Cuốn sách đi sâu vào các khía cạnh lịch sử không gian văn hóa và hệ âm luật của loại hình nghệ thuật cổ truyền Ả đào (Ca trù).
Theo tác giả, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, không một thể loại âm nhạc nào lại có tính đa diện như nghệ thuật Ả đào. Lâu nay, nói đến Ả đào (Ca trù), dư luận xã hội thường nghĩ ngay đến “nhà hát Cô đầu” cùng những thú ăn chơi mà người ta mặc định là “sa đọa, trụy lạc” - tàn dư của chế độ thực dân phong kiến thời đầu thế kỷ XX. Song, ít người biết rằng, trong nền âm nhạc dân tộc, Ả đào là thể loại ở tầng bậc kỹ thuật cao với hệ âm luật phức tạp nhất.
Ngược dòng lịch sử, từ nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, Ả đào là một thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp, bao phủ khắp các vùng từ miền Bắc trở vào cho đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sang nửa sau thế kỷ XX, khi lịch sử sang trang, giáo phường Ả đào giải tán, nhà hát Cô đầu chốn thị thành buộc phải đóng cửa, đào kép mai danh ẩn tích và Ả đào biến mất hoàn toàn khỏi đời sống xã hội…
Chỉ sau khi được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản thế giới, Ả đào mới được biết đến nhiều hơn. Trong cuốn sách “Ả Đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”, tác giả, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền đã chọn một cách tiếp cận khác; đó là đi sâu vào các khía cạnh lịch sử, không gian văn hóa và hệ âm luật của chính loại hình nghệ thuật cổ truyền này. Qua 7 phần nội dung, bạn đọc sẽ từng bước đi vào thế giới đầy tính nghệ thuật, đậm tinh thần văn hóa Việt Nam của hát Ả đào, lý giải và hiểu được lý do vì sao loại hình âm nhạc này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Tại buổi ra mắt sách, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan đã có những chia sẻ để độc giả hiểu hơn về hát Ả đào. Tác giả Bùi Trọng Hiền đã kể về quá trình 9 năm ròng rã tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời cuốn sách đưa đến góc nhìn mới về công cuộc bảo tồn và phát triển loại hình âm nhạc truyền thống này.
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, bên cạnh những phát hiện có tính bước ngoặt về Ả đào, qua cuốn sách, Bùi Trọng Hiền đã kể những câu chuyện thú vị và cảm động suốt tiến trình phát triển và mai một của thể loại âm nhạc cổ xưa nhất của người Việt.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đánh giá cao cuốn sách của nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền. Đây là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên hệ thống, bài bản liên quan đến Ả đào, từ giá trị cốt lõi về nghệ thuật cũng như những vấn đề liên quan đến kỹ thuật về âm luật…
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, cuốn sách là công trình nghiên cứu mà sau này có nhiều nhà nghiên cứu, những người thực hành về nghệ thuật hay thế hệ sau sẽ tìm được ở đó những chỉ dẫn để có thể bảo tồn, phát huy được nghệ thuật hát Ả đào…