Theo Washington Post, tàu sân bay USS John C. Stennis rời Washington ngày 15/1 đã đến Biển Đông ngày 1/3. Trong khi đó các khu trục hạm và một tuần dương hạm đã tới Tây Thái Bình Dương từ 4/2.
Tuần dương hạm USS Mobile Bay cùng các tàu khu trục USS Stockdale và USS Chung-Hoon là các tàu trong nhóm tháp tùng tàu sân bay USS John C. Stennis thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông.
Tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis (CVN 74).
Trung tá Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội 7, cho biết cuộc tuần tra lần này của các tàu Mỹ không phải một động thái đối phó với Trung Quốc.
“Các tàu và máy bay của chúng tôi hoạt động thường xuyên ở Tây Thái Bình Dương – bao gồm cả Biển Đông – và điều này đã diễn ra nhiều thập kỷ qua”.
Ông Doss nói thêm: “Chỉ riêng năm 2015, các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương đã căng buồm khoảng 700 ngày trong vùng Biển Đông”.
Bên cạnh nhóm tác chiến tàu sân bay, tuần dương hạm USS Antietam (đồn trú tại Nhật Bản) cũng đang tham gia sứ mệnh tuần tra Biển Đông. Tàu khu trục USS McCambell và tàu đổ bộ USS Ashland của Mỹ cũng vừa hoàn tất sứ mạng tuần tra Biển Đông hồi tuần trước.
Các chuyên gia quân sự nhận định Mỹ điều động tàu sân bay USS John C. Stennis đến Biển Đông rõ ràng là nhằm thách thức Trung Quốc.
“Rõ ràng Hải quân Mỹ và Lầu Năm Góc đang thể hiện cam kết đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Với đội tàu sân bay này, Hải quân Mỹ thể hiện khả năng đảm bảo lợi ích, sự hiện diện quân sự và sức mạnh quân sự khắp thế giới”, Jerry Hendrix, nhà phân tích của trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ ở thủ đô Washington nhận định.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào các tàu này hoàn tất quá trình tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Mỹ đã tiến hành hai đợt tuần tra như vậy kể từ tháng 10/2015.
Tàu khu trục USS Lassen khi đó đã tuần tra vào sâu trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Đăng Nguyễn