bỗng mất vĩnh viên đôi chân. Ngày đối diện thực tế nghiệt ngã ấy, Chung tự đóng sập cuộc đời mình trong bốn bức tường.
Trẻ quá, đau quá, không còn gì để mơ ước! Chung bảo, lúc đó cánh cửa tương lai đóng sập trước mắt. 2 tuần đau đớn với ca mổ ở bệnh viện Việt Đức, Chung trở về quê, suốt nửa năm sau chỉ nằm và khóc.
Ngã ở đâu, đứng lên ở đó
Khoảnh khắc ngoi lên bờ, bàng hoàng nhận ra đã vĩnh viễn mất đi đôi chân, Chung nức nở duy nhất một câu: “Anh ơi, em làm mẹ khổ rồi!”. Có lẽ vì nỗi niềm đau đáu đó mà trong nửa năm buông xuôi cuộc đời, Chung luôn nhìn về phía mẹ. Thấy mẹ cố gắng từng giây từng phút vì con, anh quyết định quệt nước mắt tìm tương lai.
“Ông trời còn thương mình, chưa bắt mình chết, ông trời chẳng bao giờ lấy của ai tất cả mọi thứ” – nghĩ thế, anh tập đi như một đứa trẻ. Không có chân vẫn phải bước tiếp.
Ngày đầu tiên Chung tập đi bằng đôi dép xỏ vào hai bàn tay, vừa bặm môi nhấc người lên anh đã mất thăng bằng, ngã lộn 1 vòng như đòn giáng. Đau nhiều, Chung không nản, anh tập đi bằng chân giả, bằng ghế nhựa rồi chuyển sang ghế gỗ… Càng ngã đau, Chung càng muốn chinh phục thử thách.
Suốt nửa năm nằm một chỗ khóc lóc đau buồn, cộng thêm một năm không bơi lội, Chung tưởng mình đã… vô dụng. Nhưng kỳ diệu thay, anh bắt đầu đi lại thành thạo, rồi lại bơi. Khi đắm mình xuống nước, Chung bơi dễ dàng dù chẳng còn lành lặn như xưa. “Bơi thấy mình nhẹ nhõm lắm, tự do lắm, nỗi đau như tan biến…”.
Đầu năm 2003, Chung xin tham gia CLB thể thao người khuyết tật thành phố Hà Nội với bộ môn ném lao, cử tạ và bơi lội. Gắn bó nhất là môn bơi.
Nguyễn Văn Chung say mê bơi lội |
Cuộc đời hình như bao giờ cũng dành cơ hội cho những người có ý chí, bản lĩnh sống. Chung vừa kịp tỉnh giấc sau nửa năm chìm trong tiêu cực, vừa kịp gia nhập CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội đầu năm 2003 thì Đại hội Thể thao khuyết tật Đông Nam Á 2003 (ASEAN Para Games) được tổ chức cuối năm tại Việt Nam.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, Chung được chọn vào đội tuyển người khuyết tật Việt Nam tham gia Para Games 2003. Đổ mồ hôi tập luyện suốt vài tháng ròng ở thành phố Hồ Chí Minh, Chung may mắn giành được 2 huy chương Bạc trong kỳ Para Games. Số tiền được giải, Chung dành toàn bộ xây một ngôi nhà khang trang ở quê cho mẹ.
Thành công đó đã giúp Chung tìm ra được con đường sống cho mình, đó là gắn bó với môn bơi: “Vì bơi mà mất chân, Chung quyết đứng lên từ môn bơi”.
Sau thành công bước đầu, Chung tiếp tục giành huy chương vàng ở kỳ thi Para Games tại Thái Lan, rồi huy chương đồng ở kỳ thi Paragames tại Indonesia…
Made by Chung – câu chuyện viết tiếp những nụ cười
Sau khi trở thành một vận động viên khuyết tật có thành tích kha khá, Chung lại muốn tìm cơ hội thứ hai để dấn thân, để khẳng định mình. Đó là sản xuất những sản phẩm an toàn cho sức khỏe mọi người, đồng thời thân thiện với môi trường.
Chung làm xà phòng rất thành thục và "lành nghề" |
Với Chung, đã là vận động viên thì đều có thời. Vận động viên nào cũng sẽ phải vắt kiệt sức mình như một quả cam để cống hiến cho sự nghiệp. Đến lúc vắt kiệt là lúc hết thời. Giờ Chung vẫn đang miệt mài với vị trí vận động viên bơi lội, chưa có suy nghĩ “giải nghệ”, nhưng Chung muốn thử sức sáng tạo, khám phá khả năng bản thân sau những kỳ thi đấu căng thẳng.
Sản phẩm mà Chung chọn là tự tay tạo ra những bánh xà phòng thân thiện môi trường, an toàn với người sử dụng. Thành phần trong những bánh xà phòng Chung làm đều có nguồn gốc thiên nhiên lành tính. Khi là cám gạo, mật ong, vỏ bưởi, khi là than tre, tinh bột nghệ… Xà phòng cho mọi người, cho cả những người thân của anh yên tâm sử dụng.
Chung thú nhận anh không biết gì về xà phòng. Nhưng nhờ những người bạn bên cạnh có chuyên môn “dạy lại”, người là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, người “nặng lòng” với nông sản sạch… luôn sát cánh bên cạnh, họ vừa cung cấp các phụ phẩm nông nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, vừa dạy Chung cách cân đo đong đếm sao cho tỉ lệ nấu xà phòng chuẩn nhất… Đã 2 năm nay, Chung có đủ tự tin để làm ra những sản phẩm thuần Việt và an toàn bán ra thị trường. Mục đích của Chung và những người bạn là tạo ra những bánh xà phòng an toàn, nhưng lớn hơn cả là làm sao gia tăng giá trị sau thu hoạch cho nông sản Việt. Chung muốn góp sức cùng mọi người viết lên câu chuyện của những người làm nông nghiệp bền vững, nỗ lực đưa ra một sản phẩm tự nhiên, sạch và an toàn.
Đã 2 năm nay, Chung có đủ tự tin để làm ra những sản phẩm thuần Việt và an toàn bán ra thị trường |
“Nhiều người chỉ quan tâm “đút túi” được bao nhiêu mà chẳng đoái hoài đến sức khỏe khách hàng, làm sao bền vững được…” - Nhìn Chung loay hoay với đống đồ nghề để làm xà phòng mới thấy hết sự nỗ lực mà anh dồn tâm huyết. Lúc đảo nồi, lúc trộn hương liệu, lúc cắt xà phòng… Lúc đó, Chung chẳng quan tâm đến người xung quanh, mọi công đoạn anh đều bỏ hết tâm trí vào.
"Ông trời vẫn còn thương mình lắm" - Chung mỉm cười chấp nhận số phận, nỗ lực tìm niềm vui sống |
Hi vọng “nghề” bơi lội của Chung sẽ còn nhiều huy chương vẫy gọi, mong những sản phẩm của Chung sẽ đứng vững trên thương trường, và một ngày nào đó có mặt trên thị trường quốc tế. Dẫu biết rằng, vĩnh viễn mất đi đôi chân, những ngày khó khăn của một người khuyết tật như Chung sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Khó khăn vẫn còn rất dài phía trước. Nhưng Chung cười bảo, “sẽ cố gắng mang lại nụ cười trên môi mẹ và các chị, để gia đình an tâm và tự hào…”.