Các chuyên gia khí hậu từ tổ chức World Weather Attribution cho biết trong một báo cáo rằng hàng tỷ người trên khắp lục địa đã bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 4. Nắng nóng gay gắt khiến các trường học buộc phải đóng cửa, mùa màng bị hư hại và hàng trăm người thiệt mạng do mắc các bệnh hô hấp.
Các chuyên gia nhận định ba quốc gia Myanmar, Lào và Việt Nam đã trải qua tháng 4 nóng kỷ lục, trong khi nhiệt độ ở Ấn Độ chạm ngưỡng 46 độ C.
Bà Friederike Otto, giảng viên cấp cao về Khoa học Khí hậu tại Viện Biến đổi Khí hậu và Môi trường Grantham, cho biết: “Từ Gaza đến Delhi và Manila, người dân phải chịu đựng cái nóng và thiệt mạng bởi nhiệt độ tháng Tư tăng vọt ở châu Á”.
"Các đợt nắng nóng luôn xảy ra nhưng sức nóng tăng thêm do khí thải từ dầu, khí đốt và than đá đang khiến nhiều người tử vong” bà Otto nói thêm.
Tại Philippines, chính phủ nước này đã đưa ra cảnh báo về sức khỏe, đóng cửa trường học và cắt giảm nguồn cung cấp điện khi nhiệt độ tăng cao đe dọa mạng lưới điện của đất nước.
Đợt nắng nóng kéo dài 15 ngày bắt đầu vào giữa tháng 4 được dự đoán “gần như không thể xảy ra ngay cả trong điều kiện El Nino” nếu không có tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra.
Các khu vực Trung Đông đã hứng chịu nhiệt độ kỷ lục trong thời gian từ 24 đến 26/4, trong đó nhiệt độ tại thủ đô Tel Aviv của Israel lên tới 40,7C. Báo cáo ước tính nhiệt độ khắc nghiệt ở Tây Á có khả năng cao gấp 5 lần do biến đổi khí hậu.
Bà Carolina Pereira Marghidan, đại diện Trung tâm Khí hậu Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ cho biết: “Cái nóng mà chúng ta hứng chịu thực sự đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vốn đã nghiêm trọng ở Gaza”.
Báo cáo cho biết thêm, nhiệt độ xung quanh thành phố Kolkata của Ấn Độ vào cuối tháng 4 đã lên tới 46 độ C, cao hơn 10 độ C so với mức trung bình theo mùa, cùng với biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ cực đoan trên khắp Nam Á có khả năng cao hơn khoảng 45 lần.
Bà Marghidan khuyến khích các chính phủ châu Á cần phải hành động để thích ứng với nhiệt độ tăng cao và giảm thiểu rủi ro về sức khỏe, đặc biệt là ở những khu vực dân cư dễ bị tác động.
“Xét đến tốc độ nhiệt cực cao đang gia tăng… chúng tôi thấy cần phải mở rộng quy mô các kế hoạch hành động chống nóng và các kế hoạch hiện tại cần được cải thiện trên khắp châu Á”, bà Marghidan nói.