“Cưỡng chế thu nợ: quốc gia nào cũng có”
Quả thật, 10 “ông” ngân hàng đi thu nợ thì cả 10 ông đều đồng thanh tương ứng như ý kiến chuyên gia Cấn Văn Lực bởi phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm thu giữ tài sản bảo đảm đúng là “cực chẳng đã”, là “bước cuối cùng” sau nhiều lần đàm phán không thành công.
Thực tế, những vụ thu nợ đình đám gần đây đều cho thấy “lịch sử” giao dịch của khách nợ đều có vấn đề, các ngân hàng áp dụng mọi biện pháp để đòi nợ nhưng khách hàng chây ì, không chịu trả nợ đúng hạn, thậm chí nhân viên thu hồi nợ còn bị khách nợ chống đối, bắt vạ.
“Nhân viên thu hồi nợ của ngân hàng chúng tôi từng bị khách hành hung, nhiều người sợ không dám nhận nhiệm vụ nếu không được cung cấp trang thiết bị và công cụ hỗ trợ. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho nhân viên, chúng tôi phải trang bị cho nhân viên thu nợ công cụ hỗ trợ. Thế nhưng dư luận lại “soi xét”, ác cảm khi thấy nhân viên được trang bị công cụ hỗ trợ tới thu hồi nợ”, đại diện một ngân hàng chia sẻ.
Chia sẻ thực tế này, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng đúng là việc thu nợ của ngân hàng phải được nhìn nhận hết sức thận trọng. Cực chẳng đã ngân hàng mới phải dùng biện pháp cưỡng chế có công cụ hỗ trợ đến nhà người dân đòi nợ. Song hình ảnh nhân viên thu nợ được trang bị dùi cui, đạn hơi cay hay mặc quần áo như lực lượng đặc nhiệm cũng dễ gây hiểu nhầm, ảnh hưởng tới vấn đề an ninh trật tự.
Chuyên gia Tài chính- Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng cưỡng chế thu hồi nợ không phải chỉ ngân hàng ở Việt Nam mới tiến hành mà thế giới cũng thế, đều là cực chẳng đã và bắt nguồn từ nguyên nhân khách hàng chây ì, trốn nợ.
Thực tế, ở Việt Nam, việc ngân hàng cưỡng chế thu nợ vẫn khiến người dân cảm thấy bất an và dư luận đôi khi không ủng hộ là do cách thức tiến hành, trong đó có việc các ngân hàng đã có sơ suất trong truyền thông hoặc thiếu sự phối kết hợp với địa phương, đơn thương độc mã khi tiến hành các biện pháp thu hồi nợ, cho dù được pháp luật cho phép.
“Tuân thủ pháp luật – chiếc áo giáp bảo vệ ngân hàng ”
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc thu nợ hay xiết nợ của các ngân hàng dù cái lý thuộc về ngân hàng nhưng quá trình tiến hành không được tuỳ tiện mà đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. “Việc thu hồi nợ phải đảm bảo tính nguyên tắc, thu nợ mà không sử dụng bạo lực. Các ngân hàng phải chọn các phương pháp hợp lý, tránh vi phạm pháp luật hiện hành”, ông Hiếu khuyến nghị.
Cùng quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng Ban Tư vấn & Phản biện Chính sách, Hội các Nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam – VACD cũng từng cảnh báo các ngân hàng khi thực hiện việc thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm phải tuân thủ các bước pháp luật quy định.
Thứ nhất, phải thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. Văn bản thông báo thu giữ tài sản phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên.
Thứ hai, ngân hàng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.
Theo đó, ngân hàng được quyền thực hiện các biện pháp: trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác tiến hành việc thu giữ tài sản bảo đảm; được thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan đến tài sản bảo đảm; được yêu cầu chủ sở hữu và ngưởi giữ tài sản bảo đảm cung cấp thông tin, thực hiện việc bảo quản, bàn giao, thu giữ tài sản bảo đảm; được đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân liên quan hỗ trợ, giúp đỡ để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm; được yết thị thông báo tại nơi có tài sản bảo đảm; được thông báo cho các tổ chức, cá nhân hữu quan và đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng về việc thu giữ tài sản; được sử dụng các biện pháp để di chuyển tài sản bảo đảm đến nơi khác; được kê biên, phong tỏa, niêm phong để áp đặt quyền quản lý, trông giữ, bảo vệ tài sản bảo đảm;...
Tuy nhiên, ngân hàng sẽ không được phép sử dụng các biện pháp bị coi là vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội như: lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực đối với người giữ tài sản bảo đảm; thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của người giữ tài sản và tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Như vậy có thể thấy, việc tuân thủ pháp luật khi thu hồi nợ giống như “chiếc áo giáp” bảo vệ ngân hàng khi đối diện với những khách nợ chây ì, thậm chí chống đối, quá khích.
Tuy nhiên, các ngân hàng đều cho rằng “chiếc áo pháp lý” cho hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm đang quá chật, cần những sửa đổi phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, nếu như hành lang pháp lý cho hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm không sớm được hoàn thiện, sửa đổi, thì câu chuyện “đứng cho vay, quỳ thu nợ”, ngân hàng đau đầu với nợ xấu, khách hàng thản nhiên chây ì, có tiền cũng không trả nợ, sẽ mãi còn xảy ra…