Đoàn rước trên sông Hương. |
Theo lời kể dân gian truyền lại, núi Hòn Chén (Ngọc Trản) là nơi giáng hạ của Thánh Mẫu Thiên Y A Na, cũng là nơi bà cứu độ chúng sinh. Chính vì sự linh ứng, qua nhiều đời vua triều Nguyễn, địa danh này luôn nhận được các sắc phong ca ngợi công đức và sự linh ứng của thánh mẫu. Vua Gia Long đã sắc phong cho bà danh hiệu “Hồng Nhân Phổ Tế linh ứng thượng đẳng thần”.
Lễ hội điện Huệ Nam là một trong những hoạt động tín ngưỡng dân gian của những tín đồ tôn thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na. Điện Huệ Nam không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo tại xứ Huế thơ mộng.
Thời Minh Mạng tiến hành cho tu sửa, mở rộng đền và sắc phong “Thượng đẳng thần”. Đến năm Tự Đức thứ 4 (năm 1851), Thánh Mẫu Thiên Y A Na được phong là “Thượng đẳng tối linh thần”. Vào triều Đồng Khánh (năm 1886), điện thờ bà được xây dựng khang trang hơn, bổ sung thêm nhiều đồ tự khí và được mang danh là “Huệ Nam điện”.
Từ đó đến nay, các cuộc tế lễ đã được nâng lên thành quốc lễ. Ban đầu, mỗi năm vào dịp xuân thu nhị kỳ, triều đình cử quan chức đến làm chủ tế, sau giảm xuống chỉ còn vào dịp đầu xuân, tháng 2 Âm lịch. Năm Duy Tân thứ 3 (1909), bà lại được sắc phong danh hiệu “Thiên Y Ana Ngọc Diễn Phi tối cao đẳng thần”. Hiện nay, hàng năm vào mỗi tháng hai (lễ Xuân Tế) và tháng bảy (lễ Thu Tế), người dân nơi đây lại tổ chức Lễ Hội suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Long kiệu rước Thánh Mẫu Thiên Y A Na. |
Trước ngày chính hội, người dân tổ chức lễ nghinh thần để rước các vị thần trong làng về đình. Sau lễ tế là lễ rước Thánh Mẫu diễn ra trên sông Hương, đám rước đi thuyền từ điện Huệ Nam tới đình làng Hải Cát. Đoàn thuyền rước được trang hoàng, thắp đèn nến, giăng cờ xí sặc sỡ. Đám rước mang bàn thờ Thánh, long kiệu Thánh Mẫu hòm sắc vua phong và các khí tự như tán, tàn, cờ, quạt... trong tiếng nhạc của phường hát văn và phường bát âm.
Toàn tất nghi lễ Nghinh thần, dân làng làm lễ Túc Yết theo nghi thức cổ truyền với những thực hành như hát thờ, lên đồng, hầu bóng diễn ra suốt đêm. Sáng hôm sau lễ chính được tổ chức tại đình, sau đó là lễ Tống thần. Buổi chiều các kiệu rước lại long trọng trở về điện Huệ Nam. Đêm kết thúc hội có lễ phóng sinh và thả đèn.
Đẹp nhất vẫn là đám rước Thánh Mẫu được cử hành trên những chiếc “bằng”. Trên mỗi bằng có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, liền kề đó là một bằng khác có bàn thờ, kiệu và hòm sắc của nhị vị Thượng Ngàn và Thuỷ Cung Thánh Mẫu. Sau đó là những chiếc bằng chở các tự khí, tàn tán cờ quạt.
Điện Huệ Nam (Huế). |
Long kiệu của Thánh Mẫu là kiệu thêu, do các trinh nữ ăn mặc sặc sỡ khiêng, còn các bà, người mang bình hương, ống trầu, bình trà, hòm đựng đồ trang sức, kẻ mang cờ, biển, tàn, lọng, gối, quạt... Các thanh niên thì vác các đồ lễ bộ, bát bửu và các tự khí khác. Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ, không khí trang nghiêm. Khi đoàn ghé bến, đám rước chuyển từ sông lên bộ, đi cho đến đình làng Hải Cát, có phường bát âm đi sau kiệu.
Những năm gần đây, lễ hội điện Huệ Nam ngày càng thu hút sự chú ý đông đảo của du khách thập phương về hành hương, chiêm bái. Mỗi kỳ lễ hội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị trực tiếp quản lý di tích, phối hợp rất chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương và các ban, ngành trong tỉnh để đảm bảo môi trường an toàn cho khách hành hương.
Có thể nói Lễ hội điện Huệ Nam là một trong những hoạt động tín ngưỡng dân gian của những tín đồ tôn thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na. Cùng với đó, điện Huệ Nam không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo tại xứ Huế thơ mộng.