1. Anh nhớ không, cuối mỗi mùa đông, khi khoác áo hơi dày một chút là lưng dâm dấp mồ hôi, vợ anh sẽ mang tất cả đồ mùa đông ra giặt, đón cái nắng mới thơm tho vàng như mật. Cái đảm đang tần tảo của người vợ, người mẹ ấy, không có máy giặt đời mới nào so sánh được. Quần áo lạnh được ngâm kỹ, rồi chà bàn chải cẩn thận từng cổ áo, tay áo, từng vết dây bẩn. Đây là vết bơ ăn với bánh mỳ mẹ dậy sớm chuẩn bị cho con trai lớn đi học. Đây là vết bút chì con gái nhỏ nghịch tô màu. Đây là vết cà phê anh thức làm việc đêm, vợ dậy pha để anh uống mà anh sơ ý gạt tay vào. Từng vết, gọi là vết bẩn thì là vết bẩn, mà gọi là sự thương yêu chăm chút thì cũng không sai.
Rồi cũng lại người vợ, người mẹ ấy, giặt giũ phơi phóng xong xuôi rồi, đem cất quần áo, chăn bông chăn dạ vào tủ. Thứ gì gấp thì gấp, thứ gì treo thì treo, còn cẩn thận lồng túi nylon kỹ càng. Và trong mỗi nếp gấp, phía trong cổ áo hay nơi túi ngực, sẽ được khéo léo đặt vào một viên băng phiến.
Anh còn nhớ mùi băng phiến không?
Suốt cả một thời gian khó, khi mà bánh xà phòng giặt còn là của hiếm, lọ nước hoa bằng ngón tay út là món quà quá đỗi xa xỉ, thì băng phiến chính là thứ tạo mùi dễ chịu và dễ kiếm nhất của mỗi gia đình. Chức năng chính là đuổi gián và những con bọ nhạy gặm vải, nhưng băng phiến còn được chuộng vì nó thơm. Thứ mùi thơm hăng hắc, nhưng sạch sẽ. Sau một mùa Đông, những đồ lạnh lại được lấy ra dùng. Mở rương đồ ra, mùi băng phiến bay lên thơm phức, ấm áp ngay cả khi chưa mặc tấm áo, đắp chiếc chăn lên người.
Có một truyện ngắn về một anh chồng quyết chia tay vợ để đi với một người phụ nữ khác, người mà anh cho rằng đó mới là tình yêu đích thực của đời mình. Họ hẹn nhau sẽ bỏ lại tất cả, chỉ đơn giản là ra đi thôi. Chiều hôm ước hẹn, trời trở gió, anh lôi áo ấm từ trong tủ ra mặc. Khi người phụ nữ kia lao tới ôm anh, vùi mặt vào vai anh, thì trong khoảnh khắc, cô bật khóc. Rồi cô nói với anh rằng, cô ngửi thấy ở áo anh mùi băng phiến. Và nó khiến cô hiểu rằng, đằng sau anh là một người vợ tần tảo chăm chút cho gia đình, âm thầm và chu đáo. Cô cũng là phụ nữ, cô không thể làm tổn thương một người phụ nữ như thế. Cuối cùng thì họ không đi đâu cả, cô đẩy lưng anh quay về nhà, nơi có những đứa trẻ thơm mùi băng phiến.
Còn anh, anh có nhớ mùi băng phiến không?
2. Em nhớ không, ngày trước ông ngoại hút thuốc lào. Ông thợ mộc gày gò ấy, ăn uống chẳng bao nhiêu, chỉ thích 2 thứ là báo Quân đội nhân dân và thuốc lào. Ông bà ngoại đông con, ông giải ngũ cầm ngay cái bào cái đục, bà làm công nhân nhà máy, vất vả xoay xở nuôi sáu bảy người con. Bữa ăn toàn cơm với dưa cà chấm mắm. Thường chả đủ cơm, có khi không đủ cả mắm. Thế mà mẹ em không ăn được nước mắm, nguồn đạm duy nhất, nên cứ trường kỳ cơm chan nước dưa.
Ông ngoại thương, thỉnh thoảng giấu bà cho mẹ mấy hào, ra mua chả ăn cho có chất. Chẳng biết có phải vì thế, mà sau này mẹ em là người con duy nhất trong nhà học lên được đại học, rồi đi làm kỹ sư, rồi đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Ông bà ngoại ở nhà, lại thay mẹ nuôi 2 anh em trứng gà trứng vịt.
Em còn nhớ mùi ông ngoại không? Ông tứ thời khoác cái áo lính cũ sờn, ngồi xổm ở cửa nhà, trước cái băng gỗ dùng để kê bào, và hút thuốc lào. Cái điếu bằng tre đực lên nước bóng láng bụng lươn, rít nổ tanh tách từng tràng dài. Rồi ông khoan khoái nhả khói, mù mịt, trắng đục, thơm khét. Nắng chiếu xiên khoai, những làn khói vẽ ra muôn hình thù bay mãi không tan. Em thường đợi lúc ấy, biết là lúc ông vui vẻ dễ chịu, chạy lại ngồi trong lòng ông, tay cầm tờ báo Quân đội nhân dân bi bô đánh vần.
Trẻ cùng ngõ chơi trò cô giáo dạy em đọc, thành ra hơn 4 tuổi em đã đọc được sách báo rồi. Ông yêu lắm, kiên nhẫn ngồi nghe em đọc. Lúc ấy mùi của ông sao dễ chịu, mùi của vỏ bào, mùn cưa, mùi gỗ thông, mùi dầu cao Sao Vàng, mùi mồ hôi chua mặn, và mùi thuốc lào khen khét. Những buổi chiều như thế nuôi dưỡng tuổi thơ em, mùi thuốc của ông đi cả vào từng giấc ngủ.
Ông mất, lúc mẹ vẫn ở nước ngoài. Ông gọi em vào lần cuối, kéo em lại hôn lên tóc, cầm tay em dặn dò. Đấy là lần cuối cùng em còn áp vào ngực ông, nghe hơi ấm, nghe mùi thuốc lào sực lên cay mắt.
Mùi của yêu thương, không nằm trong một chuẩn mực nào, biết lấy gì mà so?
3. Con trai, con có còn nhớ mùi của mẹ chứ?
Hôm vừa rồi, trên TV trong một chương trình thi ca nhạc, có chàng trai trẻ hát một bài do cậu sáng tác, mang tên là Mùi của mẹ. Cậu hát rằng, mẹ cậu bán cá ở chợ, mùi của bà với thơ ấu của cậu lẫn vào mùi cá mặn mòi. Rằng cậu lớn lên, chạy theo những ước mơ nơi phố thị, không còn mấy khi nhớ mẹ với mùi cá mặn ở quê. Rằng một hôm va vấp đường đời, cậu trở về, lại núp vào bao dung của mẹ. Và rằng, đến một lúc nào đấy, cậu sẽ đủ vững chãi để mẹ dựa vào, để nói “Mẹ đứng sau lưng con đây”.
Bài hát có lời rất buồn, tiết tấu cũng chậm rãi. Ban giám khảo nghe xong, người thì nói nó không cuốn hút, người thì nói không thích khi cậu chọn mùi để nhớ về mẹ, chứ không phải điều gì khác.
Ừ, con trai, thường thì người ta viết về mẹ với những lời hoa mỹ, với đôi mắt đẹp, đôi tay thon, hoặc những nếp nhăn trên vầng tráng, hoặc mái tóc điểm sương, hoặc lời ru ầu ơ ngọt ngào. Mấy ai viết về mùi của mẹ.
Nhưng con trai này, con có nhớ mùi của mẹ không?
Chàng trai sáng tác ấy có mẹ bán cá, thì mùi của mẹ cậu ấy là mùi cá. Người mẹ làm công nhân sẽ có mùi dầu máy. Người mẹ làm giáo viên sẽ có mùi bụi phấn. Người mẹ làm nông dân sẽ có mùi bùn, mùi cỏ, hay thậm chí là mùi phân trâu.
Mùi của mẹ, truyền vào tâm khảm từng đứa trẻ, những đứa trẻ may mắn có mẹ, được mẹ nuôi nấng thương yêu.
Con trai, mỗi khi giận dỗi mẹ, nói những câu lạnh nhạt đau lòng, con có nhớ đến mùi của mẹ không?
Cũng trên truyền hình, người ta có lần chiếu một phóng sự về những đứa trẻ lớn lên cùng với mẹ ở trong tù. Nhà nước có chính sách riêng cho những nữ tội nhân sinh con trong tù mà không đủ điều kiện tại ngoại. Những đứa trẻ lớn lên sau song sắt, cùng mẹ. Chúng cũng được đi nhà trẻ, được chơi với chúng bạn, được mẹ kề bên mỗi sáng chiều. Dù mẹ chúng sẽ không có mùi của tự do, nhưng họ bù đắp cho con mình bằng mùi của dòng sữa, mùi của những chiếc hôn, mùi của những vòng tay âu yếm. Đó là mùi của tình mẫu tử, mùi của mẹ, không gì sánh được không gì thay thế được.
Con trai, đường xa vạn dặm đã qua và sẽ đến, con có nhớ mùi của mẹ không?
Đây, bài thơ Cội nguồn (The source) của Tagore, nếu con không nhớ.
The sleep that flits on baby's eyes--does anybody know from where
it comes? Yes, there is a rumour that it has its dwelling where,
in the fairy village among shadows of the forest dimly lit with
glow-worms, there hang two shy buds of enchantment. From there
it comes to kiss baby's eyes.
The smile that flickers on baby's lips when he sleeps--does
anybody know where it was born? Yes, there is a rumour that a
young pale beam of a crescent moon touched the edge of a
vanishing autumn cloud, and there the smile was first born in the
dream of a dew-washed morning--the smile that flickers on baby's
lips when he sleeps.
The sweet, soft freshness that blooms on baby's limbs--does
anybody know where it was hidden so long? Yes, when the mother
was a young girl it lay pervading her heart in tender and silent
mystery of love--the sweet, soft freshness that has bloomed on
baby's limbs.
Cội nguồn
Cái giấc ngủ đậu lên trên mắt bé,
Có ai biết nó từ đâu đến không?
Vâng, có tiếng đồn rằng nó ở trong một làng tiên
Giữa những bóng của rừng cây râm mát
Có những đàn đom đóm sáng soi
Có hai nụ vui rụt rè, lơ lửng
Giấc ngủ đã đến từ những nơi đó
Để hôn lên mắt bé.
Nụ cười thấp thoáng trên môi khi bé ngủ
Có ai biết nó sinh ở nơi nào ?
Vâng, có tiếng đồn rằng có một ánh trăng xanh xao, non trẻ
Đã chạm vào vành của một đám mây mùa thu sắp sửa tan đi
Và nụ cười đã sinh ra lần đầu tiên ở đó
Trong giấc mơ của một buổi sáng đầm sương-
- Cái nụ cười thấp thoáng trên môi khi bé ngủ.
Sự tươi mát dịu dàng, mềm mại nở trên chân tay của bé
Có ai biết nó được giấu kín ở nơi nào lâu thế ?
Vâng, khi người mẹ còn là một cô gái trẻ
Thì nó đã nằm trong trái tim người
Làm một bí ẩn của tình thương ngọt ngào và lặng lẽ -
Sự tươi mát dịu dàng, mềm mại nở trên chân tay của bé.
(Bản dịch của Đào Xuân Quý)
4. Này anh, này chị, này cô, này cậu, mọi người còn nhớ mùi Tết không?
Mùi hăm ba Chạp, con cá chép đỏ quẫy đuôi biến mất dưới làn nước Hồ Gươm. Cái tanh tao thoảng trong mùi gió lạnh. Kéo cổ áo lên, quay lưng lại biết là Tết rồi.
Mùi hăm lăm hăm tám, tíu tít dọn nhà, lấy cây chổi lông gà lùa vào từng ngóc ngách. Bụi bay lên vảng vất trong không trung, những cuốn sách cũ năm một lần được nhấc lên, rồi đặt xuống trong tiếng thở dài khe khẽ vì lại chưa đọc đến.
Mùi chiều Ba mươi, đun nồi nước mùi già, mở vung thơm lừng mấy tầng gác, giục giã tâm trí thanh tẩy những bộn bề cơ cực của năm qua.
Mùi sớm mùng Một, cúi lạy ông bà tổ tiên, ông nội đốt một đỉnh trầm. Hương trầm thành kính, tĩnh lặng mà hiển hiện như là có thể chạm vào. Như là có thể nhờ làn hương ấy, mà lại được thấy bà nội tóc bạc phơ phơ, cười hiền hậu xoa đầu mừng tuổi.
Mùi pháo Bình Đà bao năm không còn nghe nữa, cũng như những xa xưa nay đã trở nên nhàm chán, xô bồ.
Này anh chị, ai nói chuyện bỏ Tết đi, có còn nhớ Tết từng được viết hoa trong tâm trí, từng là ấm áp gia đình, thân tình họ mạc. Ai làm hỏng Tết vì những cầu kỳ xa hoa biếu xén, có còn nhớ mùi Tết đã từng thế nào không?
5. Có phải thực sự mùi chỉ là mùi không? Có phải thế gian được tạo nên bởi những mùi không…