Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, UBND Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác; là ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch.
Phấn đấu đến năm 2025, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ từ 35 - 39 triệu lượt khách du lịch trong đó có từ 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 151 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Hà Nội. Dự kiến năm 2030, Thủ đô Hà Nội đón và phục vụ 48 - 49 triệu lượt khách du lịch trong đó có từ 13 - 14 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng từ 270 - 300 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được các mục tiêu này, Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng và triển khai một số nhiệm vụ mang tính đột phá như: Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thành phố; trong đó chú trọng vào hoạt động các dự án đầu tư có quy mô lớn là Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn); Tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ (quận Tây Hồ)...; Đẩy nhanh thủ tục đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử các khu di tích; thu hút đầu tư dự án theo mô hình khách sạn - trường học để tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tăng trưởng lĩnh vực lưu trú du lịch trên địa bàn Thủ đô...
Xây dựng khu, điểm du lịch chất lượng cao để nhân rộng mô hình hoạt động; Phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới như du lịch y tế chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp cộng đồng, du lịch giáo dục, trải nghiệm dành cho học sinh; triển khai dự án phát triển du lịch thông minh, phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông tại các điểm đến du lịch để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong quảng bá, xúc tiến và kinh doanh du lịch.
Bên cạnh đó, triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách liên quan trực tiếp đến phát triển du lịch được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương ban hành như: các chính sách ưu đãi hỗ trợ về thuế, giá đất trong lĩnh vực đầu tư du lịch; điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; tăng cường công tác quản lý phí, lệ phí và giá dịch vụ.
Cần có giải pháp về cơ chế, chính sách
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), với lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo, Thủ đô Hà Nội có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch.
Thời gian qua, du lịch Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại và khó khăn như thiếu những sản phẩm du lịch cốt lõi mang đậm bản sắc của Hà Nội; thiếu các khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch chưa đồng bộ, đặc biệt là thiếu cơ sở lưu trú có chất lượng 4-5 sao. Công tác quảng bá xúc tiến với công tác marketing chưa theo kịp các xu hướng của thị trường…
TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển du lịch Hà Nội trong bối cảnh mới, ngành du lịch Thủ đô cần chú trọng một số định hướng và giải pháp về cơ chế, chính sách; huy động và phân bổ vốn đầu tư; phát triển thị trường, sản phẩm du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và có chiến lược ứng phó hiệu quả với rủi ro, khủng hoảng…
Trước tiên, ngành du lịch Hà Nội cần bám sát định hướng chung là khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo sức lan tỏa mạnh, thúc đẩy phát triển các ngành khác, khẳng định vị thế hàng đầu trong các ngành dịch vụ của Thủ đô.
Du lịch cần chuyên nghiệp, gắn truyền thống với hiện đại, bảo đảm phù hợp với định hướng chiến lược xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Chú trọng chiều sâu chất lượng và đẳng cấp, tạo thương hiệu nổi bật và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, dhát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Thủ đô. Phát huy vai trò dẫn dắt, liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước để tạo nên sức mạnh tổng thể phát triển du lịch cả vùng, đồng thời tác động lan tỏa, thúc đẩy du lịch của các địa phương lân cận cùng phát triển.
Song song là gắn du lịch với chuyển đổi số nhanh chóng và đồng bộ, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo đột phá cho phát triển du lịch Thủ đô vươn tầm quốc tế.
Vê hướng phát triển các không gian du lịch, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, giai đoạn đến năm 2030, định hướng phát triển không gian du lịch Hà Nội sẽ theo 6 cụm: Cụm du lịch Trung tâm Hà Nội vùng lõi tập trung ở khu vực nội đô lịch sử gồm 5 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ). Hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch văn hóa; du lịch mua sắm; dịch vụ vui chơi giải trí; du lịch MICE;
Cụm du lịch Hà Đông và phụ cận tập trung ở khu vực quận Hà Đông và vùng phụ cận gồm các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, các huyện Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức thuộc không gian mở rộng phía Nam vùng lõi trung tâm. Hướng khai thác sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch làng nghề; du lịch văn hóa; du lịch nghỉ cuối tuần; du lịch vui chơi giải trí; du lịch thể thao…
Cụm du lịch Đông Anh và phụ cận (gồm Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Mê Linh), hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch văn hóa, lễ hội; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch golf, phim trường, công viên tổng hợp; du lịch sinh thái, nghỉ cuối tuần, du lịch MICE…;
Cụm du lịch phía Tây (Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ), hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần; tâm linh, văn hóa; du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn;
Cụm du lịch phía Nam (Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín) tập trung tại khu vực Hương Sơn, An Phú, hồ Quan Sơn và hồ Tuy Lai thuộc huyện Mỹ Đức. Hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ yếu: Du lịch văn hóa lễ hội tâm linh; nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần và sinh thái; du lịch thể thao cao cấp;
Cụm du lịch núi phía Bắc (Sóc Sơn): Hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh gắn liền với tín ngưỡng tôn sùng Thánh Gióng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dã ngoại, thể thao gắn với giá trị sinh thái…
Giai đoạn sau năm 2030, không gian du lịch Hà Nội gồm 4 cụm để mở rộng quy mô không gian cụm Trung tâm gắn với các cụm thuộc không gian mở rộng với bán kính khoảng 15-20 km.
Theo đó, cụm Trung Tâm bao gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng; Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy Đan Phượng, Thanh Trì, Hoài Đức;
Cụm phía Bắc gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn gắn với Thành phố trực thuộc Thủ đô phía Bắc sông Hồng; Cụm phía Tây: Gồm Ba Vì, Thị xã Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ; Cụm phía Nam: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín.
TP. Hà Nội cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đô thị mang đậm bản sắc riêng của Thủ đô nghìn năm văn hiến, văn minh, hiện đại: Phát triển sản phẩm du lịch đô thị cổ gắn với 36 phố phường, khu phố cũ và thị xã Sơn Tây. Khai thác các sản phẩm, dịch vụ gắn với những giá trị di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, khu vực hồ Tây, khu vực Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm... tạo thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc và độc đáo kết nối các giá trị văn hóa qua các giai đoạn lịch sử của kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.
Hiến kế để ngành du lịch Thủ đô hoàn thành mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, thời gian tới Hà Nội cần tập trung phát triển nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Hà Nội cần khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch đêm, hoạt động trải nghiệm gia tăng với các nhóm sản phẩm du lịch truyền thống, ẩm thực, mua sắm… qua đó tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
Cùng với quan điểm trên, tại các hội thảo bàn giải pháp phát triển du lịch, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cũng chia sẻ, dựa trên tiềm năng thế mạnh hiện có, Hà cần tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm để thu hút khách du lịch lưu trú dài hơn và chi tiêu nhiều hơn. Cùng với đó, cũng cần tăng cường công tác xúc tiến quảng bá để ngày càng khẳng định vị thế là địa phương tiên phong, là cửa ngõ trung chuyển của cả nước.