Chiều 16/3, tại buổi họp báo chuyên đề, Bộ Tài chính đã trả lời câu hỏi của phóng viên về cơ chế, chính sách nhằm ngăn chặn lãnh đạo DNNN và người thân sở hữu DN sau cổ phần hóa, như trường hợp của Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trước đây có việc ưu tiên bán cổ phần DNNN theo thỏa thuận trước. Nhưng từ năm 2015 đã không còn việc ưu tiên bán cổ phần DNNN thông qua thỏa thuận nữa.
Theo đó, cổ phần DNNN trước tiên phải được đưa ra bán đấu giá công khai, nếu không thành công mới đưa ra chào bán giá cạnh tranh (đấu giá theo điều kiện). Khi cả 2 bước trên không thành công mới bán cổ phần theo thuận giữa bên bán về bên mua.
“Đã đấu giá công khai thì người mua cũng được công khai và cạnh tranh sòng phẳng với nhau. Điều này tránh việc thoả thuận giữa 2 bên, phương án bán thỏa thuận chỉ là sau cùng”, ông Tiến nói.
Thay đổi trên, theo ông Tiến, việc hạn chế bán cổ phần DNNN qua thỏa thuận để tránh việc lãnh đạo DNNN muốn bán cho ông A nên xây dựng chính sách, điều kiện có lợi cho ông A. “Nếu còn mua bán theo thỏa thuận thì sẽ còn lên xuống, nọ kia… nên giờ quy định rõ không ưu tiên bán thỏa thuận, để hạn chế những tiêu cực đó”, ông Tiến khẳng định.
Ông Nguyễn Duy Long, Tổ trưởng Biên tập Dự thảo Nghị định chuyển DNNN thành công ty cổ phần cho biết thêm, từ năm 1992 tới nay, nhà nước luôn có chính sách ưu tiên bán cổ phần DN cho người lao động (gồm cả lãnh đạo DN). Tuy nhiên, ố cổ phần được mua theo giá ưu đãi sẽ tính theo số năm công tác trong khu vực nhà nước, mỗi năm được ưu tiên mua 100 cổ phần với giá ưu đãi. Sau đó, muốn mua thêm phải thông qua đấu giá cạnh tranh, công khai.
Theo thống kê đến hết tháng 6/2016 (công bố năm 2017), các thành viên trong gia đình và người có liên quan của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hiện đang nắm giữ hơn 11 triệu cổ phiếu, tương ứng 34% vốn của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (mã DQC) với tổng giá trị tài sản ước tính hơn 700 tỷ đồng.
Theo Tiền Phong