Barron, ngủ ngon…
Có ai còn nhớ tới gương mặt buồn ngủ và điệu bộ ngáp ngắn ngáp dài của cậu út Barron Trump khi cha mình, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ đọc bài phát biểu chiến thắng? Đó là một ngày bất bình thường của nước Mỹ. Chiến thắng ngỡ ngàng và thất bại không tưởng, những nụ cười vui sướng tột đỉnh và những giọt nước mắt bàng hoàng - những luồng cảm xúc từ hai thái cực ào ạt va đập vào nhau tạo thành một bầu không khí siêu thực bao trùm nước Mỹ.
Điều bình thường duy nhất có lẽ là Barron Trump. Cậu bé tóc vàng đẹp trai đứng đó, trước ánh mắt theo dõi của cả thế giới. Một vẻ mệt mỏi không giấu diếm, một vẻ hờ hững không vướng bận, như thể cậu không hề thuộc về vũ đài vinh quang nơi cả gia đình cậu đang đứng trong kiêu hãnh.
Hoàng đế Richard từng khao khát đổi cả vương quốc của mình chỉ để lấy một con ngựa. Thì đây, Barron Trump đang sẵn sàng đổi vị trí “Đệ nhất Nhi đồng” nước Mỹ để lấy một chiếc giường êm.
Người ta nhanh chóng gán ghép ý nghĩa chính trị cho vẻ mặt mệt mỏi và đôi mắt chỉ trực nhắm tịt lại của đứa trẻ: “Nhìn kìa, đến Barron cũng chẳng muốn chứng kiến cha mình trở thành Tổng thống” - một người dùng Twitter nhận xét. “Tất cả chúng ta đều đang cảm thấy giống như Barron Trump” - một người khác bày tỏ cảm giác chán ngán, muốn nghỉ ngơi của mình sau hơn một năm ròng theo dõi “show truyền hình thực tế” chính trị lắm bi nhiều hài có tên “Bầu cử Tổng thống Mỹ”.
Những liên tưởng và diễn giải đó, công bằng mà nói, có phần khiên cưỡng. Chắc hẳn Barron bé nhỏ, giống như đa số những câu bé 10 tuổi khác, cũng luôn tin rằng cha mình là người đàn ông vĩ đại nhất thế giới, rằng ông không chỉ xứng đáng làm Tổng thống Mỹ mà còn xứng đáng làm Chúa tể Vũ trụ.
Một tờ báo lớn đặt cho Barron một câu hỏi hài hước: “Nếu cậu không thể cảm thấy hào hứng khi cha cậu trở thành Tổng thống Mỹ, thì điều gì mới khiến cậu phấn khích được đây?”. Nhưng thật ra, một cậu bé 10 tuổi sống cuộc đời vương giả từ trong trứng nước có rất ít lý do để phấn khích về chiến thắng của cha mình: Tỷ phú Donald Trump vốn dĩ đã nổi tiếng ngang ngửa nếu không muốn nói là hơn Tổng thống Mỹ, và căn hộ dát vàng ròng mà Barron đang sống trong Trump Tower cũng lộng lấy, tráng lệ hơn rất nhiều so với dinh cư Tổng thống ở Nhà Trắng.
Khi sống trong hào quang, người ta sẽ mất đi cảm nhận về ánh sáng. Đối với Barron Trump, chiến thắng chính trị của người cha tỷ phú có thể cũng bình thường và đương nhiên như những chiến thắng trên thương trường của ông, như những món đồ trang sức lộng lẫy của mẹ cậu, như những đặc quyền mà cuộc sống đã ưu ái ban cho cậu suốt cuộc đời.
Thiệt thòi, nếu có, chỉ là những lúc như thế này - khi buộc phải thức vào lúc 3h đêm, khi những đứa trẻ 10 tuổi khác đã chìm sâu vào giấc ngủ.
Hope, cười lên nào…
Có những đứa trẻ không hiểu thế nào là thiếu thốn, có những đứa trẻ chưa từng biết đến đầy đủ. Và có nhiều đứa trẻ không có một thứ gì trong cuộc đời.
Anja Loven - mẹ nuôi của Hope là một phụ nữ xăm trổ đầy mình, nhưng đằng sau ngoại hình có phần ngổ ngáo đó là trái tim của một thiên thần |
Chỉ mới hai tuổi, nhưng bé Hope đã sống lang thang trên đường phố Nigeria trong gần một năm. Không bố, không mẹ, không một mái nhà, không có lấy dù một mẩu quần áo để giữ ấm cho thân hình bé nhỏ chỉ có da bọc xương.
Vì sao đứa trẻ chưa chết đói, chết rét là một bí ẩn chưa có câu trả lời. Giữa một thành phố đông đúc và trong suốt tám tháng trời, không một ai nghĩ tới việc cứu giúp đứa trẻ đang liêu xiêu trên ranh giới của sự sống và cái chết ấy. Không chỉ bố mẹ từ bỏ em, mà cả xã hội đã quay lưng lại với em. Hope bé nhỏ đơn côi như một người vô hình. Tệ hơn cả một người vô hình, đứa trẻ bị xa lánh và ghẻ lạnh. Em là một trong số rất nhiều trẻ em ở Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung bị kết tội là phù thủy.
Có vô số lý do để một đứa trẻ bị buộc tội phù thủy, phổ biến nhất là khi một điều xui xẻo xảy ra trong gia đình như hôn nhân tan vỡ hoặc có người nhà vì bệnh tật, tai nạn. Một báo cáo của Văn phòng của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại khu vực Tây và Trung Phi chỉ ra mối tương quan đáng lo ngại giữa tình hình kinh tế, xã hội với số lượng trẻ em bị kết tội là phù thủy. Báo cáo cho thấy, vào những thời điểm xã hội trải qua tình trạng khủng hoảng như xung đột, đói nghèo, đô thị hóa... số lượng trẻ em bị buộc tội phù thủy thường tăng cao. Những thất bại trong cuộc đời của người lớn được dễ dãi đổ tội cho con trẻ và được giải quyết bằng những cách cũng buông tuồng không kém, đó là đánh đập, hành hạ, giết hại, hoặc nhẹ nhàng nhất như trong trường hợp của bé Hope là quẳng ra đường như một mớ giẻ rách vô giá trị.
Một điều không dễ phủ nhận là ở một góc sâu tăm tối nào đó trong tâm hồn người lớn, có sự chán ghét và thậm trí là ghê sợ giành cho trẻ em. Thứ tâm lý ấy giống như một biến dị độc hại trong bộ gene cảm xúc của con người. Các nhà biên kịch của Hollywood đã khéo léo và tinh vi khi nói về thứ tâm lý ấy thông qua những bộ phim kinh dị như Kẻ Trừ Tà, Ma Búp Bê, Annabelle - nội dung thường về những con quỷ dữ ẩn nấp trong hình hài đứa trẻ hoặc trong những con búp bê nhỏ bé mang gương mặt trẻ thơ. Thứ tâm lý ấy cũng lý giải những vụ ngược đãi trẻ em kinh hoàng vẫn ngày ngày xảy ra khắp nơi trên thế giới.
Nói không hay thỏa hiệp với tâm lý chán ghét và ghê sợ trẻ em là sự lựa chọn của mỗi gia đình, mỗi xã hội, mỗi đất nước. Phúc lợi xã hội và công cụ pháp luật sẽ là tấm lá chắn bảo vệ trẻ em khỏi những cảm xúc tăm tối trong trái tim người lớn. Trong trường hợp của Hope, điều đau lòng là gia đình đã không lựa chọn em, xã hội đã không lựa chọn em, và pháp luật cũng không thực sự đứng về phía em. Kể từ năm 2008, luật pháp Nigeria đã cấm hành vi kết tội trẻ em là phù thủy. Tuy nhiên, đa số những kẻ gây tội ác với chính con em của mình thường được phóng thích với lý do muôn thủa: “thiếu bằng chứng”.
Vào thời điểm đầu năm 2016, khi được một người phụ nữ nước ngoài tốt bụng giải cứu khỏi cuộc đời thống khổ trên đường phố, Hope là một bộ da bọc xương đói lả, đứng trên đôi chân khẳng khiu run rẩy và một thân mình bám đầy dòi bọ. Chỉ bốn tháng sau đó, sức sống lạ lùng và sức mạnh của tình thương đã đưa bé Hope trở lại thành một đứa trẻ bụ bẫm, sống đầm ấm trong một gia đình có bố, có mẹ và các anh chị em. Nhìn vào gương mặt ngây thơ của Hope, người ta cảm nhận được một nguồn năng lượng tinh thần mãnh liệt toát ra từ nụ cười ấy - nụ cười vô giá của đứa trẻ bước ra từ địa ngục và lần đầu tiên trong đời cảm nhận được hạnh phúc.
Bé giấu mặt, bình yên nhé...
Anja Loven, mẹ nuôi của Hope, là một phụ nữ xăm trổ đầy người với một làn da đỏ au như thể chối bỏ chủng tộc Bắc Âu của mình. Nhưng đằng sau ngoại hình có phần ngổ ngáo đó là trái tim của một thiên thần - thiên thần cứu vớt hàng chục đứa trẻ như Hope thoát khỏi địa ngục trần gian. Anja là một minh chứng rõ ràng nhất cho câu ngạn ngữ “Đừng bao giờ chỉ nhìn vào cái bìa mà đánh giá cả cuốn sách”.
Một minh chứng khác là một người mà mới chỉ cách đây vài tuần đã lần thứ hai nổi lên như một hiện tượng kỳ lạ trên các trang báo mạng ở Việt Nam. Nhìn vào anh, người ta thấy toát lên sự tích cực. Tích cực từ cái tên sáng sủa, đến nghề nghiệp mang lại niềm vui và tiếng cười cho công chúng. Nhưng đằng sau lớp vỏ ngoài tích cực ấy là một con người có gan phạm một trong những tội ác xấu xa nhất: Lạm dụng tình dục trẻ em.
Sẽ không còn gì đáng nói thêm về nhân vật này nếu sau khi ra tù và bị dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, anh ta không được một bộ phận của giới truyền thông cũng như một số đồng nghiệp và người hâm mộ chào đón như thể chào đón một ngôi sao trở về nước sau chuyến công diễn dài ngày. Những lời chúc mừng, những lời bênh vực tràn ngập trang mạng xã hội, tiếp thêm dũng khí cho người đàn ông này lớn tiếng mắng mỏ những người nhiều chuyện “soi mói” vào “lỗi lầm” của anh ta.
Nếu như hành vi lạm dụng tình dục trẻ em của một cá nhân khiến cho chúng ta phẫn nộ, thì thái độ coi nhẹ tội ác này của nhiều người trong xã hội mới khiến chúng ta thật sự hoảng sợ. Chúng ta sẽ đi về đâu nếu vô cảm trước nỗi đau của trẻ thơ?
Không mấy khi hình ảnh và danh tính của một nạn nhân tội ác lạm dụng tình dục trẻ em được tiết lộ ra công chúng, nhưng không khó để hình dung ra gương mặt của các em. Mỗi khi đọc một bài báo hay một lời bênh vực của đồng nghiệp và người hâm mộ trước sự kiện danh hài được phóng thích về Việt Nam, thì tôi lại hình dung ra một nét nào đó trên gương mặt nạn nhân, khi thì là ánh mắt bàng hoàng, khi thì là bờ môi run rẩy phẫn uất, lúc lại là giọt nước mắt tuyệt vọng. Và trong hình dung của tôi, đó không chỉ là một cậu bé Mỹ cụ thể, đó còn là những cậu bé cô bé ở Việt Nam và các nơi khác trên thế giới, những nơi mà tội ác tình dục nhằm vào trẻ em còn chưa được nhận thức và ứng xử phù hợp với mức độ nghiêm trọng của nó.
Omran, hãy khóc đi...
Và cuối cùng, một gương mặt trẻ thơ gây ám ảnh nhất trong năm 2016 có lẽ là gương mặt bé Omran Daqneesh sau khi được cứu sống từ dưới đống đổ nát ở Aleppo, Syria. Năm 2016 được UNICEF đánh giá là một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử đối với trẻ em, đặc biệt là ở vùng chiến sự. Các cuộc chiến tranh, xung đột diễn ra liên miên đã cướp đi của những đứa trẻ như Omran cơ hội được chăm sóc, giáo dục và phát triển lành mạnh trong một môi trường sống lành mạnh.
Omran Daqneesh sau khi được cứu sống từ dưới đống đổ nát ở Aleppo, Syria |
Sưng vù và bê bết máu, nhưng gương mặt đứa trẻ năm tuổi không có chút biểu cảm đau đớn nào mà chỉ là một sự trống rỗng, một sự dửng dưng trước những đau đớn thể xác chỉ có ở đứa trẻ đã hít khói súng để lớn lên. Điều khiến người ta ám ảnh, là ánh mắt đấy không hề có chút trách móc hay oán hận mà chỉ có một sự điềm nhiên chấp nhận số phận như thể đạn bom và chết chóc mới đúng nghĩa là cuộc sống. Giá mà cậu bé rơi một giọt nước mắt, chỉ một giọt nước mắt thôi, thì chúng ta đã không phải ám ảnh đến vậy.
Những đứa trẻ của năm 2016 như Barron, như Omran, như Hope và cả những đứa trẻ mà chúng ta chỉ hình dung được trong tâm trí đều gửi đi một thông điệp gì đó về thế giới trong một năm đầy biến động này.
Và nhìn vào gương mặt chúng, người lớn bỗng thấy mình bé nhỏ. Thật bé nhỏ!