Nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong hợp tác gìn giữ hòa bình

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - APCN lần thứ 8 là cơ hội quý để Việt Nam và các quốc gia thành viên APCN trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, bài học, sáng kiến trong công tác tổ chức huấn luyện, chuẩn bị triển khai lực lượng.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Ngày 13/6, Bộ Quốc phòng tổ chức khai mạc Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm Gìn giữ hòa bình ASEAN (APCN) lần thứ 8 tại Việt Nam.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì lễ khai mạc.

Dự Hội nghị, về phía quốc tế có đại biểu các quốc gia thuộc Mạng lưới các Trung tâm Gìn giữ hòa bình ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, đại diện đại sứ quán và tùy viên quốc phòng các nước ASEAN, giảng viên EU hỗ trợ kỹ thuật tại Việt Nam; về phía Việt Nam có đại diện các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng.

Diễn ra trong 3 ngày (13-15/6), Hội nghị nhằm khẳng định vai trò, trách nhiệm của nước Chủ tịch và Chủ nhà APCN đương nhiệm, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam trong hợp tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại khu vực ASEAN, đóng góp thiết thực cho việc nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các nước thành viên trong khu vực.

Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Việt Nam vinh dự đảm nhận vai trò Chủ tịch APCN. Trên cương vị là Chủ tịch APCN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị APCN bằng hình thức trực tuyến vào năm 2021 trong điều kiện tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

"Với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao nhất, chúng tôi đã chủ động tham vấn và phối hợp chặt chẽ với các thành viên APCN để tiếp tục tổ chức Hội nghị APCN lần thứ 8 vào năm 2023 bằng hình thức trực tiếp. Việc Việt Nam tổ chức liên tiếp hai Hội nghị APCN trong vai trò Chủ tịch APCN đương nhiệm đã góp phần trực tiếp vào việc duy trì động lực của APCN, tăng cường hợp tác nâng cao xây dựng năng lực cho các thành viên tham gia hiệu quả hơn vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc," Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn cho biết.

Khẳng định Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội nghị lần này, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn cho biết đây là cơ hội quý để Việt Nam và các quốc gia thành viên APCN trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, bài học, sáng kiến trong công tác tổ chức huấn luyện, chuẩn bị triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình; thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác chia sẻ nguồn lực huấn luyện và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; góp phần thiết thực vào nỗ lực gìn giữ hòa bình chung của cộng đồng quốc tế.

Hội nghị cũng sẽ bàn thảo, thống nhất phương hướng hoạt động của APCN trong năm 2024 và những năm tiếp theo nhằm mục đích tăng cường quan hệ đối tác về hoạt động gìn giữ hòa bình giữa các thành viên ASEAN đã được các kỳ hội nghị APCN trước đó xác định; thúc đẩy hợp tác, liên kết, nâng cao xây dựng năng lực trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giữa các nước thành viên ASEAN, góp phần vào nỗ lực chung trong xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như trong các cơ chế hợp tác đa phương về gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ ADMM.

Đánh giá cao sự ủng hộ và tinh thần hợp tác của các thành viên APCN, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn đề nghị các thành viên của Mạng lưới các Trung tâm Gìn giữ hòa bình ASEAN tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả của cơ chế hợp tác này nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác về huấn luyện gìn giữ hòa bình trong khu vực ASEAN, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng góp thiết thực cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vì một khu vực và thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển.

Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Sĩ Tấn bày tỏ tin tưởng, với sự chuẩn bị chu đáo và nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam và sự tham gia đóng góp nhiệt tình của các thành viên APCN, Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.

Chương trình nghị sự của Hội nghị gồm các phiên họp toàn thể, thảo luận chung tại hội trường và thảo luận nhóm với một số nội dung chính như giới thiệu tổng quan về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và những kết quả, bài học kinh nghiệm; giới thiệu tóm tắt về Diễn tập thực địa cuối kỳ Nhóm Chuyên gia Gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+PKO-EWG) do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì...

Tại các phiên của Hội nghị, các đại biểu được nghe Báo cáo của từng thành viên APCN/Trung tâm Gìn giữ hòa bình các nước ASEAN cập nhật về sự phát triển của từng cơ sở huấn luyện; kinh nghiệm, bài học và sáng kiến trong công tác tổ chức huấn luyện và chuẩn bị triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trong bối cảnh dịch COVD-19 và kỷ nguyên chuyển đổi số.

Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra các phiên thảo luận về các vấn đề trọng tâm trong nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc như an ninh, an toàn đối với nhân viên gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tăng cường sự tham gia của nữ giới trong các hoạt động gìn giữ hòa bình; bảo vệ dân thường; quan hệ với truyền thông; quan hệ đối tác nâng cao xây dựng năng lực gìn giữ hòa bình (Chương trình Đối tác ba bên); ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc…

Trong phiên thảo luận của Chỉ huy các Trung tâm Gìn giữ hòa bình, các đại biểu sẽ đánh giá quá trình hoạt động của APCN; thảo luận phương hướng, cách thức nâng cao hiệu quả chương trình nghị sự của APCN và các bước cụ thể triển khai Kế hoạch Đối tác Gìn giữ hòa bình ASEAN và Diễn tập tham mưu chỉ huy gìn giữ hòa bình ASEAN (APSE), phương hướng hoạt động của Hội nghị APCN.

Nhân hoạt động lần này, Nhóm giảng viên, cán bộ huấn luyện về gìn giữ hòa bình cũng có phiên thảo luận riêng nhằm chia sẻ các tài liệu mới, kinh nghiệm tổ chức huấn luyện, nhất là các khóa huấn luyện mới; đánh giá nhu cầu huấn luyện, chia sẻ nguồn lực hợp tác (giảng viên, chuyên môn, tài liệu…); xác định phương thức, xây dựng kế hoạch huấn luyện nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ chia sẻ nguồn lực huấn luyện trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.