"Muôn mặt nhân gian" qua Lăng kính của Thủy

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Muôn mặt nhân gian” là triển lãm cá nhân lần thứ ba của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy trong chuỗi triển lãm mang tên LĂNG KÍNH CỦA THỦY diễn ra từ 10/9 – 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học) với 42 tác phẩm acrylic và gốm .
"Muôn mặt nhân gian" qua Lăng kính của Thủy

Triển lãm cá nhân lần thứ ba “Lăng kính của Thủy - Muôn mặt nhân gian” của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy diễn ra từ 9-17h30 hàng ngày từ 10/9 đến 17/9/2024 tại tầng 2 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học. Triển lãm gồm gần 37 tác phẩm chất liệu acrylic và một số tác phẩm gốm.

Về tên triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết, tôi GHÉP KÝ ỨC (2021) bằng những mảnh đa giác và những dòng màu tan chảy. Rồi tôi tạo nên LĂNG KÍNH CỦA THỦY (2022) bởi acrylic và giấy báo. Và nay là MUÔN MẶT NHÂN GIAN khi mà những gương mặt người được phân mảnh thành những ô kính màu – kỷ hà đa diện và phức tạp hơn, với những sắc độ màu khác nhau tạo nên ảo ảnh thị giác. Đó là lăng kính màu khi tươi vui, khi trầm lắng, thật tự nhiên, thật đời, đầy năng lượng. Những mảnh ghép đẹp đẽ được biến đổi vô thường, như viên kim cương lấp loáng, tạo nên góc nhìn đa chiều, vừa nhẹ dịu, vừa lôi cuốn, thách thức.

"Muôn mặt nhân gian" qua Lăng kính của Thủy ảnh 1

Họa sĩ chia sẻ: “Nghệ thuật cũng như tình yêu, đều cần phải khoe ra, đem soi nó dưới ánh sáng mặt trời với đủ các cung bậc tự hào, tự ngưỡng. "Lăng kính của Thủy" là sự tôn thờ của chính tôi với chính những tác phẩm mà tôi tạo ra. Qua các tác phẩm của mình, tôi tự họa phần dương tính mạnh mẽ, sự khát khao muốn làm chủ chính mình của người đàn bà. Tôi cũng khắc họa bản ngã đa diện, tìm hiểu, khám phá bản thân ở những lĩnh vực khác nhau để rồi gắng đọng lại thật sâu. Đó cũng là quá trình "tôi đi tìm tôi", biểu hiện phong cách bản thân bằng thủ pháp nghệ thuật của riêng mình, tạo nên những khối tinh thể pha lê lóng lánh, tạo nên sự biến đổi năng lượng trên một nền vĩnh cửu của nguồn sống”.

Chị cũng tiết lộ: “Cuộc sống thường hằng ẩn hiện trong tác phẩm, biến hóa muôn màu muôn vẻ vạn hình vạn trạng. Những bức tranh khi đứng gần chỉ là những khối hình học nhưng khi đẩy ra xa lại mang đến những tưởng tượng bất ngờ tùy theo từng góc quan sát cũng như cảm xúc của nghệ sĩ và công chúng. Yêu cái đẹp, tôi chịu trách nhiệm với sự tôn thờ ấy, cố gắng khắc họa thế giới xung quanh mình một cách lung linh, rực rỡ để lan tỏa năng lượng tích cực, khát khao sống vui tới tất cả mọi người.”

"Muôn mặt nhân gian" qua Lăng kính của Thủy ảnh 2

Nhận xét về triển lãm, họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, Trưởng bộ môn Nghệ thuật thị giác, Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật bình luận: “Cũng như các họa sĩ Tân Lập thể, như Helenka (Buenos Aires), Thủy đã phát hiện trong họa pháp này, lối ẩn chứa sự say mê với bản chất con người thành các hình dạng hình học, nắm bắt sự phức tạp của cảm xúc trong các nét vẽ acrylic. Nguyễn Thu Thủy ngắm thế giới qua lăng kính sắc màu, tìm thấy chiều sâu không gian, bố cục năng động của những mảng miếng kỷ hả. Trong triển lãm lần này, tiếp tục khẳng định những thử nghiệm đã từng công bố trong triển lãm cá nhân của Thủy năm 2022, các tác phẩm kéo ta tới sát gần hơn tới bờ mi, tới bờ môi nhưng không phải để thấy những chi tiết, cụ thể của ngũ quan, của da thịt mà để lạc vào vô cùng vô tận của vũ trụ tâm hồn con người

Từ một góc nhìn khác, họa sĩ – Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Tiếp nối “Lăng kính của Thuỷ” từ series tranh ở triển lãm trước đó, với bộ tranh mới ra mắt lần này Thuỷ có lẽ đã hướng sự tập trung của mình hơn vào đối tượng con người, vào bóng dáng những khuôn mặt người qua loạt tranh chân dung và loạt tranh nude. Tiếp tục thực hành kỹ thuật hội hoạ của mình khi phát triển từ những kinh nghiệm thực hành nghệ thuật đồ hoạ kỹ thuật số trước đó, nhưng có lẽ sự giao thoa sau những thực hành mở rộng gần đây với những chất liệu nghệ thuật khác như gốm hay đồ hoạ in độc bản cũng đã giúp cho cô tiết chế và tập trung hơn vào việc khai thác những lớp lang ý nghĩa sâu hơn trong cấu trúc bề mặt tác phẩm."

"Muôn mặt nhân gian" qua Lăng kính của Thủy ảnh 3

Theo ông Sơn, kỹ thuật phân mảnh màu sắc dường như đã tìm được hướng khai thác phù hợp với các trạng thái muôn mặt của cảm xúc con người, thị giác hoá được cảm giác nửa như “nguỵ trang” nửa như “gợi mở trêu đùa” của muôn mặt nhân gian. Ở một số bức tranh sự tiết chế hay buông bỏ cấu trúc phân mảnh cũng đã gợi ra những liên tưởng thú vị về thân phận con người trong xã hội. Có thể nói với loạt tranh mới trong lần ra mắt này cũng giúp người xem nhận diện rõ hơn về tư duy nghệ thuật cũng như thủ pháp tạo hình ở cô, đưa những sự chơi đùa với thị giác từ trò chơi lăng kính vạn hoa tới những suy tư sâu sắc hơn về phận người qua những hiệu ứng ảo ảnh gần với nghệ thuật tranh kính thường xuất hiện trong nhà thờ công giáo.

Là người theo dõi các triển lãm của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Nhà văn - Hoạ sĩ Nguyễn Trương Quý viết về triển lãm như sau:

“Thủy lần này vẫn tiếp tục với mảng tranh phong cách kính vạn hoa, các hình tượng được phân mảnh thành các tinh thể hình tam giác, song lần này màu sắc nhiều độ trầm hơn. Có lẽ trải nghiệm sống nhiều hơn (dù là một chút) và những đón nhận của các lần trưng bày trước tạo ra một nét yên tĩnh nội tâm. Bớt đi một chút rực rỡ và bớt đi một chút cố gắng biểu hình khiến cho các bức tranh trở nên đa chiều cảm giác hơn. Những phổ màu lạnh cũng làm loạt tranh thêm một vị trang nhã, trong trẻo, lại có chút tinh tế như muốn bộc lộ một góc độ kín đáo phía sau bản thể sôi nổi của tác giả. Theo đuổi một cách vẽ bền bỉ và vẽ được nhiều là ước mơ của nhiều họa sĩ, bởi lẽ thời đại công nghệ đang khiến chúng ta mệt nhoài với sự chi phối của các phương tiện đối với đôi bàn tay của người sáng tạo cầm bút vẽ. Vẽ vì thế cũng là quá trình nỗ lực gìn giữ và phô bày thực thể sinh học thay vì náu mình sau những hình hài ảo. Các chân dung “Muôn mặt nhân gian” của Thủy có lẽ cũng là cách lần nữa tái hiện sự chập chờn ảo thực của nhân diện đó”.

"Muôn mặt nhân gian" qua Lăng kính của Thủy ảnh 4

Còn theo nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, chuỗi triển lãm của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, từ Ghép ký ức (2021), cho tới Lăng kính của Thủy (2022), rồi đến Muôn mặt nhân gian (2024), là sự chắp nối từng mảnh ghép phản chiếu một phù thế qua một chủ thể nhìn. Với Muôn mặt nhân gian, mặc dù không rũ bỏ hoàn toàn bóng nét của nghệ thuật biểu hình (figurative art), nhưng Nguyễn Thu Thủy đã triệt để sử dụng tối ưu những ảo ảnh thị giác, để tiếp tục phân mảnh thế giới.

Với các tác phẩm Chân dung, những gương mặt không bị trừu tượng hóa theo lối vặn xoắn, bóp méo của Lập thể, cũng không phải triệt tiêu hoàn toàn cái hình thể của Trừu tượng thuần túy. Yếu tố khúc xạ vẫn còn, gương mặt người được giải cấu trúc thành những ô kính màu – kỷ hà, người xem chỉ bằng một số phép nhìn đơn giản là có thể xác định được ngay diện mục nhân vật.

Tuy nhiên, bước tới loạt tranh Muôn mặtKhỏa thân là như thể đã bước qua bên kia của bờ ảo thị. Lúc này, chúng là sản phẩm của hiệu ứng kính vạn hoa, không còn dễ để nhận diện hay cắt nghĩa nữa. Kỹ thuật này, trước đây chỉ giới hạn trên các tấm toan, giờ đã thâm nhập vào địa hạt kỹ thuật số, truyền cảm hứng cho một làn sóng nhà thiết kế khai thác sức mạnh của nó, đặc biệt là polygon art (nghệ thuật đa giác).

Nguyễn Thu Thủy đưa nó trở về với toan vẽ, như một phần của nghệ thuật trừu tượng đã từ lâu được tôn vinh vì khả năng vượt qua giới hạn của thực tại và khơi gợi cảm xúc thông qua những hình thức không mang tính đại diện. Vậy làm thế nào để phân biệt, hay làm cách nào để khác với đồ họa máy tính hoặc filter của một ứng dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh nào đó, nhất là hiện nay khi công nghệ AI có thể tạo ra những hình ảnh theo từ khóa và thuật toán cho trước?

"Muôn mặt nhân gian" qua Lăng kính của Thủy ảnh 5

"Tôi cho rằng nằm ở độ nhạy cảm màu lẫn sự tinh chỉnh của họa sĩ. Ấn tượng hơn cả, nữ họa sĩ biết cách để thể hiện một đặc tính trên cả màu sắc – độ tinh thể của bề mặt, điều làm cho những hình khối đa giác không chỉ đơn thuần là những ô màu, mà là ô kính màu, mang tính chất quang học của thủy tinh. Phẩm chất thủ công và thiết kế tỉ mỉ này phần nào đó cũng ánh xạ vào cách thức chị “họa” kính – chẻ nhỏ và chia màu các hình đa giác, đồng thời phản ánh khả năng ứng dụng linh hoạt của các nguyên tắc nghệ thuật truyền thống trong nhiều lĩnh vực khác nhau của Thủy “gốm.”, ông Phạm Minh Quân cho biết.

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ HỌA SĨ NGUYỄN THU THỦY

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (1977) là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành CLB Gốm Nghệ thuật, Chi hội phó Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Chị cũng là TS Quản lý văn hóa, Phó Trưởng Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Chị cũng đoạt giải nhất thiết kế logo cho Hội Sinh viên Việt Nam, Đại hội Thi đua Toàn quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân Việt Nam… cùng nhiều giải thưởng khác trong thiết kế logo và tranh cổ động trong nước và quốc tế. Chị cũng từng được Huy chương đồng Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2005-2009.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy từng tham gia hơn 30 triển lãm trong nước và quốc tế.

Một số triển lãm quốc tế đã tham gia:

“Thay đổi xanh – Vì một tương lai tốt đẹp hơn”, Liên hoan nghệ thuật môi trường quốc tế Busan BIEAF 2023 (2/2024); Triển lãm nghệ thuật đương đại quốc tế Thanh Đảo lần thứ 5, Trung Quốc (11/2022); Triển lãm thiết kế poster quốc tế năm 2020 chống vi-rút Corona chủng mới, Trung Quốc; Triển lãm trao đổi nghệ thuật quốc tế lần thứ 19, Tokyo, Nhật Bản (11/2019); Triển lãm nghệ thuật thị giác quốc tế lần thứ IX Euro Americana 2019, Cusco, Peru (10/2019); Chương trình trao đổi nghệ thuật quốc tế “Một Hexian tươi đẹp”, Trung Quốc (5/2019).

Một số triển lãm trong nước đã tham gia:

Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng Toàn quốc 2022, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội (9.2022)

Triển lãm cá nhân “Lăng kính của Thủy”, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội (9.2022)

Triển lãm cá nhân “Ghép ký ức”, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội (12.2021)

Triển lãm Hanoi Miniprint, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (11.2021)

Triển lãm Gốm Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội (10.2021)

Triển lãm nhóm Vòng xoay Nghệ thuật “Nghịch cảnh”, Le Meridien Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam (3.2021)

Triển lãm Phụ nữ vẽ - Vẽ phụ nữ, Bộ Ngoại giao (2.2020)

Uống "nước" chữa bách bệnh, nhiều người cận kề cửa tử
Uống "nước" chữa bách bệnh, nhiều người cận kề cửa tử
(Ngày Nay) - Sáng 15/10, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian vừa qua, Bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca bệnh ngộ độc, thậm chí khó thở, hôn mê bất tỉnh, nguy hiểm tính mạng do uống loại nước được truyền bá có khả năng chữa bách bệnh.
Về An Giang chiêm ngưỡng miễn phí bảo vật quốc gia
Về An Giang chiêm ngưỡng miễn phí bảo vật quốc gia
(Ngày Nay) - Thông thường, các bảo tàng, các khu di tích đều có bán vé vào cửa để du khách tham quan. Thế nhưng tại An Giang, hiện có 8 bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Óc Eo được mở cửa miễn phí cho tất cả những ai muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa của vùng đất này.
Hội nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Hội nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
(Ngày Nay) - Sáng 15/10/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội đồng chủ trì Hội nghị giữa Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đối thoại “Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản”
Đối thoại “Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản”
(Ngày Nay) -Ngày 15/10, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.
Viettel giữ vị trí thương hiệu giá trị nhất, được đánh giá cao nhất về phát triển bền vững ở Việt Nam
Viettel giữ vị trí thương hiệu giá trị nhất, được đánh giá cao nhất về phát triển bền vững ở Việt Nam
(Ngày Nay) -Trong Bảng xếp hạng 100 Thương hiệu Giá trị nhất Việt Nam 2024 vừa được công bố bởi Brand Finance - công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) duy trì vị thế 9 năm liên tiếp là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đồng thời là doanh nghiệp được công chúng đánh giá cao nhất về phát triển bền vững.