Vào khoảng thiên niên kỉ thứ hai trước Công nguyên, các nền văn minh đã xuất hiện khắp vùng phía đông Địa Trung Hải, trong đó có Vương quốc Ai Cập mới, Hittite, Mycenaeans… Thế nhưng chỉ một thời gian sau, hàng loạt những nền văn minh này đều sụp đổ. Nguyên nhân được dự đoán là do động đất, dịch bệnh, bất ổn xã hội… Tuy nhiên, tất cả những nguyên nhân này đều bị các nhà khoa học bác bỏ.
Ông Eberhard Zangger – một nhà nghiên cứu tại Zurich, Thụy Sĩ cho rằng nguyên nhân thực sự dẫn đến sự sụp đổ của các nền văn minh này là sự trỗi dậy hùng mạnh của một đế chế ở miền tây Anatolia, đó là đế chế Luwian.
Theo nghiên cứu của ông Eberhard Zangger, khu vực miền tây Anatolia là một nơi cực kì giàu khoáng sản và kim loại. Do đó, nơi đây chắc chắn tồn tại một nền văn minh hùng mạnh. Qua hình ảnh vệ tinh, Zangger cũng đã phát hiện ra rằng khu vực này cực kì đông dân cư vào thời kì đồ Đồng.
Cả sử sách của Hittite và Ai Cập đều ghi nhận từng xuất hiện một đế chế hùng mạnh càn quét một khu vực rộng lớn để tìm kiếm sự giàu có và quyền lực, khiến các nền văn minh lâu đời ở đây phải lao đao. Người Ai Cập gọi đế chế đó là những “Người miền biển”. Lời miêu tả về đế chế này rất giống với những người Luwian.
Riêng những người Mycenaens, vì biết rằng mình sẽ bị người Luwian tấn công nên đã tự hình thành một đội quân lớn để tự vệ. Họ tìm đến nơi những người Luwian sống và huỷ diệt các thành phố chính, trong đó có thành Troy (một số bằng chứng đã cho thấy thành Troy là một thành phố thuộc đế chế Luwian). Khi trở về, đế chế Mycenaens đã rơi vào một cuộc nội chiến và sau đó bị diệt vong. Đây là nền văn minh cuối cùng sụp đổ cuối thời kì đồ Đồng.
Như vậy, qua những nghiên cứu của Zangger, có thể thấy dường như sự tích về cuộc chiến thành Troy trong sử thi Odyssey của Homer là không hoàn toàn đúng sự thật. Thay vì được coi là một cuộc chiến xuất phát từ sự ghen tị về sắc đẹp giữa các nữ thần, thì cuộc chiến thành Troy có lẽ là kết quả từ sự xung đột giữa các đế chế hùng mạnh của thời kì đồ Đồng, trong đó, chủ yếu là bởi sự hung hăng của những người Luwian.
Theo Minh Hạnh/ Tiền phong