Theo một số văn bản kiến nghị gỡ khó cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, mặc dù được hưởng không ít cơ chế hỗ trợ nhưng doanh nghiệp này vẫn thua lỗ nặng nề với tổng số tiền lên đến hơn 2.600 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng.
Những khoản vay tiền tỷ
Đứng đầu bảng trong danh sách các ngân hàng thương mại trong nước cho Đạm Ninh Bình vay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo thông tin chính thức từ ngân hàng này, tháng 2/2014 BIDV và Đạm Ninh Bình đã ký Hợp đồng tín dụng ngắn hạn hạn mức năm 2014 với tổng giá trị là 1.200 tỷ đồng và Hợp đồng tín dụng trung hạn tài trợ phương án mua sắm vật tư dự phòng (trong 2 năm) với tổng số tiền vay bằng VND tương đương 6,4 triệu USD.
BIDV cho biết thêm, với việc nâng hạn mức tín dụng ngắn hạn từ 800 tỷ đồng trước đó lên 1.200 tỷ đồng, BIDV tiếp tục là ngân hàng thương mại cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn lớn nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Đạm Ninh Bình. Đặc biệt, khoản vay trung hạn 6,4 triệu USD đã cung cấp kịp thời vốn tài trợ phương án mua sắm vật tư dự phòng cho Nhà máy Đạm Ninh Bình. Bên cạnh đó, BIDV còn cung cấp các sản phẩm phi tín dụng để đáp ứng nhu cầu của Đạm Ninh Bình như: bảo hiểm tài sản nhà máy thông qua Tổng công ty CP Bảo hiểm BIDV (BIC), các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ phục vụ nhu cầu của cán bộ công nhân viên như trả lương tự động, phát hành thẻ ATM, thẻ VISA, bảo hiểm nhân thọ...
Ngoài những chính sách ưu đãi đặc thù dành cho Nhà máy Đạm Ninh Bình, BIDV còn có các chương trình hỗ trợ hoạt động các đại lý, nhà phân phối sản phẩm Đạm Ninh Bình trên toàn quốc như: cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ 100% phí chuyển tiền của đại lý thanh toán cho Nhà máy Đạm Ninh Bình...
Một “ông lớn” ngân hàng quốc doanh khác là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho Đạm Ninh Bình vay với giá trị lớn vào năm 2014. Tháng 5/2014, Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Vietcombank với Đạm Ninh Bình. Theo đó, giới hạn tín dụng được Vietcombank cấp cho Đạm Ninh Bình trị giá lên tới 800 tỷ đồng. Tại đây, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cam kết đồng hành, hỗ trợ thu xếp vốn đầy đủ, kịp thời để đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án của Đạm Ninh Bình. Ngay sau lễ ký kết, Vietcombank Chi nhánh Ninh Bình đã giải ngân khoản vay cho Đạm Ninh Bình.
Không có gốc gác nhà nước, nhưng năm 2012, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) đã tổ chức ký kết Hợp đồng tín dụng trị giá 600 tỷ đồng với Công ty Đạm Ninh Bình. Theo đó, Đạm Ninh Bình sẽ sử dụng gói tín dụng này bổ sung vốn lưu động thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất phân đạm. Trước đó, từ năm 2008, Techcombank và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác toàn diện. Các đơn vị thành viên của Vinachem như: Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, Công ty Hóa chất Lâm Thao, Ban Quản lý dự án Ure Ninh Bình… đã thường xuyên sử dụng các giải pháp tài chính của Techcombank.
Thu hồi vốn ra sao
Tình trạng làm ăn thua lỗ của Đạm Ninh Bình được giải thích là do nguồn cung của 4 nhà máy đạm trong nước đã vượt cầu, kết hợp với nguồn cung từ nhập khẩu giá rẻ đã tác động trực tiếp đến giá bán đạm Ninh Bình và công tác tiêu thụ. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới giảm kéo theo giá phân bón giảm và được dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là giá ure. Như vậy có thể thấy triển vọng ảm đạm của Công ty Đạm Ninh Bình và số phận khoản cho vay của các ngân hàng vẫn đang là dấu hỏi.
Câu chuyện đặt ra là, với các khoản cho vay như trên trong bối cảnh khó khăn của Đạm Ninh Bình như hiện nay, việc thu hồi nợ gốc và lãi vay của các ngân hàng tại doanh nghiệp này ra sao, tài sản bảo đảm cho các khoản vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng là gì, có tính thanh khoản hay không? Các khoản vay đã bị chuyển nhóm nợ xấu hay chưa?
Báo cáo tài chính bán niên của các ngân hàng không trình bày chi tiết các khoản nợ vay nên khoản cho vay tại Công ty Đạm Ninh Bình vẫn là ẩn số. Báo Đấu thầu sẽ trở lại vấn đề này trong số báo sau.
Theo Baodauthau.vn