Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong bốn bộ, ngành đã triển khai rất tốt chuyển đổi số với 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp 25/25 (100%) thủ tục hành chính dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, các dịch vụ công được cung cấp trên nhiều nền tảng: Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VssID, các nhà cung cấp dịch vụ IVAN. Hằng năm có khoảng 13,5 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (nếu tính số lượng hồ sơ gắn với từng người lao động là gần 100 triệu hồ sơ giao dịch điện tử).
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử. Nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình (cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe) và 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng.
Tham luận do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh trình bày cho thấy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn xác định công tác chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng Chính phủ số là nhiệm vụ quan trọng của ngành để ngày càng tạo ra nhiều tiện ích, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Với phương châm hành động “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo của sự phục vụ” để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu đề ra.
Kết quả nổi bật về chuyển đổi số trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công được ông Nguyễn Thế Mạnh nêu ra là 100% người tham gia được thu thập thông tin trong Cơ sở dữ liệu của ngành. Hiện Cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 98,2 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó có khoảng 87,9 triệu người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 98,2% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội).
Dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là dữ liệu phát sinh từ quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến quản lý thông tin, đóng, hưởng các chế độ đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”. Bảo hiểm xã hội Việt Nam lấy việc hoàn thiện dữ liệu làm trung tâm, nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số toàn diện, là cơ sở quan trọng để liên thông, chia sẻ, phục vụ quản lý của ngành và cải cách thủ tục hành chính.
Đến nay, 100% quy trình nghiệp vụ của ngành được thực hiện liên thông trên môi trường điện tử các kết quả được số hóa toàn diện. Các quy trình nghiệp vụ được tái cấu trúc một cách triệt để nhằm đơn giản hóa tối đa về thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Tính đến năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giảm từ 115 thủ tục hành chính còn 25 thủ tục hành chính (giảm 78%). Số giờ thực hiện thủ tục hành chính đã giảm 86%. Toàn ngành đang có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành, theo đó người dân có thể giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội 24/7 nhanh nhất, cải cách, thuận lợi nhất.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, 100% dịch vụ công của ngành được cung cấp trực tuyến, trong đó 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Hiện nay có khoảng 621 nghìn tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đang giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội thông qua các cổng dịch vụ công. 100% người dân có tài khoản định danh (VNeID) mức độ 2 có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của ngành. Có khoảng 13 nghìn cơ sở y tế kết nối, liên thông trực tiếp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện dịch vụ công thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho khoảng 170 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế một năm.
Ông Nguyễn Thế Mạnh cũng cho biết, hiện có 100% người hưởng các chế độ ốm đau thai sản, dưỡng sức và trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng; 74% người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tại khu vực đô thị đang được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả qua tài khoản ngân hàng. Trong thời kỳ COVID-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện chi đúng, đủ, chính xác kịp thời cho 13,3 triệu người lao động; tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ và giảm mức đóng từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với tổng chi phí trên 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ COVID-19 của Chính phủ. Hàng năm có khoảng 9 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, 1,1 triệu người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, hàng tháng có khoảng 2 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Một kết quả khác được ông Nguyễn Thế Mạnh đề cập là 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng VssID, VNeID và thẻ Căn cước công dân gắn chip. Người dân đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ cần sử dụng Căn cước công dân gắn chíp hoặc VNeID để làm thủ tục khám, chữa bệnh, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ. Với công nghệ sinh trắc ứng dụng trên Căn cước công dân gắn chíp hoặc với hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID, VssID, chỉ mất khoảng 6-15 giây để hoàn thành thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam sử dụng nền tảng tiếp nhận dữ liệu khám, chữa bệnh của hệ thống giám định để hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử để triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình (cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe và 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng). Sắp tới, đây là nền tảng sử dụng chung để Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Công an triển khai Hồ sơ sức khỏe và Sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên VNeID.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai đầy đủ các phương án, giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an. Trong đó tập trung vào việc phòng ngừa từ sớm, từ xa.
“Để đạt được kết quả trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn coi công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, động lực tăng trưởng, thực hiện với tinh thần quyết liệt, "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Toàn ngành luôn xác định lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm để phục vụ; để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam mang lại, trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, với mục tiêu tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tái cấu trúc, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, đưa 100% dịch vụ công có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công toàn trình. Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu các công nghệ tiên tiến hiện đại trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata), điện toán đám mây (Icloud),… để khai thác tối đa Cơ sở dữ liệu hiện có phục vụ cho công tác quản trị của ngành.