Mùa hè lênh đênh của lũ trẻ làng “4 không”

Mùa hè lênh đênh của lũ trẻ làng “4 không”

Khi tiếng ve vang rộn các vòm cây bằng lăng, sắc màu rực đỏ nhuộm kín tán phượng cũng là lúc những đứa trẻ của làng chài Nguyệt Đức (huyện Việt Yên, Bắc Giang) háo hức chờ kỳ nghỉ hè gõ cửa.

________________

Mùa hè lênh đênh của lũ trẻ làng “4 không” ảnh 1

Nép mình tại một khúc sông Cầu nối hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, làng chài Nguyệt Đức với hơn 165 nóc nhà là nơi sinh sống của khoảng 700 cư dân. Gọi là nóc nhà nhưng thực chất người dân Nguyệt Đức đã “bê tông” hóa những con thuyền lớn để cải tạo thành nhà ở.

Nằm ngay sát hai thôn Vân Hà và Thổ Hà, vốn nổi tiếng với những rượu làng Vân hay gốm Thổ Hà, làng chài Nguyệt Đức từng một thời ăn nên làm ra nhờ nghề vận tải hàng hóa trên sông, chưa kể cá tôm sông Cầu luôn ăm ắp. Khi làn sóng công nghiệp hóa ập tới, nghề gốm Thổ Hà mai một, còn sông Cầu trở thành “dòng sông chết” vì nước thải công nghiệp, cũng là lúc sinh kế của dân chài Nguyệt Đức bấp bênh nhất. Nhiều thập kỷ qua, làng chài này đã không còn sống được nhờ nghề sông nước.

Bất an là vậy nhưng Nguyệt Đức chưa bao giờ vắng tiếng bi bô của con trẻ. Nhà nào khá giả thì lên bờ sinh sống, hoặc tậu thêm một chiếc thuyền mới giá bằng một chiếc xe máy để làm nhà cho con. Và những đứa trẻ lại ra đời trong những “căn nhà” dập dìu sóng nước.

Không còn nghề chài lưới, nhiều thế hệ thanh niên Nguyệt Đức tứ tán khắp nơi kiếm miếng ăn. Người đi làm công nhân nhà máy, người dong thuyền đi kiếm ăn ngoài cửa bể. Những đứa trẻ của Nguyệt Đức từ sớm đã phải làm quen với cảnh vắng bóng cha mẹ.

Vốn là thôn Công giáo toàn tòng, trẻ con Nguyệt Đức cứ vào độ hè sẽ được đưa tới nhà thờ học giáo lý. Mỗi buổi lễ, các em thắt khăn quàng xanh, ngồi nghiêm ngắn ở hàng ghế đầu nghe giảng. Có những cái ngáp vội, có những ánh mắt nhìn nhau khúc khích nhưng những đứa trẻ đều cố gắng ngồi nghe trọn bài giảng trước khi ùa ra sân chơi.

Mùa hè năm nay đối với cậu bé 7 tuổi Nguyễn Văn Vương là một dịp rất đáng mong chờ. Khi năm học chỉ còn chưa đầy 2 tuần là kết thúc, Vương và nhiều bạn bè đều đếm từng ngày để được Nhà thờ đưa đi tắm biển ngoài Hải Phòng.

Mùa hè lênh đênh của lũ trẻ làng “4 không” ảnh 2

Cũng giống như nhiều đứa trẻ khác tại Nguyệt Đức, Vương sống cùng ông bà và anh chị em trong nhà. Từ khi có nhà trên bờ, Vương được ông chở xe máy đi học mỗi sáng. Còn trước đây, cậu bé được bà đưa đi học bằng thuyền, loại thuyền tôn với hai mái chèo nhỏ chở được không quá 3 người, vốn là phương tiện quen thuộc của dân chài Nguyệt Đức.

Dù quen dòng nước là vậy nhưng việc băng qua sông bằng thuyền nhỏ cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Khúc sông Cầu nơi làng Nguyệt Đức cư ngụ cũng là nơi tấp nập tàu hàng qua lại. Đã có không ít vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra khi người dân Nguyệt Đức chèo thuyền nhỏ qua sông.

Hàng ngày, đoạn sông Cầu chảy qua làng Nguyệt Đức có hàng trăm lượt đò ngày đêm qua lại phục vụ hoạt động đi lại, đưa đón học sinh đến trường giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Chưa kể tới việc bất kể ngày đêm, người dân sống quanh khúc sông này phải nghe tiếng động cơ ầm ĩ, cùng mùi dầu máy khét lẹt.

Ông Nguyễn Văn Chung, trưởng thôn Nguyệt Đức cho biết, chỉ riêng năm ngoái làng chài nhỏ này đã chứng kiến 4 vụ tai nạn đuối nước, trong đó có 2 vụ liên quan tới trẻ em. Mỗi sáng, những đứa trẻ dù có hớt hải muộn học tới mấy, cũng vẫn cố gắng tỉnh táo băng qua những tấm ván gỗ gia cố với sắt để đặt chân lên bờ. Tại Nguyệt Đức, chỉ cần nhìn ngoài cửa là biết nhà nào có con nhỏ. Trước mỗi bậc thềm và cửa sổ đều có song sắt chặn ngang để bảo vệ những đứa trẻ đến tuổi chập chững.

Mùa hè lênh đênh của lũ trẻ làng “4 không” ảnh 3

Vừa nói, chị Thu vừa không rời mắt nhìn cô con gái 13 tuổi chạy nhảy qua lại giữa những con thuyền. Nhiều năm nay, chị Thu cùng chồng dong thuyền khắp nơi, ở đâu có công trình cần cát thì họ tới đó. Chỉ dịp Tết, gia đình 5 người nhà chị Thu mới đoàn tụ đông đủ. “Mùa nước lũ dâng cao, trẻ con đi học bằng thuyền rất nguy hiểm. Có khi mưa lũ lại phải nghỉ học vì không lên nổi bờ”, chị Thu nói.

Bà mẹ ba con bộc bạch, hè năm nay vợ chồng chị tranh thủ về với con: “Thực ra là thất nghiệp. Các công trình xây dựng gần như không thấy gọi”.

Mùa hè lênh đênh của lũ trẻ làng “4 không” ảnh 4

Nằm ven hai bờ sông Cầu, dân chài Nguyệt Đức về mặt hành chính có hộ khẩu thuộc tỉnh Bắc Giang nhưng nhiều hộ dân vẫn neo thuyền bên Bắc Ninh. Hộ nào kinh tế vững vàng đều đã lên bờ từ 10-20 năm trước, họ cất nhà và làm hộ khẩu ở Bắc Ninh để con cái được đi học đúng tuyến. Những hộ không có điều kiện chỉ còn cách neo nhờ ở nhà dân trên bờ. Cuộc sống tạm bợ, điện phải mua lại với giá cao, nước sạch mua theo giá 7.000 đồng/thùng.

Làng Nguyệt Đức từng có nghề đánh bắt hến để bán làm thức ăn cho cá. Nhưng từ khi có nhà máy xả thải gần đó, không con gì sống nổi dưới làn nước đục ngầu, hôi tanh mùi cống.

Lưới thả cả đêm, sáng vớt lên chỉ rặt dọn bể, thứ cá đeo bám, hôi tanh mà người dân ngán ngẩm vứt trở lại sông. Muốn bắt hến, họ phải ngược dòng cách đó hàng chục cây số. Nghề chài lưới cứ thế mai một.

Mùa hè lênh đênh của lũ trẻ làng “4 không” ảnh 5

Ông Trần Đình Bút, một bậc cao niên trong làng cho biết, Nguyệt Đức còn có tên gọi là “làng 4 không”: không điện, không nước, không tấc đất cắm dùi và thậm chí là chết không có chỗ chôn.

Năm xưa khi nghề vận chuyển của Nguyệt Đức còn thịnh vượng, các cụ trong làng đã thuê một khoảng đất trên đồi Quả Cảm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) để làm nghĩa trang cho cả làng. Hàng năm, mỗi người dân Nguyệt Đức, từ trẻ tới già, đều phải đóng 100.000 đồng tiền thuê đất tha ma. Một con số lớn đối với nhiều hộ vốn đã phải bấm bụng ngày hai bữa.

Kết thúc bài kinh cầu nguyện sáng, ông Bút múc vội hai gầu nước dưới sông để tưới cây. Trong trí nhớ của ông Bút, khúc sông Cầu nơi ông sống từng rất sạch, khi nào khát thì vục tay lên uống không ngại ngần. Còn giờ, tưới cây xong ông phải rửa tay bằng nước sạch để tránh bị ngứa.

“Mấy nay có nước thượng nguồn nên sông đỡ mùi và đen. Tháng trước nắng to, ban đêm nước hấp hơi lên vừa nóng vừa thối. Cả nhà già trẻ kéo nhau lên bờ mắc võng ngủ”, ông Bút nói.

Cách thuyền ông Bút vài trăm mét, một dải đất ven sông Cầu thuộc phường Vạn An (thành phố Bắc Ninh) đang trong tình trạng sạt lở, nhà cửa dù mới xây kiên cố cách đây vài năm nhưng đã có hiện tượng sụt lún, thậm chí nứt vỡ tường nhà. Những hộ này từng sống nhiều năm trên thuyền, tích cóp nhiều năm mới mua được mảnh đất trên bờ. Thế nhưng tình cảnh lênh đênh vẫn bám riết những thân phận dân chài.

Bần thần đứng nhìn căn nhà 3 tầng đang bị nghiêng, chị Nguyễn Thị Lượng cho biết hai vợ chồng vừa tích cóp vay mượn để xây căn nhà ngót nghét cả tỷ đồng. Nhận được thông báo di dời khẩn cấp, vợ chồng chị chỉ còn cách nuốt nước mắt dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Mùa hè này đối với hai đứa trẻ gia đình chị sẽ thật khó quên, khi các em phải làm quen với cảnh sống tạm trong một tầng hầm của nhà người thân.

Mùa hè lênh đênh của lũ trẻ làng “4 không” ảnh 6

Nhiều năm nay, người dân Nguyệt Đức đã đề đạt nguyện vọng được lên bờ tái định cư. Chính quyền huyện Việt Yên và tỉnh Bắc Giang cũng đã nhiều lần xem xét nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở những lời hứa, dù cơ chế và ngân sách đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhiều đời sống bấp bênh trên thuyền, người dân Nguyệt Đức giờ chỉ mong muốn được lên bờ, để con cái họ được ngủ dưới một mái nhà vững chắc.

Mất nghề vận tải, không còn bám víu vào cá tôm, người dân Nguyệt Đức chỉ còn một hy vọng duy nhất, đó là lũ trẻ. Nhiều thế hệ thanh niên Nguyệt Đức vì nỗi lo cơm áo mà bị “ép chín”, từ nhỏ đã phải cùng bố mẹ gồng gánh việc chài lưới. Không ít người chỉ học hết cấp 2, rồi vội vàng đi học nghề, làm công nhân xa nhà.

Chị Nguyễn Thị Thu cùng chồng nhiều năm qua cố gắng nuôi hai con lớn học cao đẳng trên Hà Nội, cũng chỉ mong các con thoát ly, không phải sống cảnh sông nước như bố mẹ. Trông vào Linh, con gái út, chị Thu nói chỉ mong sao con mình là thế hệ đầu tiên của Nguyệt Đức dứt hẳn cảnh sống trôi nổi trên thuyền.

Khi được hỏi về kỳ nghỉ hè sắp tới, cô bé 12 tuổi thật thà: “Con với các chị sẽ đi bơi. Hè này bố mẹ về con rất vui. Con muốn sau này lên Hà Nội học giống anh chị”.

Lại thêm một mùa hè, lũ trẻ Nguyệt Đức chịu cảnh lênh đênh sông nước.

TIN LIÊN QUAN
Quốc gia chuẩn bị đón năm mới... 2017
Quốc gia chuẩn bị đón năm mới... 2017
(Ngày Nay) - Vào ngày 11/9 tới, người dân Ethiopia sẽ kỷ niệm thời khắc chuyền giao giữa năm cũ và năm mới. Tuy nhiên, khi quốc gia Đông Phi này bước sang năm mới trong vài tháng nữa thì về mặt kỹ thuật đó sẽ là năm 2017, theo lịch của người Ethiopia.
Tỷ phú Elon Musk
56 tỷ USD tiền thưởng của Elon Musk vẫn chưa ngã ngũ
(Ngày Nay) - Tesla và những người phản đối khoản lương khổng lồ dành cho Elon Musk đang tranh cãi gay gắt về việc giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp liên quan đến gói lương 56 tỷ USD của vị CEO này và hàng tỷ USD phí pháp lý xoay quanh vụ việc này .
Khóa tu mùa hè năm 2023 tại Chùa Ba Vàng.
Chùa Ba Vàng tạm hoãn tổ chức Khóa tu mùa hè năm 2024
(Ngày Nay) - Sáng ngày 21/6 website chùa Ba Vàng thông báo "Do bận một số Phật sự quan trọng trong mùa An cư kiết hạ, nhà chùa xin thông báo tạm hoãn tổ chức các Khoá tu mùa hè mà Quý Phụ huynh và Khoá sinh đã đăng ký, cho đến khi có thông báo mới"
Ảnh minh hoạ.
NASA hoãn vô thời hạn việc tàu Starliner trở về Trái đất
(Ngày Nay) - Trong thông báo ngày 21/6, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết kế hoạch đưa tàu Starliner của Boeing chở theo các phi hành gia từ Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) về Trái Đất tiếp tục bị hoãn. NASA không đưa ra thời hạn dự kiến mới cho kế hoạch này.