Liên quan đến việc góp vốn, thành lập và cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung cho Sky Viet, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi đến năm bộ, ngành liên quan cho ý kiến liên quan về vấn đề này.
Trên cơ sở hồ sơ đăng ký của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và hai cổ đông sáng lập khác, ngày 10-3-2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) số 0313687528 với tên gọi mới hoàn toàn là Công ty CP Hàng không Sky Viet, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Việc thành lập này dựa trên chủ trương tại các công văn số 1567/TTg-CN ngày 18-10-2007; Công văn 1567/TTg-CN ngày 22-9-2008 và Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch, phê duyệt các dự án phát triển đội máy bay và quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
SkyViet được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) của VNA, với tỷ lệ vốn góp là 51%, cùng hai doanh nghiệp khác là Công ty TNHH MTV quản lý quỹ Kỹ thương (công ty “con” của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Techcombank), chiếm 48%, và Công ty CP phát triển dự án Techcomdeveloper (cũng công ty “con” Techcombank), chiếm 1%.
Thực tế, ngay từ khi cấp phép của Sở KH&ĐT TP.HCM đã thể hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quy trình cấp phép. Trong đó, hoạt động hàng không là một lĩnh vực đặc thù muốn được cấp phép phải có được sự chấp thuận của Bộ chuyên ngành là Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Và việc góp vốn của hai cổ đông nêu trên đều là các TCTD, góp vốn vào DN ngoài ngành theo quy định thì cần phải có được chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bằng văn bản. Tuy vậy, Sở KH&ĐT TP.HCM đã bỏ qua các quy định này để cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Sky Viet (?).
Liên quan đến vấn đề cấp phép này, ngày 22-6-2016, Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ KH&ĐT khẳng định: “Bộ KH&ĐT không nhận được tham gia ý kiến đối với vấn đề góp vốn thành lập Sky Viet của VNA”.
Đồng thời, việc thành lập DN mới là Sky Viet tên khác so Đề án lập hãng hàng không (HHK) mới đã được Bộ GTVT phê duyệt là Công ty CP Hàng không Vasco. Liệu đây có phải là sự lập lờ trong việc thành lập HHK mới để tạo thành những kẽ hở trong việc định giá, đầu tư góp vốn của Vasco?
Một trong các vấn được dư luận đặc biệt quan tâm là nguồn gốc vốn góp của các cổ đông trong việc thành lập Sky Viet. Trong đó, Vasco được định giá là 99,248 tỷ đồng và được VNA dùng làm vốn góp vào Sky Viet. Nhưng trên thực tế, theo báo cáo tổng kết công tác Đảng năm 2015 của Vasco thì riêng phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh được xác định là 75,3 tỷ đồng.
Cụ thể, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh như thực hiện được 3.883 chuyến bay thương mại, tổng sản lượng vận chuyển 392.000 lượt hành khách, vận chuyển 714 tấn hàng hóa, hàng hóa luôn chuyển đạt 217.000 tấn, tổng doanh thu đạt 419,4 tỷ đồng, nộp ngân sách 43 tỷ đồng.
Kết quả hoạt động cho thấy hầu hết các chỉ tiêu đều hoàn thành vượt kế hoạch năm và tăng trưởng so năm 2014, đặc biệt lợi nhuận đạt gấp 11,3 lần so kế hoạch và tăng trưởng 12,6%. Như vậy, với tốc độ tăng trưởng trong sản xuất, kinh doanh của Vasco thì năm tiếp theo chỉ tính riêng lợi nhuận có thể đạt đủ với số tiền đã được định giá và nếu đem cộng giá trị này vào chắc chắn việc định giá của một hãng hàng không như Vasco sẽ là con số lớn hơn gấp nhiều lần?
Liên quan đến hai cổ đông sáng lập, có thể hiểu rằng đây là sự “bắt tay” giữa VNA với Techcombank thông qua hoạt động góp vốn của hai công ty thành viên của chính Techcombank.
Với số vốn góp lên 49% tại Sky Viet, Techcombank đã vi phạm nghiêm trọng Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 và Thông tư 36/2014/NHNN hướng dẫn thực thi Luật này. Theo đó, tại khoản 3, điều 129 của Luật Các TCTD đã quy định rõ: “Mức góp vốn, mua cổ phần của môt công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết của một công ty tài chính vào một DN theo quy định tải khoản 2 Điều 110 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của DN nhận góp vốn”.
Việc để hai công ty “con” góp vốn vào Sky Viet phải chăng là cách để Techcombank “lách” quy định khi đầu tư ngoài ngành phải được sự chấp thuận bằng văn bản của NHNN?
Theo Báo Thời Nay