2016 - Năm dân túy

(Ngày Nay) - Chủ nghĩa dân túy là một lý tưởng chính trị có tính bao hàm rất rộng xung quanh khái niệm về những người dân thuần túy đứng lên đấu tranh với giới tinh hoa suy đồi. Chủ nghĩa dân túy cổ súy cho niềm tin rằng chân lý thuộc về số đông.
Nhiều người cho rằng Donald Trump thắng cử vì chủ nghĩa dân túy đang bước vào chu kỳ hưng thịnh tại đất nước này...
Nhiều người cho rằng Donald Trump thắng cử vì chủ nghĩa dân túy đang bước vào chu kỳ hưng thịnh tại đất nước này...

Người ta không thể định nghĩa được một nhà dân túy là người theo cánh tả hay cánh hữu, một người tôn trọng luật pháp hay một kẻ vô chính phủ. Bởi đơn giản, chủ nghĩa dân túy giống như một cách thức tìm kiếm quyền lực hơn một lý tưởng chính trị. Nhưng những nhà dân túy thường có một điểm chung: Họ có sức hút cá nhân, có tài hùng biện và thuyết phục được số đông. Thời điểm để họ tỏa sáng thường là những lúc người dân trong xã hội phải đối mặt với những khó khăn trở ngại trong cuộc sống do suy thoái kinh tế, bất ổn an ninh.

Năm 2016 vừa qua là một năm như vậy. Từ châu Á sang châu Âu và châu Mỹ, nhiều nhà dân túy đã giành được các vị trí quyền lực cao nhất, hoặc gây ra những thay đổi lớn trên chính trường các quốc gia.

Rodrigo Duterte - "Donald Trump của châu Á"

Sau khi trúng cử Tổng thống Phillipines vào tháng 5, nhà dân túy theo đường lối cứng rắn Rodrigo Duterte đã không bỏ phí thời gian để thể hiện phong cách lãnh đạo độc nhất vô nhị của mình. Gây sốc nhất là lối nói bạ miệng bất chấp mọi chuẩn mực ngoại giao. “Ông Obama, hãy biến xuống địa ngục đi”, đó là cách tân Tổng thống Phillipine đáp trả những chỉ trích của đồng minh Hoa Kỳ xung quanh chiến dịch truy quét ma túy đình đám mà ông cho tiến hành. Với Liên minh châu Âu EU, ông cũng “phũ miệng” không kém: “Dám mặt dày chỉ trích tôi à? Đù má!”.

2016 - Năm dân túy ảnh 1Người dân Phillipine cho rằng Duterte chính là nhà lãnh đạo mà đất nước đang cần: một con người mạnh mẽ, mang lại trật tự kỷ cương dù rằng cái giá phải trả là không nhỏ

Trước khi trở thành nguyên thủ Phillipines, ông Duterte, trong vai trò thị trưởng thành phố Davao, đã biến thành phố này từ một trọng điểm buôn bán ma túy trở thành một trong những nơi an toàn nhất đất nước, nhờ vào những chiến dịch truy quét bàn tay sắt. Trở thành Tổng thống, ông đã mở rộng những chiến dịch này ra phạm vi toàn đất nước Phillipine.

“Bắn, và bắn chết chúng nó đi!”. Tổng thống Duterte công khai kêu gọi lực lượng cảnh sát hành xử cứng rắn, và bắn tại chỗ bất cứ nghi can nào chống đối không chịu ra hàng. Với sự khuyến khích của Tổng thống, cảnh sát đã tiêu diệt hàng trăm nghi phạm buôn bán ma túy có hành vi chống đối lại người thi hành công vụ. Nhưng trong các cuộc truy quét, hàng trăm người khác cũng đã trở thành nạn nhân của các vụ giết người ngoại tụng - những vụ hành quyết ngay tại chỗ, không cần đến phán quyết của tòa án.

Không chỉ cứng rắn trong chiến dịch truy quét tội phạm, ông Duterte còn cứng rắn trong mối quan hệ đồng minh lâu năm với Hoa Kỳ. Không chỉ có những phát ngôn như tát nước vào mặt đồng minh, ông Duterte còn khẳng định sẽ đi tim kiếm đường lối đối ngoại độc lập hơn khỏi nước Mỹ.

Sau hơn nửa năm tại vị, Tổng thống Duterte đã nhận được những đánh giá trái chiều. Cựu Tổng thống Fidel Ramos và nhiều đồng minh chính trị khác đã từng ủng hộ ông Duterte ra tranh cử Tổng thống thì giờ đây cho rằng, những gì tân tổng thống đã làm là “đáng thất vọng”. Tuy nhiên, những khảo sát mới nhất cho thấy có đến 76% người dân hài lòng với nhà lãnh đạo mới của mình. Họ cho rằng, Duterte chính là nhà lãnh đạo mà đất nước đang cần: một con người mạnh mẽ, mang lại trật tự kỷ cương dù rằng cái giá phải trả là không nhỏ.

“Sát thủ tươi cười” và “Người đàn ông nguy hiểm nhất châu Âu”

Tháng 6, một cơn địa chấn tràn qua châu Âu - cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý BREXIT về việc Liên hiệp Anh từ bỏ quy chế thành viên Liên minh châu Âu - EU. Bất lực trong việc thuyết phục cử tri ở lại với EU, Thủ tướng David Cameroon chấp nhận ra đi trong cay đắng.

2016 - Năm dân túy ảnh 2Tháng 6, một cơn địa chấn tràn qua châu Âu - cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý BREXIT

Bất chấp chiến dịch vận động của đảng cầm quyền, phe dân túy đã thành công trong việc thuyết phục đa số cử tri bỏ phiếu cho lựa chọn ra đi nhờ tài hùng biện đánh vào tâm lý người dân của mình. Công đầu thuộc về Nigel Farage, chủ tịch đảng Nước Anh Độc lập - UKIP, người mà từ ba năm về trước đã được tờ Telegraph đặt cho biệt hiệu “sát thủ tươi cười”.

Trong bài diễn văn chào mừng kết quả BREXIT, Nigel Farage gọi đây là “chiến thắng của nhân dân”. “Đây là chiến thắng của những người dân thật sự, những người dân thuần túy, những người dân tử tế. Chúng ta đã chiến đấu chống lại các công ty đa quốc gia, các ngân hàng thương mại, các ông lớn chính trị”, ông nói.

UKIP và các đảng dân túy tương tự trên khắp châu Âu hợp lại thành một mạng lưới chính trị hỗ trợ lẫn nhau và cổ súy cho chủ nghĩa dân túy trên toàn thế giới. Một kịch bản tương tự như BREXIT đã xảy ra tại Italia. Một lực lượng chính trị dân túy có tên Phong trào Năm Sao đã tiến hành thành công chiến dịch “Nói Không” trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp vừa qua tại Italia, buộc Thủ tướng Matteo Renzi phải từ chức.

Khi lãnh đạo Phong trào Năm Sao Beppe Grillo lần đầu xuất hiện trên mặt báo trong vai trò một thủ lĩnh chính trị, không ai nhìn nhận ông một cách nghiêm túc. Trở thành chính trị gia với xuất thân nghệ sĩ hài, Grillo đã bị chế nhạo và bị gọi là “thằng hề”. Tuy nhiên, cho tới năm 2013, những tiếng cười nhạo dần tắt. Tạp chí Đức Spiegel thậm trí đã bắt đầu gọi ông là “người đàn ông nguy hiểm nhất châu Âu”. Ba năm sau đó, Grillo đang ngày một chứng minh biệt danh này không hẳn là cường điệu.

Beppe Grillo thậm trí còn quyết liệt hơn Nigel Farage. Không chỉ chống EU, ông còn chống toàn bộ hệ thống chính trị châu Âu từ tả sang hữu. Ông cổ súy cho mô hình dân chủ trực tiếp - một mô hình chính trị phủ nhận vai trò của các chính trị gia chuyên nghiệp và giới tinh hoa. Giới truyền thông đã không ngần ngại so sánh Beppe Grillo với trùm phát xít Italia Benito Mussolini.

“Họ gọi tôi là một nhà dân túy, gọi tôi là phát xít, là Hitler, nhưng họ không hiểu rằng thực tế đang xảy ra là phong trào của chúng tôi đang lấp đầy một khoảng trống tương tự như khoảng trống mà phát xít đã lấp đầy tại nước Đức”, Grillo đáp trả. “Nhưng chúng tôi không giống phát xít chút nào. Chúng tôi là lực lượng duy nhất còn lại để bảo vệ đất nước Italia khỏi những kẻ cực đoan thực sự”.

Donald Trump - Kẻ ngoại đạo

Giống như Beppe Grillo, “kẻ ngoại đạo” Donald Trump từng bị cười cợt chế nhạo trong suốt trước và trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm vừa qua. Ông đã đi ngược lại quy tắc ứng xử của một người trưởng thành, và đi ngược lại với nhiều nguyên tắc của nền dân chủ Hoa Kỳ. Nhưng ông cũng đã trở thành một minh chứng sống cho câu nói “Người cười cuối cùng chính là kẻ chiến thắng”.

2016 - Năm dân túy ảnh 3Donald Trump thắng cử với khẩu hiệu ấn tượng “Làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”

Làm thế nào để giải mã chiến thắng của một người đàn ông tai tiếng với những phát ngôn coi thường phụ nữ, kỳ thị tôn giáo, nhạo báng người khuyết tật và hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trường? Nhiều người cho rằng, vận may của ông Donald Trump đến từ việc đối thủ của ông là một chính trị gia trong suốt sự nghiệp 30 năm của mình đã vướng víu vào không ít những vụ bê bối lớn nhỏ. Tuy nhiên, rất nhiều người khác cho rằng, không phải Hillary Clinton thất bại trước Donald Trump, mà thất bại trước chủ nghĩa dân túy đang bước vào chu kỳ hưng thịnh tại đất nước này.

Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài từ suốt năm 2008 cho tới gần đây đã gây mệt mỏi cho người dân Hoa Kỳ. Xu hướng toàn cầu hóa, làn sóng nhập cư cùng sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế Hoa Kỳ đã khiến những người bình dân da trắng ở đất nước này gặp phải khó khăn trong công việc và cuộc sống. Theo một khảo sát mới đây, có tới 56% người da trắng ở Hoa Kỳ cho rằng xã hội nước này đã thay đổi theo chiều hướng xấu hơn kể từ năm 1950 đến nay.

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Donald Trump với khẩu hiệu tranh cử “Làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại” đã đánh mạnh vào sự hoài niệm về một thời đại công nghiệp hoàng kim của những người lao động phổ thông da trắng vào những năm giữa thế kỷ trước. Những con người bị bỏ lại trước những thay đổi của thời đại hy vọng ở Donald Trump một nhà lãnh đạo có thể quay ngược kim đồng hồ thời gian, đưa họ trở lại vị trí trung tâm của nền kinh tế và của xã hội Hoa Kỳ.

Không chỉ nắm bắt được mối hoài niệm, ông Donald Trump còn nắm bắt được tâm lý bất an của các cử tri da trắng trước những biến đổi xã hội xung quanh nhiều vấn đề khác nhau từ nhập cư, bình đẳng giới và tôn giáo. Đặc biệt, ông năm được gót chân Asin của đối thủ: Đó là cử tri Hoa Kỳ đã quá chán ngán với cách hệ thống chính trị nước này vận hành. Họ bất mãn về vai trò của giới tài phiệt trong hệ thống chính trị, và sự gần gũi giữa các tập đoàn kinh tế và hệ thống chính trị. Donald Trump chính là sự phủ nhận của hệ thống này.

Cử tri Mỹ coi Donald Trump như một quả mìn tự chế mà họ có thể mang theo tới hòm phiếu và ném thẳng ông ta vào hệ thống chính trị. Họ muốn công phá hệ thống chính trị của Hoa Kỳ”, đó là lý giải của đạo diễn phim tài liệu danh tiếng Michael Moore về chiến thắng của tân Tổng thống Mỹ.

Nếu cần thêm minh chứng về sự thất bại của hệ thống chính trị và một chính trị gia chính thống như Hillary Clinton trước chủ nghĩa dân túy, thì đó chính là việc bà cũng đã mấp mé tiến tới ngưỡng thất bại trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ trước đối thủ Bernie Sanders. Bernie Sanders đã có những phát ngôn vô tiền khoáng hậu trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ: kêu gọi “một cuộc cách mạng chính trị”, tấn công “giai cấp tỷ phú”, và tự gọi mình là một nhà “dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Ông chính là một nhà dân túy, nhưng là nhà dân túy ở phía bên kia chiến tuyến với những người theo xu hướng cực hữu như Donald Trump.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, chiến thắng của Donald Trump có một phần rất lớn công của Đảng Dân chủ, khi đảng này không nắm bắt được xu hướng dân túy đang nổi lên tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Một số cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, Bernie Sanders có thể đã dễ dàng hạ gục Donald Trump nếu Đảng Dân chủ lựa chọn ông làm ứng cử viên chính thức. Người dân Hoa Kỳ vẫn sẽ lựa chọn một nhà dân túy, nhưng là một nhà dân túy có tư tưởng tích cực và bao dung hơn.

Cánh hữu thắng thế

Donald Trump, Nigel Farage, Beppe Grillo, Roridgo Duterte đã giành chiến thắng nhờ công thức kinh điển của các nhà dân túy: Đánh vào sự chán ngán của người dân với các chính trị gia chính thống, sử dụng thứ ngôn ngữ mạnh mẽ, cực đoan nhưng dễ hiểu với đa số mọi người, hứa hẹn về quyền lợi cho số đông, thổi bùng ý niệm về sự xung đột lợi ích giữa các nhóm đa số và thiểu số…

2016 - Năm dân túy ảnh 4Nigel Farag cũng như Donald Trump, Beppe Grillo, Roridgo Duterte đều đã giành chiến thắng nhờ công thức kinh điển của các nhà dân túy: Đánh vào sự chán ngán của người dân với các chính trị gia chính thống

Nhìn vào làn sóng dân túy trong năm qua, có thể nhận thấy một xu hướng đáng lo ngại là chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang thắng thế, và điều này có thể đảo ngược một số đường lối tích cực mà các quốc gia đang theo đuổi như sự bình đẳng giới, bình đẳng kinh tế, sự bao dung giữa các dân tộc và xu hướng hợp tác quốc tế.

Chủ nghĩa dân túy lên ngôi - đó là điều khó cưỡng trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay. Nhưng điều có thể hy vọng là làn sóng dân túy sẽ đổi chiều theo hướng tích cực, cởi mở hơn hiện tại.

“Hitler giết ba triệu người Do Thái. Giờ đây có khoảng ba triệu người nghiện. Tôi vui lòng tiêu diệt hết bọn chúng”.

Tổng thống Phillipine Roridgo Duterte

“Tương lai của nước Anh không nằm trong tay Liên minh châu Âu. Tôi lạc quan một cách không hổ thẹn về những triển vọng tương lai của nước Anh trong vai trò một đất nước độc lập”.

Ông Nigel Farage - Lãnh đạo đảng Dân túy UKIP - Anh

 

“Những kẻ liều lĩnh, những kẻ cứng đầu, những kẻ man rợ sẽ đưa thế giới tiến về phía trước, và chúng ta chính là những kẻ man rợ đó”.

Beppo Frillo - Lãnh đạo đảng Dân túy Năm sao - Italia

“Cấm cửa toàn diện và hoàn toàn người Hồi giáo nhập cảnh vào Hoa Kỳ, cho tới khi những người đại diện đất nước chúng ta hiểu điều gì đang diễn ra".

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.