Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát​ sau bão lũ

(Ngày Nay) - Thiên tai, đặc biệt là bão lũ, không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản còn để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cộng đồng. Lũ lụt không chỉ phá hủy môi trường sống còn là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm, đe dọa sức khỏe người dân.
Nhân viên y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại khu vực trường Tiểu học Phúc Tân.
Nhân viên y tế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại khu vực trường Tiểu học Phúc Tân.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Tính đến nay, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và sạt lở do bão số 3 (Yagi) gây ra tại các tỉnh miền Bắc đã bước sang ngày thứ 16. Tuy nhiên, nhiều khu vực vẫn còn ngập cục bộ, gây khó khăn cho cuộc sống người dân.

Hoàn lưu bão số 3 đã gây ra tình trạng ngập lụt, chia cắt ở nhiều khu vực trên cả nước. Hơn 10 ngày qua, tại huyện Mỹ Đức (thành phố Hà Nội), nhiều xã vùng trũng vẫn chìm trong biển nước, khiến hàng trăm hộ dân với hàng nghìn người vẫn phải di dời do nhà cửa bị ngập. Các diện tích hoa màu đã bị mất trắng, đời sống người dân ngày càng trở nên khó khăn.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau bão số 4, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình liên tục hứng chịu mưa lớn. Mưa lũ đã gây ngập lụt cục bộ tại nhiều địa phương, trong đó, có những nơi bị ngập sâu tới 2m (huyện Minh Hóa, Quảng Bình). Nhiều xã tại huyện Thanh Chương (Nghệ An), như: Thanh Xuân, Thanh Tùng, Ngọc Lâm, Thanh Lâm, Hạnh Lâm và Thanh Đức cũng bị chia cắt tạm thời do nước dâng cao.

Nước ngập kéo dài từ 5 đến 10 ngày, khi nước rút, để lại nhiều loại rác thải từ xác, nội tạng động vật, thực phẩm thừa, túi nilon, thùng xốp… Điều đáng lo ngại là nước ngập lâu khiến sinh vật phân hủy, tác động nghiêm trọng đến môi trường.

Đại tá Tiến sỹ, bác sỹ Vũ Viết Sáng, Phó Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong và sau mưa bão, lũ lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng nề bởi các chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, xác chết động vật, thực vật thối rữa, nước từ hệ thống cống thải tràn ra không được xử lý. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân vi sinh vật gây bệnh phát triển, gây bệnh cho người, tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Các chuyên gia đánh giá, sau bão lũ, thiếu nguồn nước sạch, thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng sức khỏe cộng đồng có nguy cơ gia tăng do nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh khác. Môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, gây ra các bệnh hô hấp, như: viêm phổi, cảm lạnh, đặc biệt ảnh hưởng đến người cao tuổi, trẻ em và những người có bệnh mạn tính.

Nước lũ ô nhiễm cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và các bệnh khác; nhiễm trùng da do nước lũ mang theo bụi bẩn cũng cần được chú ý.

Ngoài ra, nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu tăng cao khi tiếp xúc với nước ô nhiễm, do đó việc giữ vệ sinh cá nhân và uống đủ nước là cần thiết. Muỗi phát triển mạnh sau lũ, dễ gây sốt xuất huyết. Đau mắt đỏ cũng dễ bùng phát trong điều kiện này, do điều kiện nước và vệ sinh kém.

Mặc dù công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ đang được triển khai quyết liệt, nhưng những khó khăn vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Để ổn định cuộc sống, người dân ở các khu vực ngập lụt cần sự hỗ trợ không chỉ về vật chất, còn về các biện pháp y tế kịp thời nhằm ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.

Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát​ sau bão lũ ảnh 1

Nước ngập sâu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thôn Đồng Chiêm (xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Chủ động kịp thời, ứng phó với các tình huống

Các cơ quan y tế và chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng sau thiên tai khắc nghiệt.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024, nhấn mạnh việc tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lũ. Công điện yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện công tác cứu chữa cho người bị thương, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc men và thực hiện khám chữa bệnh cho người dân ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Đồng thời, các cơ quan cũng cần hướng dẫn người dân cách xử lý nước sinh hoạt và bảo vệ môi trường, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau bão lũ.

Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng ngừa các dịch bệnh thường gặp trong điều kiện mưa lũ. Bộ yêu cầu các cơ quan, tổ chức và người dân chủ động tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, theo nguyên tắc chủ động từ sớm, từ xa. Người dân cần tìm hiểu thông tin, thực hiện theo các khuyến cáo về đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường từ các cơ quan y tế và chính quyền.

Để ngăn ngừa dịch bệnh có khả năng phát sinh trong môi trường ẩm ướt, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên lựa chọn thực phẩm an toàn, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh, ăn thức ăn đã nấu chín, sử dụng nước đun sôi. Người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng trước, sau khi chế biến thực phẩm, cũng như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Việc vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa sạch chân, lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ cũng rất quan trọng.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ra công văn khuyến cáo người dân vùng bão lũ không sử dụng gia súc, gia cầm chết chế biến thực phẩm. Với những khu vực bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như: lương khô, mỳ gói, nước uống đóng chai...

Các chuyên gia về y tế lưu ý, việc tiêu diệt loăng quăng và muỗi cũng cần được chú trọng. Người dân nên đậy kín các bể chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, và loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô để ngăn chặn muỗi sinh sản. Thau rửa bể nước, giếng và dụng cụ chứa nước, đồng thời sử dụng hóa chất khử trùng theo hướng dẫn của nhân viên y tế cũng là những biện pháp cần thiết. Người dân cần thực hiện nguyên tắc dọn dẹp vệ sinh ngay khi nước rút và thu gom, xử lý xác động vật theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Ngay sau khi nước rút dần, công tác y tế dự phòng đang được các đơn vị y tế tập trung đẩy mạnh, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, dọn dẹp, xử lý môi trường, xử lý nước, thu gom, quản lý chất thải, đảm bảo vệ sinh cá nhân, phòng chống ngộ độc thực phẩm… phấn đấu không để dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết bùng phát. Công tác vệ sinh môi trường được triển khai theo phương thức nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, xử lý xác súc vật chết, dùng phèn chua, Cloramin B để khử trùng nước là một số giải pháp xử lý môi trường sau bão lũ để có nguồn nước sinh hoạt an toàn.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, chính quyền, các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực để khắc phục hậu quả, nhưng sự chủ động từ phía người dân là yếu tố quan trọng giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, kịp thời báo cáo các triệu chứng bất thường sẽ giúp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước những hiểm họa từ thiên tai. Sự đoàn kết, chung tay của cả xã hội chính là chìa khóa giúp ngăn chặn dịch bệnh xuất hiện sau lũ./.

Hố lớn trên đường lăn sân bay Miyazaki sau vụ nổ bom. Ảnh: CNN.
Bom từ Thế chiến II phát nổ tại sân bay Nhật Bản
(Ngày Nay) - Một quả bom Mỹ chưa được phát hiện từ Thế chiến II đã phát nổ tại một sân bay của Nhật Bản, khiến cho hơn 80 chuyến bay bị ảnh hưởng và phải hoãn lại. Chính quyền Nhật Bản cho biết vụ việc không gây ra bất kì thương vong nào.
Hình logo OpenAI được chụp vào ngày 20/5/2024. Ảnh: Reuters.
Những tính năng mới của OpenAI nâng cấp quá trình tạo giọng nói
(Ngày Nay) - OpenAI đã hé lộ một loạt các công cụ mới giúp các lập trình viên dễ dàng tạo ra những phần mềm ứng dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt là trong bối cảnh khi ChatGPT đang phải cạnh tranh với những “ông lớn công nghệ” khác để theo kịp cuộc đua AI.