“Những Chân trời vô tận" mang đến một cái nhìn đa dạng về nghệ thuật và văn hóa, kết hợp giữa hai quốc gia và hai nền văn hóa khác nhau. Triển lãm này không chỉ là một cuộc trưng bày nghệ thuật, mà còn là một cơ hội để tìm hiểu về văn hóa và nghệ thuật của hai quốc gia, cùng với sự tương tác của các nghệ sĩ thông qua tác phẩm của họ.
Qua những lăng kính rất nữ, Raeche đã tạo nên sự biến ảo mềm mại trong dáng diệu của những cô gái múa; Valerie Teng lại chau chuốt tỉ mỉ với hoa cỏ. Những tác phẩm đồ họa chủ đề Nude của Nguyễn Mỹ Ngọc lại đem đến sự lặng yên hoàn hảo trong vẻ đẹp tinh tế. Phạm Thị Hồng Sâm miên man chìm đắm trong sự dịu dàng của mưa, sương, bóng nước. Ly Trần và Mylene Quito rực rỡ, cháy bỏng với những sắc hoa trên chất liệu sơn dầu, tạo nên một giá trị đậm sắc nữ tính.
Cũng là nude, là hoa cỏ, họa sĩ Trang Thanh Hiền lại lựa chọn phương thức in ấn kết hợp với vẽ tạo nên những sắc màu và những dòng chảy chạm sâu vào nội tâm con người, vượt ra khỏi những yếu tố đời thường. Chị tôn vinh người phụ nữ, sự hoài thai, sinh thành và những thiên chức tự nhiên. Cùng với tranh in, chị cũng giới thiệu 6 bức tranh khắc về hoa diên vĩ thể hiện sự kính ngưỡng với Van Gogh. Chị chia sẻ “Chân trời vô tận là sự kết nối giữa những phụ nữ trong một sự đồng cảm chung về những cảm hứng sáng tạo rất nữ. Đó là hoa cỏ, là cái đẹp của thiên nhiên và chính giới nữ, là đời sống nội tâm của mỗi người. Đời sống ấy có thể rất riêng nhưng bằng nghệ thuật lại tạo nên sự sẻ chia như thứ ngôn ngữ không lời. Tham gia triển lãm giao lưu quốc tế lần này là một cơ hội được học hỏi và đồng cảm với các nữ nghệ sĩ”.
Là nghệ sĩ gốm duy nhất của triển lãm, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy lại chiếm dụng không gian theo một cách riêng của mình với những bức chân dung và vòng luân hồi đa sắc. Trong ngôn ngữ không gian 3 chiều, dẫu muốn vươn đến sự tối giản, nhưng sở thích nhiều màu sắc cũng như bản năng tính nữ đã khiến cho các tác phẩm của cô trở nên quyến rũ. Nguyễn Thu Thủy từng giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật thủ đô hai triển lãm cá nhân với phong cách tranh đa giác polygon nhiều màu sắc, lần này gốm của chị cũng rực rỡ đa dạng với nhiều cách thức thể hiện mới lạ. Chị sử dụng chất liệu men gốm truyền thống theo một cách mới mẻ để khắc họa thế giới nghệ thuật của mình với nhiều mảng màu biến đổi.
Họa sĩ Nguyễn Thị Thủy tâm sự: “Nghệ thuật cũng giống như tình yêu, đều cần phải khoe ra, đem soi nó dưới ánh sáng mặt trời với đủ các cung bậc tự hào, tự ngưỡng. Qua các tác phẩm của mình, tôi tự họa phần dương tính mạnh mẽ, sự khát khao muốn làm chủ chính mình của người đàn bà. Đó cũng là quá trình "tôi đi tìm tôi", biểu hiện phong cách bản thân bằng thủ pháp nghệ thuật của riêng mình, dù là tranh vẽ hay gốm sứ, đều tạo nên những khối pha lê lóng lánh, tạo nên sự biến đổi năng lượng trên một nền vĩnh cửu của nguồn sống. Đây cũng là lần tôi thử nghiệm kết hợp sơn mài và gốm, rỗng và đặc, bắt sáng và phản sáng. Tham gia triển lãm là cơ hội để tôi kết nối với đam mê và năng lượng của những người phụ nữ yêu nghệ thuật”.
Họa sĩ Đặng Tuấn, giám tuyển của triển lãm cho biết: Đây là sự hội tụ nhau trong những sắc thái riêng biệt ở nơi “chân trời vô tận”, nơi mà mỗi người nghệ sĩ như tạo ra sự đối thoại giữa cái tôi cá nhân riêng biệt của mỗi người với nhau và với cảm thức về cuộc sống, giúp công chúng có được thêm những cái nhìn đa dạng hơn về những người đàn bà, đưa chúng ta vào một cuộc hành trình của những đam mê sáng tạo, khám phá những ý nghĩa sâu xa của cuộc sống, tình yêu và những trăn trở của con người.
Còn PGS TS Quách Thị Ngọc An đánh giá: “Có thể nói với hơn 40 tác phẩm của 8 nghệ sĩ Việt Nam và Philippines cuộc triển lãm giao lưu quốc tế này như mở ra một chân trời khác vô tận hơn, thú vị hơn để cảm nhận, để phiêu diêu trong tiết trời mùa thu Hà Nội. Dẫu là tác phẩm vẽ những thiếu nữ với vẻ đẹp gợi cảm pha chút suy tư trong các tác phẩm mang phong cách lãng mạn, hay vẻ đẹp tinh tế qua những lăng kính nữ. Những chân trời vô tận là sự kết nối, là sự sẻ chia xuyên quốc gia là cái nhìn đa diện về người phụ nữ cả ở những góc khuất lẫn những mảng sáng của cuộc đời, ở đó có đầy đủ các cung bậc cảm xúc, ước mơ và cả những khắc khoải về cuộc sống. Với chất liệu phong phú, đa dạng như sơn dầu, acrylic, khắc gỗ và gốm… 8 tác giả là tám phong cách, tám cá tính riêng, tám bút pháp, mạnh mẽ, khoáng hoạt, và đầy sắc điệu”.
Một số tác phẩm tại triển lãm:
Thông tin về các họa sĩ tham dự triển lãm Chân trời vô tận:
Trang Thanh Hiền (Việt Nam)
Mylene Quito (Philippines)
Nguyễn Thu Thuỷ (Việt Nam)
Raeche Dacanay (Philippines)
Nguyễn Mỹ Ngọc (Việt Nam)
Valerie Teng (Philippines)
Ly Trần (Việt Nam)
Phạm Thị Hồng Sâm (Việt Nam)