Tương truyền, đền Bảo Hà được dựng vào cuối đời Lê Trung Hưng, là nơi thờ danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy, người có công dẹp loạn thổ phỉ, mang sự yên bình, an ổn tới người dân miền biên ải xa xôi của đất nước.
Tọa lạc dưới chân núi Cấm, đền Bảo Hà nằm giữa miền sơn cước sơn thủy hữu tình, nơi có dòng sông Hồng uốn lượn chảy qua. Hằng năm, cứ đến tháng Bảy âm lịch, nhân dân quanh vùng Bảo Hà lại tổ chức Lễ hội đền Bảo Hà để tri ân công đức với Thần Vệ Quốc - tướng Nguyễn Hoàng Bảy - người có công dẹp giặc vùng biên ải. Lễ hội là không gian hội tụ, giao thoa những nét văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Lễ chay ở đền Bảo Hà được bày với bảy loại quả, mùa nào hoa quả đó... Bảy loại quả với ý nghĩa số 7 ứng với tên của ông Hoàng Bảy nhằm mục đích ghi nhớ công lao của đức Thánh.
Theo ghi chép của nghệ nhân Phạm Văn Chiến, nguyên Thủ nhang di tích đền Bảo Hà, ngay từ đêm 16/7, trước giờ chuyển giao sang ngày giỗ chính, các nghi thức dâng lễ vật tế sống như trâu, lợn, gà được diễn ra, đó là những đồ hiến tế biếu thánh Hoàng Bảy để Ngài khao quân.
Lễ chay ở đền Bảo Hà được bày với bảy loại quả, mùa nào hoa quả đó, đây chính là điểm đặc biệt, độc đáo của lễ vật dâng cúng ông Hoàng Bảy đền Bảo Hà. Bảy loại quả với ý nghĩa số 7 ứng với tên của ông Hoàng Bảy nhằm mục đích ghi nhớ công lao của đức Thánh. Lễ mặn ở các cung, các ban gồm có gà, xôi, thủ lợn, cháo, oản... Đặc biệt, lễ vật dâng cúng ông Hoàng Bảy vào ngày kỵ của ông nhất thiết phải có ba loại con vật (lễ tam sinh) được lựa chọn thật kỹ lưỡng. Đó là một con trâu đực to khỏe, một bò đực to khỏe, một con lợn đực to khỏe. Ý nghĩa của việc dâng ba loại con vật, chỉ chọn con đực, to khỏe với mục đích nhắc nhở người đời sau tưởng nhớ công lao của binh sĩ đã có công giữ yên bờ cõi.
Đền Bảo Hà tấp nập trong ngày hội. |
Ngoài những lễ vật kể trên, lễ hội Đền Bảo Hà không thể thiếu được tục “tiến mã” (dâng ngựa) trong các nghi lễ thờ cúng. Lễ dâng ngựa gồm có bảy con ngựa với bảy màu. Trong lễ hội đền Ông, phần rước kiệu linh đình mang tính nghi lễ này không thể thiếu. Người tham gia rước kiệu là những thanh đồng nhỏ tuổi được tuyển chọn, ăn chay 3 ngày trước khi làm nhiệm vụ rước kiệu.
Vào ngày lễ chính, ngay từ sáng sớm ngày 17/7 âm lịch là lễ rước kiệu từ đền Cô Tân An (xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai nơi thờ Nguyễn Hoàng Bà Xa, là con gái của danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy). Đội hình khiêng kiệu lễ đền Cô Tân An sang đền Bảo Hà gọi là Kiệu Long Đình, do tám người phụ nữ mặc trang phục dân tộc khiêng. Tám người phụ nữ này đều được tuyển chọn rất cẩn thận, ăn chay trước ba ngày liên tục, gia đình họ phải có đầy đủ vợ chồng, con cái đề huề, gia đình yên ấm. Các giá kiệu gồm có kiệu Phật, kiệu Mẫu, kiệu Vua Cha, kiệu Ông Bảy, kiệu Công chúa Thượng Ngàn và các lễ vật.
Lễ rước kiệu đức Thánh. |
Khi rước kiệu Ông về đền, nghi lễ thiêng liêng nhất của ngày lễ được diễn ra, mở đầu là phần đọc chúc văn, tóm tắt về công lao to lớn của Ông trong việc giúp dân trừ gian, diệt giặc xây dựng quê hương trù phú, bình an. Tại sân đền, đoàn rước kiệu lễ đã đưa ba mâm lễ chính đặt tại các bàn bên ngoài lễ vọng. Ông chủ tế đọc chúc văn, dàn nhạc nổi chiêng, trống từng hồi, mỗi hồi 3 tiếng. Khi đọc đến các đoạn ngắt nhịp đều điểm trống chiêng 1 hồi 3 tiếng. Đoạn kết điểm 3 hồi chuông 9 tiếng. Kết thúc phần đọc chúc văn, thì ông chủ tế hóa chúc, đội tế nam lễ bái theo nghi thức truyền thống.
Sau khi đọc và hóa chúc văn là nghi thức dâng hương thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với vị Thánh anh linh. Bắt đầu nghi thức dâng hương thì ban nhạc nổi 3 hồi 9 tiếng trống chiêng, sau đó mở nhạc lưu thủy suốt quá trình dâng hương. Sau đó là phần hội diễn ra rất sôi động với các cuộc thi, trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đánh cờ, chọi trâu, trình diễn các loại hình nghệ thuật dân tộc... Vào buổi tối từ 15 - 17/7 âm lịch, đền tổ chức thả hoa đăng trên sông Hồng để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Vào tháng 11/1997, đền Bảo Hà đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Trải qua nhiều biến động, ngôi đền thờ phụng vị đức thánh linh thiêng bên bờ sông Hồng luôn được người dân trong vùng bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo, hương hỏa và thờ phụng.
Năm 2016, Lễ hội đền Bảo Hà đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội đền Bảo Hà được tổ chức vào 3 ngày, từ 15 - 17/7 âm lịch hằng năm.