Trong quý III năm nay, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ giảm 9,28% so với cùng kỳ năm trước cao hơn nhiều mức giảm 6,17% của toàn nền kinh tế và mức giảm 5,02% của khu vực Công nghiệp và Xây dựng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch khi có mức tăng trưởng dương 1,04%.
Trong 9 tháng năm nay, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế.
GDP 9 tháng năm nay chỉ tăng 1,42%, trong đó, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi là khu vực duy nhất có giá trị tăng thêm giảm 0,69%, làm giảm 22,05% vào mức tăng chung của nền kinh tế; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%.
Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế như: Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.
Một số ngành có tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước, góp phần giảm thiểu mức sụt giảm của ngành dịch vụ như: Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.
Khu vực doanh nghiệp là động lực chính, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ khi có số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 41,6 nghìn doanh nghiệp (chiếm 72% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 21,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; ngành khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế có 3,7 nghìn doanh nghiệp; ngành dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác và ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống cùng có 3,4 nghìn doanh nghiệp; ngành vận tải, kho bãi có 3,1 nghìn doanh nghiệp…..
Niềm tin vào thị trường sụt giảm làm cho số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực dịch vụ có 60,9 nghìn doanh nghiệp (chiếm 71,3% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), giảm 9,5%; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%. Ngoài ra, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong khu vực dịch vụ là 22,6 nghìn doanh nghiệp (chiếm 69,8% tổng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động), giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,7%).
Trong đó du lịch lữ hành chịu ảnh hưởng nhiều nhất với mức giảm tới 64%, giảm ở các tỉnh/thành phố: Quảng Ninh giảm 31,5%; Đà Nẵng giảm 42%; Cần Thơ giảm 45,3%; Hà Nội giảm 55,4%; Hải Phòng giảm 55,7%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 56,2%; Thừa Thiên – Huế giảm 63,1%; Bình Dương giảm 67,8%; Quảng Nam giảm 82,4%; Khánh Hòa giảm 89,5%. Tiếp đến là sự sụt giảm của dịch vụ lưu trú và ăn uống với mức giảm 22,1%, chủ yếu do sụt giảm tại Quảng Ninh giảm 12,6%, Cần Thơ giảm 14,9%, Đà Nẵng giảm 17,5%, Đồng Nai giảm 20,8%, Hà Nội giảm 24,9%, Bình Dương giảm 26,4%, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 30,5%, Nghệ An giảm 34,1%.
Bán lẻ hoàng hóa giảm 3,4%. Xét theo ngành hoạt động, trong doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2021 có ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 5%; phương tiện đi lại giảm 6,4%; may mặc giảm 9,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 10%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 10,5%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Hà Nội giảm 4,4%; Cần Thơ giảm 5,4%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 22,1%; Đà Nẵng tăng 4,4%; Hải Phòng tăng 9,6%.
Vận chuyển hành khách 9 tháng năm 2021 giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách giảm 30,9% và vận chuyển hàng hóa giảm 5,6%, luân chuyển hàng hóa giảm 0,3%.
Khách quốc tế đến nước ta trong quý III/2021 đạt 26,3 nghìn lượt người, giảm 40,3% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Tính chung 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu đăng ký kinh doanh mới trong tháng 9/2021 |